Nếu như xét trên tổng thể, tính chính trực, thái độ tích cực và khả năng giao tiếp luôn được xếp hàng đầu, thì gần đây khả năng sáng tạo và năng lực phán đoán ngày càng được các nữ CEO xem trọng.
Một báo cáo của Grant Thornton công bố trong tháng 3/2013 đã chỉ ra rằng: khoảng 9/10 nhà lãnh đạo ASEAN và 83% nhà lãnh đạo Mỹ Latinh tin rằng khả năng sáng tạo là quan trọng, tại EU là 57%. Trong khi 85% nhà lãnh đạo ASEAN cho rằng khả năng phán đoán là quan trọng thì tại Liên minh Châu Âu chỉ có 54% cùng quan điểm.
Ở Việt Nam, có đến 94% nhà lãnh đạo tin vào tầm quan trọng của sự sáng tạo và 98% xem trọng khả năng phán đoán. Theo bảng xếp hạng, Việt Nam là nước dẫn đầu toàn cầu tin tưởng rằng trực giác là một yếu tố quan trọng đối với nhà lãnh đạo giỏi.
Trong khi tại các nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Mỹ Latinh, mọi người tỏ ra cởi mở trong việc học hỏi, khả năng phán đoán và năng lực sáng tạo thì các nền kinh tế châu Âu lại lệ thuộc vào những thông lệ vốn có.
Ngoài ra, khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Mỹ Latinh cũng có thời kỳ quan sát và học hỏi từ các nữ lãnh đạo phương Tây nhưng điều đó không đơn giản chỉ là sao chép và thay thế kỹ năng quản lý, họ còn phối hợp chúng với bản sắc văn hóa và thực tiễn quản lý của quốc gia mình để thích ứng như một "giải pháp thứ ba” tại thị trường địa phương.
Ông Oliver Đỗ, Giám đốc điều hành Dynasty Investments cho rằng: nữ CEO Việt cảm tính nhưng họ có ưu thế là rất cẩn thận, không chấp nhận nhiều rủi ro như nam giới. Tuy nhiên, chấp nhận rủi ro lại là một trong những tiêu chí của quá trình lãnh đạo họat động doanh nghiệp nên tính cẩn thận này vô hình chung trở thành sự tự hạn chế của phụ nữ.
Ở góc nhìn của một nữ CEO, bà Đỗ Thùy Dương, Giám đốc Công ty cổ phần Hội tụ nhân tài (Talent pool) lại cho rằng: Trước đây khi thông tin chưa phổ biến, người đàn ông có nhiều cơ hội chủ động tiếp cận thông tin hơn nên tìm được nhiều cơ hội kinh doanh hơn. Nhưng hiện nay, trong thời đại số hóa, thông tin đã trở nên phổ biến, nó không còn là “sức mạnh” nữa. Thay vào đó, cảm xúc, sự tinh tế, nhạy cảm của phụ nữ lại trở thành thế mạnh.
Bà Dương nhận định rằng: Phụ nữ Việt Nam có thể xây dựng một văn hóa mạnh mẽ, dám nghĩ dám làm, đưa ra những quyết định quan trọng trong những công việc gia đình. Nhưng đến khi đưa ra những quyết định “sắt thép” trong kinh doanh thì phụ nữ Việt Nam lại hơi thiếu quyết đoán. Chính vì sự hơi thiếu kỷ luật, hơi yếu kỷ luật, nương tựa nhiều vào tình cảm nên họ chỉ có thể trở thành chủ những doanh nghiệp xuất sắc chứ chưa thể trở thành chủ doanh nghiệp vĩ đại. Ngay cả trên thế giới cũng rất ít nữ CEO được nhắc đến như một chủ doanh nghiệp vĩ đại.
“Có lẽ là do chúng tôi cũng sống dựa nhiều vào tình cảm. Và nếu được hỏi đánh đổi giữa tạo ra một doanh nghiệp vĩ đại hay tạo ra một văn hóa tình cảm và nương tựa, tôi và nhiều phụ nữ vẫn xin chọn con đường thứ hai”, bà Dương nói thêm.
Nữ CEO Việt Nam có nhiều tố chất riêng biệt
Ngoài tính chính trực, thái độ tích cực và khả năng giao tiếp, khả năng sáng tạo và năng lực phán đoán, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng nữ CEO Việt Nam còn có một số tố chất rất riêng, góp phần không nhỏ vào thành công của họ như:
Họ có chí và có gan. Có chí đứng ra thành lập doanh nghiệp, có gan lãnh đạo hoạt động doanh nghiệp vượt qua nhiều giao đoạn khó khăn. Mặc dù bề ngoài có vẻ khiêm nhường nhưng có chí, có gan mới “làm quan” và “làm giàu” được ở những nhiệm vụ khó khăn như thế.
Họ có sự khiêm nhường và chịu khó học hỏi. Báo cáo của Grant Thornton chỉ ra rằng 33% lãnh đạo doanh nghiệp cấp cao ở Việt Nam là nữ nhưng chỉ có 20% nữ CEO Việt Nam được qua đào tạo để làm lãnh đạo, còn lại phần lớn phụ nữ đã tự học hỏi từ những người khác hoặc từ các chương trình khác để lãnh đạo tốt doanh nghiệp.
Họ có tính bao dung, nhìn nhận sự vật, sự việc chi tiết ở nhiều góc độ trước khi đi đến quyết định kinh doanh, chính điều đó nhiều khi giúp họ tránh được các quyết định nóng vội, thiếu sáng suốt.
Họ có sự điềm tĩnh. Nhiều người phụ nữ dù có vai trò khiêm nhường trong doanh nghiệp nhưng lại có sức mạnh thuyết phục rất lớn, giúp cho các doanh nghiệp tồn tại.
Bà Lan lấy ví dụ: có những hội đồng quản trị mặc dù chỉ có một người là nữ nhưng tiếng nói của người nữ đó giống như “một chiếc phanh” hết sức cần thiết để kìm hãm bớt những ý kiến nóng vội khác vì quá háo hức theo kịp sự phát triển của Việt Nam, những dịch vụ mang tính chất đầu cơ nhiều hơn đầu tư.
Tuy đa phần CEO nữ ở Việt Nam đều là chủ của doanh nghiệp vừa và nhỏ, số lượng CEO của doanh nghiệp lớn ít hơn rất nhiều nhưng điều đó không nói lên rằng doanh nghiệp vừa và nhỏ thì không quan trọng hay không quan trọng bằng doanh nghiệp lớn.
Thực tế, nhìn vào Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới doanh nghiệp nhỏ và vừa lại tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động và đóng góp cho tổng GDP của quốc gia hoàn toàn không thua kém các doanh nghiệp lớn.
“Mặc dù hiện nay, doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam vẫn chịu rất nhiều thiệt thòi về yếu tố nguồn lực và bị phân biệt đối xử nhưng trong điều kiện khó khăn như vậy, nữ CEO Việt Nam vẫn giữ cho doanh nghiệp phát triển một cách bền bỉ, trải qua những giai đoạn khó khăn của nền kinh tế là những điều vô cùng đáng trân trọng”, bà Lan kết luận.