Di Li là một trong những cây bút trinh thám hiếm hoi của văn đàn Việt Nam.Khác với nhiều cây bút cùng trang lứa, Di Li bước vào nghiệp sáng tác khá muộn. Thế nhưng chị được xem cây bút sung sức của văn học trẻ đương đại Việt Nam. Chỉ trong vòng chưa đến 7 năm, từ 2007 với cuốn sách đầu tiên Tầng thứ nhất đến nay, Di Li đã có gần 30 tác phẩm.
|
Nhà văn Di Li. |
Thời sung sức nhất, 2010 - 2012, Di Li ra mắt 10 cuốn sách trong đó có 7 cuốn chị sáng tác bao gồm: Đôi khi tình yêu vẫn hay đi lạc đường, Cocktail thị thành, Tháp Babel trên đỉnh thác Ánh trăng, Chiếc gương đồng, Nhật ký mùa hạ, Chuyện làng văn, San hô đỏ; kèm theo 3 cuốn dịch: Rừng Răng-Tay, Xác chết dưới nước, The Black Diamond.
Giống như tính cách thích tự do, khám phá của mình, người đẹp làng văn cũng không đóng đinh ở bất kỳ thể loại nào. Chị "chu du" từ truyện ngắn, tiểu thuyết sang bút ký, dịch thuật, ký sự chân dung, tản văn...; từ hài hước, tình cảm lãng mạn đến kinh dị, trinh thám, thiếu nhi và cả phiếm đàm. Trong đó có nhiều cuốn tạo được tiếng vang như Đảo thiên đường, Điệu Valse địa ngục, đặc biệt là Trại hoa đỏ, cuốn tiểu thuyết đánh dấu tên tuổi của một nữ nhà văn Việt Nam liều lĩnh thử sức ở thể loại trinh thám, kinh dị và đã thành công. Trại hoa đỏ không chỉ đem về cho Di Li giải Ba cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài "Vì an ninh tổ quốc và bình yên cuộc sống 2007- 2010", trở thành best-seller, cuốn sách còn được xuất bản tại nhiều nước trong khu vực và được báo chí Hàn Quốc, Nhật Bản đánh giá cao.
Trước khi được biết đến với tư cách một nhà văn, nghề nghiệp chính của Di Li là giảng viên đại học. Hơn chục năm gắn bó trên bục giảng, Di Li "ôm đồm" nhiều môn khác nhau: lúc phụ trách Quan hệ công chúng, giảng viên văn hóa Anh - Mỹ, lúc dạy tiếng Anh trong Văn học, dạy thêm tiếng Việt cho người nước ngoài...
Chừng ấy thôi cũng đủ hình dung về sự năng động, đa tài của nhà văn tuổi Ngọ; song nếu chỉ dừng lại ở đó thì bức chân dung Di Li vẫn chưa hoàn chỉnh. Không những sử dụng lưu loát bốn ngoại ngữ, Di Li còn là chuyên viên tư vấn quảng cáo nhiều kinh nghiệm. Chị cũng là tác giả của những cuốn sách chuyên ngành được yêu thích như: Giáo trình Tiếng Anh chuyên ngành Thương mại, Giáo trình Kỹ năng viết trong quan hệ công chúng, Tôi PR cho PR...
Bận rộn là thế, Di Li vẫn dành thời gian cho những đam mê, sở thích riêng là thời trang và du lịch. Chị không phân biệt nghề nào là nghề tay trái, nghề nào là nghề tay phải mà quan trọng nhất là bình đẳng với từng nghề và làm việc một cách chuyên nghiệp, làm được những điều mình muốn. Hiện tại, Di Li tập trung dốc sức hoàn thành cuốn tiểu thuyết thứ hai sau 5 năm phiêu du ở những thể tài khác.
Cũng sinh năm 1978, cũng đến với nghiệp sáng tác muộn, tên tuổi nổi danh không kém Di Li là Phan Việt. Chị được nhà lý luận phê bình Huỳnh Như Phương đánh giá là một trong những "đài khí tượng" có khả năng "tiên báo cho một chiều kích mới của văn học Việt Nam hiện đại".
|
Nhà văn Phan Việt - người sáng lập tủ sách "Cánh cửa mở rộng" giới thiệu tác phẩm mới. |
Phan Việt tên thật là Nguyễn Ngọc Hường, tốt nghiệp Đại học Ngoại thương Hà Nội năm 2000, sau đó chị sang Mỹ học Cao học Truyền thông. Không đi tiếp con đường truyền thông, năm 2002, Phan Việt lại làm nghiên cứu sinh chương trình tiến sĩ về công tác xã hội tại Đại học Chicago, Mỹ để rồi trở thành Phó giáo sư ngành Xã hội học - Đại học San Jose, Mỹ.
