"Đi chợ khác với đi chùa/ Người mua kẻ bán đong đưa gọi mời/ Trời sinh tôi phận ấy rồi/ Thôi đành cam chịu phận tôi cũng đành... Đi chùa sám hối kêu oan/ Đi chợ phải những tính toan đời thường". Bà Vân đọc những vần thơ do mình sáng tác cho vài vị khách mua hàng quen thuộc nghe rồi tất cả cùng cười. Người mua, người bán đều cảm thấy thoải mái.
Nơi chợ búa ồn ào tưởng như không phải là mảnh đất gieo hồn thi sĩ, thế nhưng với "Khánh Vân cô nương" nó hòa hợp, không mâu thuẫn. Cả gia đình bà đều mang gen nghệ sĩ. Chồng bà là nghệ nhân Nguyễn Đức Bình (nghệ nhân duy nhất của làng giò chả Ước Lễ), hai người con trai là nghệ sĩ đàn môi Nguyễn Đức Minh và họa sĩ Nguyễn Đức Phương. Bản thân bà vốn là con người lãng mạn, dễ xúc cảm nên dù trong hoàn cảnh nào thì vẫn mang tâm hồn thơ.
Lúc bán hàng bà chủ tất bật, đon đả mời chào. Vào giờ nghỉ trưa, nữ thi sĩ lại thảnh thơi với tuần trà, đĩa kẹo, xem tivi, đôi lúc lại lướt web đối thơ cùng bạn bè. Ảnh: Phan Dương. |
Bà Vân sinh năm 1959, lớn lên ở mảnh đất Điện Biên. Ngày trẻ bà từng học y sĩ, sau công tác ở vùng Mường Lay (Sơn La). Thời điểm đó, chiến tranh biên giới nổ ra, ông Nguyễn Quốc Bình cũng đóng quân tại đây. Qua những buổi giao lưu văn nghệ với dân bản, bà và ông quen nhau. Anh bộ đội hào hoa, hát hay, còn cô y sĩ yêu thơ ca, hai con người lãng mạn bén duyên nhau.
"Tình yêu ngày xưa trong sáng, đêm xuống là trốn tập thể đi chơi nhưng chỉ nói chuyện thôi. Có đêm đi trên cây cầu chênh vênh vách núi, ông ấy muốn hôn mà mặt mình cứ đỏ, rồi ông bèn làm thơ: Gió luồn qua núi bổ đôi/ Cho anh hôn lên môi em nhè nhẹ/ Bởi vì em là của đời anh tất cả/ Cho anh hôn đi, sao hai má cứ ửng hồng", bà bồi hồi nhớ lại.
Ông Bình cũng chia sẻ, chuyện tình của ông bà đặc biệt, quen biết nhau giữa nơi đất khách quê người trong thời khắc chiến tranh, câu thơ lời hát đã gắn kết hai người. Yêu nhau được một thời gian thì hai người bị gia đình ngăn cấm vì chàng miền xuôi, nàng miền ngược. Ngày đó, chàng trai vùng Ước Lễ (Hà Tây cũ) đã thể hiện quyết tâm lấy thiếu nữ "thắt đáy lưng ong" miền sơn cước. Cuối cùng, gia đình cũng đồng ý. Đôi trẻ cưới nhau và sinh hai con trai giữa bản H'Mông.
Có thời điểm vợ chồng xa nhau, người vợ trẻ đã khôn nguôi nỗi nhớ cất nên những vần thơ: "Nhớ diệu kỳ là nỗi nhớ anh/ Nhớ bâng khuâng hững hờ không điểm tựa/ Nhớ mơ màng thao thức tận bình minh/ Bởi tình anh trong em là buổi sáng mùa xuân/ Bởi tình anh trong em là trưa hè cháy bỏng/ Bởi tình anh trong em là chiều thu lồng lộng/ Tình anh trong em là biển cả mênh mang...".
Người chồng cũng để lại những lời nhắn nhủ: "Hôm nay nhận được thư phương xa/ Nỗi đớn đau xiết chảy hồng hà/ Oi bức tháng 5 tình băng giá/ Đại dương mênh mông ơi vỗ sóng về ta".
Qua những thăng trầm của giai đoạn lịch sử thời đó, vợ chồng bà Vân, ông Bình đoàn tụ, rồi chuyển công tác về Hà Nội. Cuộc sống bao cấp khó khăn, ông Bình phải làm thêm nghề giò chả Ước Lễ của quê nhà. Đến năm 1989, cả hai vợ chồng nghỉ công tác và lấy nghề này làm kế mưu sinh. Vất vả kiếm tiền nuôi con, thế nhưng mỗi khi có cảm xúc bà vẫn trải lòng vào thơ. Đến khi con khôn lớn, cuộc sống đỡ vất vả hơn, "nàng thơ" trỗi dậy mạnh mẽ. Bà Vân có ý định xuất bản những tập thơ chứ không sáng tác rồi bỏ quên đi nữa.
