“Bố tôi đã dành hơn 30 năm cho sự nghiệp kinh doanh. Ông viết nên giấc mơ và chúng tôi – thế hệ kế cận đang nỗ lực tiếp tục hiện thực hoá những giấc mơ đó”, Nguyễn Ngọc Mỹ chia sẻ..
Ái nữ 22 tuổi của gia đình Alphanam. |
Alphanam có lịch sử hình thành 20 năm trên các lĩnh vực hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm, kinh doanh bất động sản, đầu tư tài chính…, với tổng vốn điều lệ gần 2.000 tỷ đồng. Trong đó, Mỹ đảm nhận công việc kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng, gồm 22 dự án nằm trên diện tích 1.000 ha trên toàn quốc.
Tuyên bố sẽ kế tục sự nghiệp của cha được Mỹ lần đầu tiết lộ vào cuối năm 2013, khi cô đặt chân về Việt Nam sau 8 năm học tập và sinh sống ở nước ngoài. Bố cô - ông Nguyễn Tuấn Hải cũng không giấu niềm tự hào về sự trưởng thành của các con và tuyên bố hoàn thành sứ mệnh doanh nhân. Công ty CP Đầu tư Alphanam không lâu sau đó đã thông báo quyết định huỷ niêm yết, không sử dụng đòn bẩy tài chính hay vay vốn ngân hàng để hoàn thiện mô hình công ty gia đình; đồng thời, dọn đường cho việc chuyển giao quyền lực trên cơ sở không gây áp lực cho thế hệ kế cận.
“Chưa bao giờ Alphanam an toàn như lúc này. Việc chuyển giao đã được tính toán kỹ lưỡng trong nhiều năm. Tôi yêu thích môn cờ tướng, nên đã quen với việc suy nghĩ mọi nước đi trước vài bước”, ông Hải nói.
Còn Ngọc Mỹ cho biết cô tin vào các quyết định của cha mình. Cô và anh trai sẽ đồng lòng tiếp sức cho cha.
Mỹ có 8 năm theo học ở nước ngoài, thông thạo 4 ngoại ngữ Anh, Pháp, Trung và Hàn. |
Để chuẩn bị cho việc kế tục sự nghiệp của cha, cá nhân Mỹ đã phải nỗ lực hết mình. Cô dành 8 năm theo học ở nước ngoài, nắm bắt kiến thức quản trị của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp ở nhiều quốc gia đã và đang phát triển… Đến các châu lục, cô luôn đặt câu hỏi và tìm hiểu về lịch sử, văn hoá, và quá trình hình thành phát triển của họ để rồi nghĩ cách áp dụng kinh nghiệm đã học vào thực tế ở VN.
Thậm chí, để được bố giao trọng trách, trở thành một trong số những vị trí không thể thiếu trong nhiều dự án của Alphanam, trước đó Mỹ đi làm thuê cho một doanh nghiệp bất động sản nước ngoài. Tự mình dấn thân vào thương trường, đối mặt với các con số lỗ lãi, bước qua các giai đoạn từ hoàng kim đến tận đáy của thị trường nhà đất, cô hiểu rằng ở bất cứ thời điểm nào cũng luôn có cơ hội và thách thức, cơ hội sẽ đến với những ai đam mê và theo đuổi nó, ngược lại thách thức sẽ theo chân những người thiếu bản lĩnh.
Khác với hình ảnh người ta thường tưởng tượng về tiểu thư lá ngọc cành vàng, Mỹ xuất hiện trong các sự kiện cùng cha mình như một cộng sự đắc lực. Cô tham gia vào các hoạt động đối ngoại, phân tích thị trường, hợp tác quốc tế, xây dựng ý tưởng, phương án kinh doanh. Cô luôn đưa ra các phân tích sâu sắc, sáng kiến mới. Ý tưởng thiết kế cho dự án Diamond Tower Đà Nẵng đã khiến cha cô – một doanh nhân khá tiết kiệm lời khen vẫn phải thốt lên: Bố tự hào về con.
Cô cho rằng khi nhắc đến lịch sử hình thành một thương hiệu, người ta hay nghĩ đến trăn trở của người sáng lập về thế hệ kế cận mà quên mất rằng bản thân những người được lựa chọn họ cũng có nỗi niềm không dễ chia sẻ. Bởi cha mẹ thành công là niềm tự hào và may mắn cho sự khởi đầu, nhưng đôi khi lại là thách thức đối với con cái. Khi ấy, họ buộc sẽ phải nỗ lực gấp nhiều lần người bình thường để khẳng định bản thân và đối mặt với những trọng trách, áp lực công việc quá lớn so với tuổi đời của mình. “Kinh doanh là lĩnh vực khó đối với đa số phụ nữ. Bố là người giỏi, ông ủng hộ cho nhiều quyết định của tôi nhưng khi dấn thân vào thương trường, nếu mình không tự thân vận động thì bố cũng không thể giúp mãi được, cuộc sống sẽ tự đào thải", Mỹ nhấn mạnh.
Ngoài đam mê nghệ thật, kinh doanh, Ngọc Mỹ rất thích tham gia các hoạt động xã hội, làm từ thiện. |
Sinh năm 1991 trong gia đình giàu có, Ngọc Mỹ không giống như những ái nữ lá ngọc cành vàng khác – chỉ biết đến thủ tục, nghi lễ và sống trong nhung lụa. 14 tuổi, cô được cha mẹ đưa sang Mỹ học trung học tại một trường dòng ở thị trấn nhỏ. “Lúc đó, bố nói con hãy tự lập và làm quen với cuộc sống không có bố mẹ, người thân ở bên. Khi con vượt qua được nỗi sợ hãi, cô đơn, con sẽ trưởng thành”.
