Đêm khai mạc Tuần lễ Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam, một lần nữa Á hậu 1 Cuộc thi Hoa hậu Các dân tộc Việt Nam 2013 đã trình diễn hết sức duyên dáng bộ trang phục của người thiếu nữ Xinh Mun, tạo ấn tượng đẹp trong lòng người xem.
Gặp Lò Thị Minh sau khi cô vừa trở về từ Điện Biên để ghi hình phim ký sự ''Âm vang một dòng sông'' kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Minh kể: ''Em hoá thân thành một cô gái dân tộc Thái dạo bước bên dòng sông Nậm Rốm. Bắc qua sông Nậm Rốm là cầu Mường Thanh yên bình và thơ mộng. Cảnh sắc Điện Biên cứ hiện dần sau mỗi bước chân em đi, những thước phim được quay chậm để người xem cảm nhận được một cách sâu sắc vẻ đẹp của địa danh huyền thoại những chiến công từng ''lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu''.
Vẻ đẹp tự nhiên của cô gái Tây Bắc này dễ gây ấn tượng tốt với người đối diện ngay từ lần gặp đầu tiên. Lò Thị Minh sinh ra ở xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, cô có bố là người Xinh Mun còn mẹ là người Thái. Đây là hai dân tộc vốn sinh sống gần nhau nên có nhiều nét giao thoa văn hoá. Trong câu chuyện, Minh trăn trở khá nhiều về sự mai một văn hoá của người Xinh Mun, đặc biệt là trong trang phục và ngôn ngữ.
Cô gái Xinh Mun giới thiệu về bộ trang phục dân tộc Xinh Mun với sự giao hoà của trang phục nhiều dân tộc anh em trong đất nước Việt Nam: chiếc kiềng giống của người Kinh, chiếc túi đeo giống của người Thái Đen nhưng có thêm những quả bông sặc sỡ; bộ váy áo cũng giống như của người Thái Đen nhưng lại có sự giao thoa với trang phục người Lào, đi cùng chân váy là cái áo cóm với hàng khuy bạc, cổ cài cao, cùng dây xà tích... Tất cả tạo nên một bộ trang phục rất đặc sắc của người Xinh Mun.
''Trong khi chân váy của người phụ nữ Thái đơn giản, không hoạ tiết thì người phụ nữ Xinh Mun mặc váy có hàng hoa văn thêu vòng quanh từ bắp chân lên trên đầu gối vì người Xinh Mun vốn yêu thích màu sắc. Tuy nhiên khi tìm kiếm thông tin trên mạng internet, em thấy nhiều trang minh hoạ hình ảnh bộ y phục của người Xinh Mun không khác gì của người Thái, đây là một trong những lí do mà đến nay việc bảo tồn văn hoá Xinh Mun còn chưa được phát huy hiệu quả, không chỉ trang phục mà tiếng nói cũng đã bị rơi rớt rất nhiều. Ông bà em chỉ còn giữ lại khoảng mấy chục từ tiếng Xinh Mun, bố mẹ em, rồi chúng em bây giờ vì sống ở khu của người Thái nên cũng chỉ biết nói tiếng Thái và vài ba từ của người Xinh Mun thôi. Đáng buồn hơn là các em nhỏ hơn em tiếng Thái cũng không biết nói'', Minh chia sẻ.
Minh kể, gia đình cô rất coi trọng truyền thống dân tộc, cô thường mặc trang phục truyền thống vào dịp Tết, Lễ Hoa ban, Lễ hội Lộc hoa, lên nhà mới, đám cưới... Mẹ thường dạy cô, một người con gái phải để tóc dài, mặc trang phục truyền thống để tôn lên nét đẹp dân tộc. Minh luôn coi trang phục truyền thống là đặc trưng riêng, giúp mình cảm thấy tự tin hơn. Nét đẹp riêng của người con gái Tây Bắc là mặt mộc nên cô thường chỉ thoa một chút son môi nhẹ nhàng và búi tóc nhỏ, gọn gàng.
Vào ngày Tết cũng giống như người Kinh, gia đình Minh lại tất bật chuẩn bị gói bánh chưng, làm bánh dầy, đồ xôi nếp và có thêm món thịt trâu gác bếp đặc trưng của núi rừng. Người Xinh Mun đón Tết nguyên đán theo đúng lịch của người Kinh, và khi hoa đào đã vãn, hoa ban đã nở trắng, bà con lại rộn ràng đón Lễ hội Lộc hoa, cầu lộc, cầu mùa, cầu phúc cho con người mạnh khoẻ, mùa màng tốt tươi.
Những nét đặc sắc văn hoá đó luôn khiến Minh hết sức tự hào và cô chia sẻ: ''Khi đạt giải ở Cuộc thi Hoa hậu Các dân tộc Việt Nam 2013, em càng nhận thức rõ hơn trách nhiệm phải phát huy những giá trị văn hóa ngàn đời của người Xinh Mun nói riêng, của người Điện Biên nói chung. Dịp kỉ niệm 60 Chiến thắng Điện Biên đang đến rất gần, người Điện Biên đã sẵn sàng chào đón du khách về thăm các di tích lịch sử như: ''Hầm Đờ Cát, đồi A1, Him Lam...''