Hội nhập đang tác động sâu rộng vào các lĩnh vực kinh tế trọng điểm của Việt Nam, trong đó có dầu khí. Bà nhận định thế nào về vấn đề này?
- Chính phủ Việt Nam đã có chiến lược phát triển năng lượng cho từng giai đoạn nhưng vẫn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức khi triển khai. Thế kỷ này là thế kỷ của năng lượng, nguồn dầu khí thiên nhiên ngày càng cạn kiệt. Chiến lược của từng quốc gia cũng như các tập đoàn dầu khí quốc gia là làm thế nào để khai thác hiệu quả nhất.
Dầu khí đang và sẽ tiếp tục là một trong những nguồn thu chính cho GDP. Theo kế hoạch của Chính phủ, đến năm 2020 Việt Nam sẽ có ba nhà máy lọc dầu do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam làm chủ 100% vốn, hoặc là liên doanh Bình Sơn - Dung Quất, Nghi Sơn và Long Sơn.
Tuy nhiên, đến nay, Long Sơn vẫn nằm trên giấy nhưng chúng ta lại có thêm nhà máy Vũng Rô. Gần đây, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Thái Lan cũng dự tính xây dựng nhà máy lọc dầu thứ tư tại Bình Định với mức vốn đầu tư lên tới 25 tỷ USD.
* Sự kết nối giữa thị trường dầu khí Việt Nam với các nước trong khu vực Đông Dương đang ở mức độ nào, theo đánh giá của bà?
- Khu vực Đông Nam Á có Việt Nam, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và gần đây là Myanmar, được thế giới đánh giá là những nước có bờ biển dài, nguồn tài nguyên dầu khí khá dồi dào. Hiện nay, các quốc gia này đã tạo thành khối các nước có nền kinh tế dựa vào dầu khí.
Tuy nhiên, Thái Lan và Malaysia đã đi trước Việt Nam một bước, còn Indonesia đang là đối thủ đáng gờm của Việt Nam cả về số lượng mỏ dầu khí lẫn chính sách cởi mở.
Đối thủ khác cũng không thể xem thường là Myanmar, mỏ dầu khí của đất nước này được đánh giá lớn hơn cả của Malaysia, nhưng quốc gia này vẫn đi sau do Mỹ mới bỏ cấm vận năm ngoái.
* Việt Nam đang thực hiện tái cơ cấu đầu tư công, số lượng dự án vì thế sẽ giảm bớt. Với những hạn chế đó, việc phân chia thị phần có gay gắt hơn không?
- Đã tham gia thị trường là phải chuẩn bị đối mặt với cạnh tranh, nhất là khi Việt Nam tập trung ngày càng nhiều các nhà cung cấp thiết bị tầm cỡ thế giới.
Cơ cấu của Honeywell gồm bốn nhóm ngành hàng chính bao gồm: Hàng không vũ trụ, Các giải pháp điều khiển và tự động hóa, Công nghệ và vật liệu chuyên dụng và Hệ thống giao thông vận tải, và trong mỗi nhóm có nhiều doanh nghiệp nhỏ.
Với lợi thế ngành và sự quan tâm của các nhà đầu tư, nhiều doanh nghiệp làm tốt hơn hẳn, nhưng cũng có doanh nghiệp phải cạnh tranh khốc liệt.
Ví dụ, ở lĩnh vực an ninh tòa nhà, chúng tôi có 17 doanh nghiệp, trong đó có bốn doanh nghiệp nổi trội thực sự tại Việt Nam, luôn chiếm được lòng tin của khách hàng và ở vị trí tiên phong. Vì vậy, tuy cạnh tranh khốc liệt nhưng sự tăng trưởng của chúng tôi trong gần ba năm qua tương đối tốt.
* Các tập đoàn lớn trên thế giới đang cạnh tranh khá gay gắt trong lĩnh vực dầu khí tại Việt Nam. Bà đánh giá thế nào về mức độ cạnh tranh ở lĩnh vực này?
- Honeywell không phải là công ty kinh doanh đơn thuần, chúng tôi nghiên cứu, sáng chế, sản xuất và bán công nghệ cao. Chính vì thế, về bản quyền công nghệ làm nhà máy lọc dầu gần như chỉ có Honeywell - UOP là trọn bộ.
