Thứ Sáu, Ngày 29 Tháng 3 Năm 2024

Cái nghèo làm nên tấm lòng vàng của nữ doanh nhân

Thứ Hai, 21/04/2014 12:00
Chị Đỗ Thị Tuyết (Tuyết Minh) – Giám đốc Cty CP Dạy nghề nhân đạo Sinh Lộc là một nữ doanh nhân luôn hết mình với công việc mình theo đuổi. Nhưng không phải vì tiền tài, danh vọng mà chị muốn đem lại phần nhỏ bé của mình cho những em nhỏ thiệt thòi.

Tuổi thơ gian khó để lại trong tâm thức chị những ký ức không thể nào quên nhưng chị lại cảm ơn nó vì đã dần hun đúc nơi chị ước mơ, nghị lực, sự quyết tâm vươn lên, thoát khỏi đói nghèo. Hơn nữa, đó còn là động lực giúp chị xây đắp lòng nhân ái để thấu hiểu, sẻ chia và giúp đỡ những người bất hạnh hơn mình.

Ước mơ của cô bé lọ lem

Tuyết Minh xuất thân từ một gia đình nghèo tại làng Bình Vọng (Văn Bình, Thường Tín, Hà Tây). Tuổi thơ chị đầy ắp những kỷ niệm buồn, nỗi buồn từ cái nghèo mà chị là người nghèo đến tận cùng của làng Bình Vọng. Nhà chị quanh năm hầu như không có cơm ăn. Mẹ chị lúc bấy giờ phải đi làm thuê để kiếm cái ăn cho cả gia đình. Đến giờ, chị vẫn không quên được niềm hạnh phúc tan chảy của chị và đàn em trong những ngày mẹ mang được ít gạo xấu về nấu cơm cho ăn. Chị cũng chưa thể quên cảm giác tủi cực khi phải vác rá đi đong gạo chịu, nhưng người ta cũng chẳng chịu bán.

Hồi học trung học cơ sở chị học giỏi môn văn và được đi thi học sinh giỏi văn của tỉnh, nhưng chị rất mặc cảm vì bị cái nghèo đeo đẳng. Gia đình khó khăn, mẹ rất muốn chị nghỉ học để giúp mẹ việc đồng áng nuôi các em. Thế nhưng cô bé Nhung (tên chị hồi nhỏ), vẫn một mực xin mẹ cho tiếp tục đi học, đổi lại sẽ gắng sức làm tròn mọi việc mẹ giao. Từ đó, cô bé mới ở độ tuổi 13 – độ tuổi dậy thì đẹp đẽ, đã phải bươn chải lo toan công việc đồng áng, bán buôn để kiếm tiền giúp mẹ nuôi em. Chị mua một bè rau muống, hái bán dần để lấy tiền lãi hàng ngày đưa cho mẹ…

Cuộc đua không ngừng nghỉ

Chị nhớ lại, cũng có những thời điểm như năm 1990, công việc kinh doanh của chị bị thiệt hại nặng do những biến động của thị trường, do bị chiếm đoạt vốn. Tưởng như đó là cú nốc ao làm sụp đổ mơ ước làm giàu, và cao hơn là làm điều thiện cho cuộc sống của chị. Nhưng nghị lực, những ký ức thuở ấu thơ đã vực chị đứng lên và chắp cánh cho chị gây dựng lại vốn liếng thậm chí có phần phát triển hơn xưa, đứng vững được trên thương trường. Cùng với đó là niềm tin mà chị đã gây dựng cho khách hàng ở các cửa khẩu, ở những nước bạn như Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ… Trong giai đoạn này, chị nghĩ muốn kinh doanh thành đạt phải có kiến thức và chị đã theo học lớp kế toán, lớp Đại học Luật mặc dù thời gian đã kín.

Thuở đầu lập nghiệp, chị cũng đã truân chuyên qua nhiều nghề, nào làm đồ gỗ, hàng thêu, xuất nhập khẩu đường, vải… Khi đã có một chút vốn liếng cũng là lúc chị thực hiện điều mình hằng tâm niệm: lập trung tâm dạy nghề cho mọi người, nhất là cho các cháu khuyết tật, mồ côi… Xuất thân từ một làng nghề truyền thống về thêu đan, mây tre, chạm khảm, chị quyết định mở một cơ sở dạy chính những nghề đó cho các cháu, một phần để lưu giữ những nghề truyền thống của quê hương, một mặt để hoàn thành ước nguyện của mình. Nhưng ước mơ của chị không dừng lại ở đó. Chị muốn xây dựng được nhiều cơ sở dạy nghề truyền thống ở nhiều địa phương để tạo công ăn việc làm phù hợp cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn. Ban đầu, chị gặp sự phản đối của chồng nên gian khó không chia sẻ được cùng ai, gánh nặng đè lên đôi vai chị.