Khi xác định được nhiệm vụ của mình thì những thiệt thòi và thiếu thốn tình cảm sẽ trở thành động lực để cố gắng. Cô dành nhiều thời gian đọc sách, tham gia các hoạt động từ thiện rồi hội thảo về kinh doanh, tham gia các khóa học về quản trị. “Sau mỗi khóa học, chuyến đi, tôi lại làm một báo cáo ngắn, gửi về cho bố để được nhận xét, đồng thời đề xuất một số giải pháp áp dụng vào hoạt động của doanh nghiệp. Tôi đã từng mất ngủ khi nhận được lợi khen của bố trước một chiến lược kinh doanh do tôi đề xuất”, Mỹ tiết lộ.
Năm 2011 khi còn là sinh viên năm thứ 2 đại học, được sự ủng hộ của bố, Ngọc Mỹ cùng 2 người đồng sáng lập là bà Nguyễn Hải Yến và ông Salvador Perez Arroyo thành lập công ty tư vấn thiết kế kiến trúc Sdesign. Đây cũng là bàn đạp để cô dấn sâu vào các hoạt động kinh doanh bất động sản, sau này. Thành công đầu đời của cô và tập thể Sdesign là Cụm Công trình bảo tàng – Thư viện Quảng Ninh - vừa được bình chọn là Công trình của năm 2013 do Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam trao tặng.
Cô gái 22 tuổi này đang trực tiếp tham gia vào hàng loạt dự án bất động sản lớn đến gần 1.000 ha như các khu đô thị, các tổ hợp trung tâm thương mại, khách sạn 5 sao và căn hộ cao cấp tại Đà Nẵng, TP HCM, Hà Nội và một số tỉnh thành khác của Alphanam. Cô lý giải, thị trường bất động sản đang đóng băng, khó khăn vẫn còn nhìn thấy trước mắt ít nhất là 2-3 năm nữa. Do vậy, cô chia sẻ thời gian cho các mảng hoạt động mới như hệ thống ẩm thực, siêu thị thực phẩm, đồ uống, nước giải khát cùng với anh trai của mình. Ở lĩnh vực mới này, cô được thoả mãn niềm đam mê về ẩm thực và nấu nướng khi được cộng tác cùng những chuyên gia, đầu bếp hàng đầu trên thế giới.
Khi được hỏi về thần tượng của mình, cô chia sẻ về hình ảnh người phụ nữ Việt Nam mà cô rất đỗi ngưỡng mộ - đó là Bà Nguyễn Thị Bình - nguyên Phó chủ tịch nước. "Xúc động đến rơi nước mắt khi đọc những trang hồi ký của bà, tôi đã viết một lá thư bày tỏ cảm xúc và lòng biết ơn của thế hệ chúng tôi đối với bà và thế hệ đi trước. Tôi cũng tự hào về truyền thống gia đình mình, về ông nội đã từng nhiều năm làm việc bên cạnh Bác Hồ, và bà nội là cô giáo dạy tiếng Trung Quốc đầu tiên cho tôi bằng cuốn sách do ông nội biên soạn. Tôi thừa hưởng niềm đam mê học nhiều ngoại ngữ từ ông nên luôn dành thời gian trau dồi khả năng ngoại ngữ của mình và coi đó là niềm vui", Mỹ chia sẻ.
Là học sinh tiếng Anh xuất sắc từ nhỏ, Ngọc Mỹ còn học thêm tiếng Trung, tiếng Pháp, tiếng Hàn để giao tiếp và hiểu sâu hơn về văn hoá các nước. Cô cảm thấy may mắn khi sinh ra trong dòng họ toàn nhà giáo, ông bà là giảng viên đại học, bố là "thầy giáo" về quản trị kinh doanh, mẹ là "cô giáo" về nữ công gia chánh và tôi lại trở thành "cô giáo" cho các em học sinh. “Đối với tôi, gia đình rất quan trọng, cũng dễ để nhận thấy động lực và phong cách làm việc của tôi được ảnh hưởng từ gia đình rất nhiều. Bố mẹ tôi hàng ngày đều dậy từ rất sớm, bố đi làm, mẹ chuẩn bị đồ ăn, anh trai theo xe tuyến đi làm ở nhà máy; sau đó buổi tối lại quây quần bên bữa cơm. Khi còn nhỏ, động lực lớn nhất của tôi là làm bố mẹ tự hào; khi lớn lên, động lực lớn nhất của tôi là chia sẻ được áp lực công việc để bố mẹ đỡ vất vả", Mỹ cho biết thêm.
Khi được hỏi về hạnh phúc cá nhân, Ngọc Mỹ mong muốn tìm được người đàn ông biết chia sẻ và tôn trọng những sở thích cá nhân, những ước mơ của mình. "Tôi là người rất truyền thống, yêu và rất tự hào về Việt Nam, về tà áo dài, thức ăn Việt, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam giỏi việc nước, đảm việc nhà, và đối với tôi, gia đình là quan trọng nhất".
Mỹ đang là thành viên hội đồng quản trị của Alphanam và cô hy vọng sau khi kế nghiệp cha mình, đặt bút đưa ra các quyết định sống còn, trong tương lai không xa, Alphanam sẽ trở thành tập đoàn đa ngành đứng đầu Việt Nam, hội nhập với thương mại quốc tế, và là niềm tự hào của người dân Việt.