Honeywell cung cấp bản quyền công nghệ cho ngành dầu khí, bao gồm cả thượng nguồn, trung nguồn và hạ nguồn. Chúng tôi luôn đi đầu, nhưng không phải là không có cạnh tranh, thậm chí cạnh tranh khá gay gắt, đặc biệt trong lĩnh vực cung cấp thiết bị an ninh cho các tòa nhà.
Chiến lược phát triển của Tập đoàn là tập trung vào những lĩnh vực trọng điểm, những ngành mũi nhọn của nền kinh tế và đó là những ngành công nghệ cao, khó và ít người làm.
Chúng tôi đã giành được lợi thế trong kinh doanh từ chính những thách thức này. Có những lĩnh vực chúng tôi chiếm tới 80% thị trường, chẳng hạn, xây nhà máy lọc dầu, nhà đầu tư khó có thể bỏ qua công nghệ UOP của Honeywell.
Hằng năm, Honeywell tốn nhiều tỷ đô la cho nghiên cứu khoa học, làm ra những sản phẩm mang tính giải pháp nhằm giải quyết những vấn đề thách thức nhất của toàn cầu.
Chẳng hạn, năng lượng dầu khí đang ngày càng cạn kiệt, các nhà nghiên cứu của Honeywell phải tìm ra những nguồn năng lượng thay thế và họ đã nghiên cứu về năng lượng sinh học, chiết suất năng lượng từ tảo...
* Việt Nam chưa thực sự chú trọng đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao. Phương thức nào giúp bà chuyển tải những thông điệp của Honeywell tới khách hàng?
- Chưa chú trọng đầu tư vào công nghệ cao không chỉ có ở Việt Nam, mà là tình trạng chung ở các nước Đông Nam Á. Các doanh nghiệp Việt Nam thường thiếu vốn, công nghệ và đội ngũ kỹ sư. Điều này khớp với chiến lược chúng tôi đang phát triển tại Việt Nam: Nơi nào thiếu cái gì thì cung cấp cái đó.
Tranh thủ sự ủng hộ của Chính phủ Mỹ về thúc đẩy xuất khẩu công nghệ cao, Honeywell Việt Nam đã tích cực kết nối khách hàng của mình với Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Hoa Kỳ, giúp doanh nghiệp Việt Nam vay vốn.
- Trước khi gia nhập Honeywell, bà Mai Trang Thanh làm việc tại Tập đoàn General Electric (GE) ở vị trí Giám đốc Phụ trách mảng dầu khí tại Việt Nam và Giám đốc Phát triển thị truờng. Trước khi làm việc cho GE, bà cũng từng giữ nhiều vị trí quan trọng khi làm việc cho Tập đoàn Chevron (Mỹ). |
Về mặt công nghệ, chúng tôi xúc tiến ngay khi dự án còn trên giấy, hỗ trợ kiến thức về công nghệ cho khách hàng, kết nối khách hàng mới với khách hàng cũ để họ học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.
Công nghệ thay đổi hằng ngày, trong khi nhân lực của Việt Nam chỉ mới được đào tạo cơ bản với các giáo trình của Liên Xô trước đây. Nhân viên của Honeywell đã trực tiếp truyền đạt miễn phí kiến thức công nghệ cho nhân viên của khách hàng. Sáng kiến đó và những nỗ lực của Honeywell Việt Nam được khách hàng đánh giá rất cao.
Tôi là người Việt, tôi muốn đầu tư của Việt Nam phải thực sự mang lại hiệu quả. Đó không phải là trách nhiệm mà là tâm niệm.
Nhà đầu tư đứng ra xây dựng những nhà máy mấy trăm triệu đô la chịu áp lực rất lớn. Thiết bị tự động hóa tuy nhỏ, chi phí cũng chỉ chiếm 1 - 2% tổng vốn đầu tư nhưng nó đóng vai trò đầu não.
Lắp đặt đã có nhà thầu hoàn tất nhưng việc điều khiển phải được đào tạo, mà đào tạo là khó khăn lớn nhất đối với kỹ sư Việt Nam bởi vướng mắc về ngôn ngữ. Hiểu được điều đó, chúng tôi cố gắng Việt hóa kiến thức công nghệ, đó là chiến lược của Honeywell tại Việt Nam.