Bà Dương Thanh Thủy, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Thủy – Ảnh: Trường Nikon |
Dương Thanh Thủy mất cha từ thuở lọt lòng. Sau khi mẹ đi bước nữa, mấy anh em Thủy lên Sài Gòn, ở với bà nội. Sáu tuổi, cô bé mồ côi bắt đầu đi giữ em cho mấy chú, mấy dì. Đổi lại, Thủy được nuôi ăn, được cho đi học.
15 tuổi, Thủy về sống với vợ chồng anh hai, lúc đó đã mở được một tiệm sửa xe sau nhiều năm dành dụm. “Anh giỏi nghề. Anh gom phụ tùng, tự ráp được cái xe hơi”, bà Thủy nhớ lại.
Đâu ngờ cái xe trở thành tai họa, ập đến khi Thủy đang là sinh viên năm thứ tư ngành dược. Một người bà con mượn xe chạy, đụng chết người, rồi bỏ trốn. Quýt làm cam chịu, anh của Thủy chịu trách nhiệm liên đới, lãnh án 5 năm tù giam, bỏ lại đàn con thơ dại cho người vợ vốn chỉ quen với công việc nội trợ.
Áp lực cơm áo buộc Thủy từ bỏ giảng đường, thay anh gánh vác chuyện gia đình. Đấy là năm 1983.
Công việc đầu tiên là nhân viên bán hàng cho một ki-ốt bán đồ mỹ nghệ trên đường Nguyễn Huệ, quận 1. Những năm đầu thập niên 1980, người nước ngoài ở Sài Gòn chủ yếu đến từ liên bang Xô Viết. Phần lớn trong số họ là chuyên gia ở nhiều lĩnh vực, từ quân sự đến kinh tế, giữ vai trò cố vấn cho Việt Nam trong quá trình kiến thiết đất nước.
Thực phẩm cấp phát xài không hết, họ có nhu cầu trao đổi lấy hàng mỹ nghệ. Giao dịch đầu tiên của Thủy với một ông khách Liên Xô được thực hiện bằng cách ra dấu.
Hai cái giỏ xách đổi một ba lô đồ hộp. Mang mớ đồ hộp ra chợ bán, Thủy nhận ra thương mại hàng – hàng mang lại siêu lợi nhuận. Theo thỏa thuận, Thủy cưa đôi lợi nhuận với chủ, sau khi đã trừ chi phí.
Muốn giao dịch thuận lợi, bà đăng ký học lớp tiếng Nga buổi tối. Cách học của bà khá thực dụng, tập trung vào chuyện đổi chác, mặc cả, rồi tranh thủ thực hành với khách ngay trên đường phố.
Khả năng ngôn ngữ trở thành lợi thế gần như tuyệt đối trong cạnh tranh. Khách hàng mách nhau, tìm đến cô bán hàng duy nhất biết nói tiếng Nga trên đường Nguyễn Huệ. Ngay cả công an địa phương cũng phải nhờ bà Thủy làm phiên dịch mỗi khi có nạn nhân Liên Xô đến trình báo bị móc túi, cướp giật…
Mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô ngày càng bộc lộ những mâu thuẫn không thể giải quyết, buộc nhà cầm quyền phải tuyên bố cải tổ (perestroika). Xã hội Xô Viết rơi vào vòng xoáy hỗn loạn.
Tài sản công bị xâu xé, tẩu tán. Hàng hóa ùn ùn đổ về cửa hàng của bà Thủy, từ hổ phách, hột xoàn, hóa chất sản xuất thuốc Tây, thiết bị, động cơ trong nhà máy, công tắc máy bay, công tắc tàu ngầm…
Thậm chí bà còn nhận được lời đề nghị mua cả hạm đội Hắc Hải, sẵn sàng chạy tới đậu ở vịnh Cam Ranh. Nhìn lại giai đoạn này, bà Thủy cho biết mình kinh doanh thượng vàng hạ cám, ngoại trừ vũ khí và heroin.
Đầu thập niên 1990, đất nước đón một làn sóng mới là những nhà kinh doanh đến từ Hồng Kông, Đài Loan. Đã có kinh nghiệm, bà Thủy nhanh chóng chuyển qua học tiếng Hoa.