"Thời gian đầu không hiểu chồng còn tưởng tôi có khoảng trời riêng. Tôi không giải thích gì cả mà để một tập bản thảo trên bàn cho ông nhìn thấy, rồi ông cũng nhận ra cái tâm hồn lãng mạn trong mình mà chiều lòng nàng thơ", bà nói thêm.
Năm 2006, nữ thi sĩ Khánh Vân xuất bản tập thơ đầu tay có tên Mùa thu nhớ. Đến năm 2009, bà lại xuất bản tập Nửa thu, năm vừa rồi là đồng tác giả tập thơBước thời gian. Thơ của Khánh Vân được bạn bè đánh giá rất nhẹ nhàng, dung dị, trong mát như chính tâm hồn bà.
Những khách hàng thân thiết của bà chủ bán giò chả thích thơ ca. Ảnh: Phan Dương. |
Có lẽ do tính cách nghệ sĩ nên lối bán hàng của bà cũng có phần đặc biệt. Cửa hàng được bọc kính sạch sẽ, khang trang trái ngược với các ki-ốt tạm bợ cạnh đó. Bên trong bày bán các loại giò chả Ước Lễ cổ truyền từ giò lụa, giò tai, giò xào, chả quế, chả mực, chả cốm, thịt đông, nem chua... đến các loại kim chi, cải thảo. Mỗi món một hương vị đặc trưng, trông rất ngon mắt.
Khách hàng đến với thi sĩ bán giò đa phần người quen, đặc biệt là các cụ già khó tính, kén ăn. Bà Dung (76 tuổi, Thái Hà) dẫn một người họ hàng Việt kiều Đức đến nhờ bà chủ giới thiệu về những món ăn ở đây. Thay vì chọn với các món giò chả, thịt đông hay mắm tép chưng thịt, vị khách Việt kiều lại ấn tượng với món nem chua thịt dê, nem chua dăm bông trộn chạo. Cuối cùng bà chọn mua các món này và còn được bà chủ tặng thêm chút pa-tê tự làm.
"Trước nhà tôi ở Khương Thượng, quen ăn đồ ở đây. Sau chuyển sang Thái Hà vẫn qua đây mua suốt. Lần trước chị tôi về nước được ăn đồ giò chả của bà chủ ấn tượng lắm. Lần này về lại dẫn qua đây mua, đồ ăn ngon, lại được trò chuyện với bà chủ là thi sĩ", bà Dung cười, nói rằng từng được bà chủ quán giò chả tặng cho một tập thơ.
Quán giò chả Ước Lễ của bà Vân luôn đông khách, phần vì thương hiệu, phần vì bà chủ xởi lởi. Ảnh:Phan Dương. |
Thi sĩ Khánh Vân cũng dành thời gian tham gia các câu lạc bộ thơ, đi chùa, làm từ thiện. Cuối tháng 12 vừa rồi, câu lạc bộ thơ bà tham gia tổ chức chương trình từ thiện ở Tà Pình, Lai Châu. Thương cảm trước hình ảnh những đứa trẻ, các mộ liệt sĩ vô danh, nghĩ về nhân tình thế thái, đêm đó bà lại trăn trở, rồi viết bài thơ "Mượn trời":
Chiều qua trời đổ thêm đông
Đậm trong cái rét cứa lòng nhân gian
Nơi thì băng tuyết ngập tràn
Nơi thì bấc rút tâm can con người
Giận gì? Con hỏi ông trời
Mà đổ rét thêm rồi lại thêm.
Ước:
Con mượn được phép tiên
Cho con được hóa những miền giá băng
Hóa trong ngọn bấc lửa hồng
Hóa trong truyện cổ (của người bán diêm)
Hóa mồ liệt sĩ vô danh
Cốt xương chiến sĩ mang tên anh hùng
Ước:
Cho con hóa còn nhiều
Mượn trời con dám những điều ấy thôi
Cúi xin con mượn ơn trời. (Hà Nội, 22/12).
Nữ thi sĩ chia sẻ thêm, giờ còn sức khỏe nên vợ chồng bà vẫn chuyên tâm lao động. Vài năm nữa vợ chồng bà sẽ chuyển vào Đà Lạt sinh sống, ông bà có thể nghỉ dưỡng, kết hợp làm thơ. "Lúc cảm giác sức khỏe yếu rồi, chúng tôi sẽ về quê nhà Ước Lễ", đôi vợ chồng thơ đã chuẩn bị tất cả cho tuổi già của mình.