Từng quan niệm nhà văn là những người mơ mộng, thiếu thực tế, đi ngược xã hội và nghèo, Phan Việt chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành nhà văn. Nhưng cái duyên, cái nghiệp vẫn đeo bám chị. Thời gian ở Mỹ cũng là lúc Phan Việt cầm bút viết. Chị nhận ra công việc viết lách phù hợp với con người mình và nó làm chị thấy hạnh phúc. Như nhà văn từng chia sẻ: "Có thể trời sinh ra mình là như vậy thì mình cứ làm như vậy, mình không còn cưỡng lại nữa".
Cuốn sách đầu tiên chị ra mắt độc giả là Phù phiếm truyện xuất bản năm 2005. Tập truyện ngắn của một cây bút không chuyên mang phong cách hiện đại, mới lạ và độc đáo giành giải Nhì cuộc thi Văn học tuổi 20 đã khiến công chúng bắt đầu chú ý tới cái tên Phan Việt. Nhưng khi độc giả tò mò, háo hức chờ đợi những tác phẩm tiếp theo của chị, cũng là lúc Phan Việt gần như im hơi lặng tiếng biến mất khỏi làng văn. Phải đến 3 năm sau, độc giả mới được gặp lại chị qua đứa con tinh thần thứ hai, tiểu thuyết Tiếng Người.
Sau Nước Mỹ, Nước Mỹ xuất bản năm 2009, đến năm 2013, Phan Việt trở lại với bộ sách Bất hạnh là một tài sản với cuốn mở đầu Một mình ở châu Âu. Cuốn sách liên tục được nối bản và nhanh chóng trở thành best-seller thời gian đó. Nối tiếp thành công của Một mình ở châu Âu, mới đây, tác phẩm Xuyên Mỹ, cuốn sách thứ hai trong bộ sách Bất hạnh là một tài sảnvừa được trình làng cũng thu hút sự chú ý của đông đảo người đọc. Vẫn giọng văn mềm mại, đầy tính tự sự nhưng chứa đựng những xúc cảm mãnh liệt, những người yêu mến Phan Việt tiếp tục chờ đón tập sách thứ ba, Về nhà, như lời hứa hẹn của chị.
Không chỉ thành công trong lĩnh vực giảng dạy, viết văn, Phan Việt còn viết báo, dịch, hiệu đính và biên tập sách. Chị cũng là người đồng sáng lập tủ sách "Cánh cửa mở rộng" với giáo sư Ngô Bảo Châu nhằm dịch và giới thiệu những cuốn sách hay tới bạn đọc Việt Nam. Hiện tại, chị vừa làm giảng dạy vừa dồn tâm sức cho sự nghiệp văn chương của mình.
Tiếp nối danh sách những nữ nhà văn đa tài là cây bút 8X Nguyễn Quỳnh Trang. Khác với Di Li, Phan Việt, Quỳnh Trang đến với văn chương từ năm 7 tuổi cùng các sáng tác thơ in trên báo Nhi Đồng, Thiếu Niên Tiền Phong, Hoa Học Trò. Năm 2005, Nguyễn Quỳnh Trang bắt đầu viết truyện ngắn, và chỉ một năm sau, các tác phẩm của chị được in trên các báo và xuất hiện trong hàng loạt tuyển tập đặc sắc như: Văn mới, Truyện ngắn 8X, Vũ điệu thân gầy, Độc thoại trên tháp nhà thờ...
|
Nhà văn Quỳnh Trang làm giám khảo game show Khi tôi 18. |
Năm 2007, tiểu thuyết đầu tay 1981 của chị ra mắt độc giả, bán hết trong hai tháng đầu. Cho đến nay, cuốn sách vẫn được tái bản. Sau 1981, Nguyễn Quỳnh Trang liên tiếp cho ra đời những tác phẩm: Nhiều cách sống(tiểu thuyết, 2009); Cho một hành trình (tập truyện ngắn, 2009); 24 giờ (tập truyện ngắn, 2011); Mất ký ức (tiểu thuyết, 2012); Đi về không điểm đến (ký chân dung văn học, 2013); 9x09 (tiểu thuyết, 2014).
Trẻ trung, xinh đẹp, năng động, chính những yếu tố này đưa Quỳnh Trang đến với nhiều công việc, ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Không chỉ công tác tại một tờ báo, chị còn được mời làm người dẫn chương trình truyền hình, làm giám khảo gameshow, tham gia các talk show, hội thảo tọa đàm...
Chị tâm sự: "Tôi là người ưa thử thách trong công việc, tôi không từ chối bất cứ cơ hội nào để có thể khám phá khả năng bên trong mình". Với chị, làm báo có cơ hội tiếp xúc với nhiều thân phận người. Làm MC, trò chuyện với những người nổi tiếng giới showbiz, trao đổi các vấn đề văn hóa nóng nổi cộm với văn nghệ sĩ trí thức, hay dẫn chuyện trên một kênh truyền hình cho thanh thiếu niên... mang lại cho chị những trải nghiệm thú vị. Tuy nhiên, quan trọng nhất, đó chính là nguồn chất liệu dồi dào cho các sáng tác văn chương. "Rốt cuộc mọi con đường cũng tìm đến viết. Khi sáng tác, tôi mới thực sự được sống trong thế giới của mình và là mình", nữ nhà văn 9X09chia sẻ.