Rồi người Nhật đến, bà lại học thêm tiếng Nhật. Nghe nhiều vị khách Nhật nhắc đến hai chữ “áo dài”, năm 1997, bà thuê mặt bằng, mở thêm một cửa hàng mỹ nghệ, lấy Miss Ao Dai làm nhãn hiệu.
Năm 2002, bà Thủy mở thêm một cửa hàng ở Hà Nội. Nhờ vậy, khách du lịch quá bận rộn có thể lấy số đo ở Sài Gòn, nhưng nhận hàng ở Hà Nội và ngược lại. “Mọi ý tưởng kinh doanh của tôi đều xuất phát từ nhu cầu của khách”, bà Thủy cho biết.
Ý tưởng xây dựng trạm dừng là một minh chứng, khởi nguồn từ hình ảnh những đoàn khách Nhật bồn chồn đứng xếp hàng, chờ đến lượt vào… toilet ở tòa nhà Miss Ao Dai. “Giải tỏa” xong, nhiều khách đi thẳng ra xe.
Hỏi ra mới biết tài xế chạy một mạch từ Đồng bằng sông Cửu Long về thành phố vì không có chỗ dừng chân đủ tiêu chuẩn vệ sinh. Dường như sự ức chế dồn nén trong suốt hành trình khiến họ không còn tâm trạng để mua bán quà lưu niệm.
Năm 2004, bà Thủy đầu tư xây dựng Mekong, trạm dừng đầu tiên ở Tiền Giang. Kế tiếp là trạm dừng Long Thành (Đồng Nai) và Hải Vân (Đà Nẵng).
Về nhận định cho rằng 3 trạm dừng chân chưa mang lại lợi nhuận, bà Thủy nói: “Lãi có hai loại. Một là lãi tài chính. Và hai là lãi thương hiệu. Thương hiệu là giá trị vô hình, khó tính được bằng tiền”. TTG cũng là doanh nghiệp tiên phong đầu tư vào dịch vụ trạm dừng khá bài bản và sạch sẽ.
Bên cạnh trạm dừng, trong cây gia phả du lịch của TTG còn có sự góp mặt của hệ thống spa. Mảng kinh doanh resort với hai dự án ở suối nước nóng Bình Châu (100 ha) và Đà Nẵng (36 ha) bị gác lại do thị trường không tốt. Xem ra, chỉ có mỗi bất động sản là có vẻ ít liên quan trong danh mục đầu tư của công ty gia đình này.
Gần 10 năm kể từ khi triển khai xây dựng dự án bất động sản đầu tiên mang nhãn hiệu Landcaster ở 22, Lê Thánh Tôn, Q.1, TTG mới có sản phẩm thứ hai, khai trương đầu tháng 12 tại 20 Núi Trúc, Hà Nội. Bà Thủy giải thích: “Chúng tôi không sử dụng đòn bẩy tài chính. Nguồn lực chủ động đến đâu, làm đến đó”.
Cũng như dự án thứ nhất, TTG tiếp tục giữ lại phân nửa trong tổng số 300 căn hộ để cho thuê. Ý tưởng kinh doanh loại hình dịch vụ này cũng xuất phát từ quá trình giao dịch với người Nhật. Nhiều nhà đầu tư đến từ xứ sở mặt trời mọc than phiền rằng chi phí lưu trú tại khách sạn khá đắt đỏ, lại rất bất tiện vì không được phép nấu ăn cho phù hợp với khẩu vị.
Chính nhu cầu bức thiết là cơ sở để TTG mạnh dạn đấu thầu mảnh đất vàng 22 Lê Thánh Tôn với giá 53 tỉ đồng, tương đương 10 ngàn lượng vàng theo thời giá năm 2003. Để có nguồn lực theo đuổi thương vụ, bà Thủy đã phải bán bớt 3 cái villa.
“Có những thời điểm, chúng tôi sở hữu khoảng 20 căn nhà rải rác ở khu vực trung tâm phường Bến Nghé. Những căn nhà này được mua bằng lợi nhuận tích lũy trong quá trình kinh doanh mỹ nghệ”, bà Thủy kể.
Sang năm 2014, TTG dự kiến đồng loạt triển khai thêm 2 dự án Landcaster ở TP. HCM và Hà Nội. Theo bà Thủy, thị trường bất động sản đang ở thời điểm tốt để chọn lựa. Khách hàng lựa chọn chủ đầu tư. Còn chủ đầu tư lựa chọn mua lại dự án.