Thân gái dặm trường. Năm 2006, một mình chị lên huyện Văn Lãng – Lạng Sơn kinh doanh, vừa đem cây nghệ lên cho nhân dân trồng thử, vừa bắt tay thuê đất xây dựng cửa hàng giới thiệu sản phẩm cho trung tâm dạy nghề của chị tại đây. Thành công nối tiếp thành công, mới đây, chị đã khai trương thêm một trung tâm bảo trợ nhân đạo lấy tên là Đại Phúc tại Cầu Giẽ – Phú Yên – Phú Xuyên – Hà Nội. Nhân dịp này nguyên Tông Bí thư Lê Khả Phiêu đã gửi thư khen ngợi. Hiện tại, chị xây dựng thêm một cơ sở dạy nghề có nơi ăn chốn ở cho các cháu tại TP Lạng Sơn với diện tích 2ha và số vốn đầu tư là 50 tỷ đồng. Sắp tới chị có ý định tiếp tục xây dựng một cơ sở nữa ở TP Hồ Chí Minh.

Chữ tâm toả sáng

Giờ đây, khi đã vững vàng trên thương trường và đủ khả năng giúp đỡ người bất hạnh, nghèo khổ hơn mình, chị luôn tâm niệm phải làm bằng được những gì mình đã định và làm bằng cái tâm của mình. Tại những cơ sở của chị, các cháu có hoàn cảnh khó khăn đều có lương từ 800.000 – 1.000.000 đồng, còn các cháu khuyết tật thì được chị lo cho chu tất. Giúp các cháu có công ăn việc làm, tự nuôi sống được bản thân mình và có niềm tin vào cuộc sống – đó là niềm hạnh phúc của chị.

Chị Đỗ Thị Tuyết (áo dài)- Nữ doanh nhân có tấm lòng nhân ái

Để làm được những việc đó, chị bảo là do từ lâu, ở chị đã nảy sinh những tình cảm đặc biệt với các cháu bé kém may mắn, đặc biệt là những cháu khuyết tật. Nhìn chúng làm việc, chị vui như một người mẹ đang chứng kiến những đổi thay, lớn khôn của chính những đứa con mình. Chị cùng ăn với lũ trẻ, tắm rửa cho chúng mà không nề hà rằng chúng chẳng bình thường như những đứa trẻ khác. Và chị đã được đền đáp bằng những tình cảm đặc biệt của các cháu. Chúng gọi chị bằng cái tên “mẹ Tuyết Minh”, ríu rít đón chị như đón mẹ về chợ, thậm chí có đứa chỉ muốn ở với “mẹ Tuyết Minh” mà thôi. Đến nay, đã có nhiều cháu được chị nuôi ăn học từ nhỏ, nay đã vào đại học hoặc đi làm và đang quay trở lại giúp mẹ làm những việc có ích cho đời.

Không chỉ có thế, tại nơi gia đình chị sinh sống, những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đều được chị quan tâm, chia sẻ, tặng quà và cho tiền học phí. Chị dạy các con mình từ tấm bé phải biết chia sẻ cho các bạn kém may mắn hơn mình. Nhờ vậy mà các con chị bây giờ đều đã trưởng thành, hiếu thuận và rất tâm đắc với công việc của mẹ.

Làm được những điều như vậy vốn không phải là một việc dễ dàng với một phụ nữ có xuất phát điểm từ con số “0” như chị. Chị tâm sự, những thành quả chị có được hôm nay là nhờ xã hội, người thân, nhất là người mẹ già và các con chị đã động viên, sát cánh bên chị. Chị cảm tạ ơn đức của mẹ già – nơi nương tựa vững chắc về tinh thần của chị mỗi khi chị gặp sóng gió. Chị cảm ơn các con đã động viên và luôn bên chị để sẻ chia. Và chị cũng cảm ơn người chồng nay đã dần cảm thông, giúp đỡ chị trong công việc.

Tuy đâu đó vẫn còn những nhìn nhận không đúng về công việc từ thiện nhưng chị tin, với ý chí và cái tâm trong sáng của mình, chị sẽ làm tốt điều mà lâu nay chị hằng ấp ủ. Chị cứ đi lại như con thoi hết Hà Nội, Lạng Sơn rồi TP Hồ Chí Minh mà không biết mệt mỏi để thực hiện cho được những dự định của mình, đem lại niềm tin yêu cuộc sống cho những em nhỏ tật nguyền, cơ nhỡ, khó khăn.

Mong rằng người phụ nữ luôn ước mơ và trăn trở để làm những điều thiện cho đời sẽ hoàn thành được những điều mình tâm nguyện.

Theo Tin Kinh Doanh

Thêm bình luận

Họ tên
Email
Nữ doanh nhân