Thứ Ba, Ngày 7 Tháng 1 Năm 2025

Xuân Hương - Sự cô đơn sung sướng

Chủ Nhật, 16/02/2014 12:00
Gặp lại nghệ sĩ Xuân Hương sau gần 7 năm đổ vỡ hạnh phúc gia đình, thật bất ngờ vì chị lại trẻ đẹp hẳn ra, và có thêm một căn nhà to đẹp do chính tay mình gầy dựng. Chị cười sung sướng với sự thênh thang của cuộc đời và sự nghiệp mà chặng cuối đời người chị mới được hưởng lần nữa...


 


Ảnh nhân vật cung cấp

 

Thật sự hẹn được Xuân Hương cũng không phải dễ, vì chị tíu tít với kịch bản tiểu phẩm cho truyền hình, lại đi đóng phim...Bận rộn đến nỗi cứ để căn nhà bụi bặm một tí, từ từ mới dọn. Nhưng căn nhà lại rất đẹp, do chính chị thiết kế cách đây 2 năm, với la phông gỗ độc đáo, bàn tủ sa lông đi văng đều là gỗ quý được xếp đặt đầy nghệ thuật, và những bức tường, tranh ảnh, lọ hoa thẩm mỹ nhìn ra một sân vườn nhỏ có suối chảy róc rách, có cây xanh mượt mà... ai đến cũng phải thán phục. Căn nhà này chị mới mua, nối vào căn nhà cũ, trở thành một khoảng không gian thoáng đãng, có thể làm nơi tiếp khách, họp hành, hoặc có thể ngồi làm việc, viết bài, thậm chí nơi ăn uống, ngủ nghỉ đều được.

Lạ sao, tôi nhìn hai căn nhà, tuy hai mà một, cứ liên tưởng đến hai khúc quanh đời chị, cũ và mới, có chồng và độc thân, mệt mỏi phiền não và tự do thoải mái. Hình như không gian sống cũng liên quan đến vận mệnh con người? Hay chính con người tự mở ra không gian sống cho mình, tự quyết định lấy cuộc đời mình? Xuân Hương đã làm như vậy, đã tự bươn chải mà sống suốt mấy chục năm khắc nghiệt từ tuổi thơ cho tới lúc tóc chớm bạc màu. Người phụ nữ này vừa yếu mềm vừa mạnh mẽ, vừa đầy tiếng khóc nhưng cũng tràn ngập tiếng cười... 

Có bao giờ nghỉ ngơi

Thưa chị, lâu lắm rồi khán giả không thấy chị xuất hiện trong chương trình Những người thích đùa nổi tiếng, không biết chị mai danh ẩn tích tới bao giờ? Chị có hoạt động gì không?

Hoạt động nhiều lắm chứ. Tôi có bao giờ được nghỉ ngơi. Tôi đóng phim Cuộc phiêu lưu của Hai Lúa, Sao miệt vườn, Câu chuyện tình đời, Góc khuất. Rồi viết kịch bản, viết tiểu phẩm cho truyền hình, có khi diễn luôn trong đó. Hoặc tôi lồng tiếng cho những con rối. Ai nuôi mình mà đòi ở không chứ! (cười).

Chị “lỗi hẹn” với Những người thích đùa từ 2007 tới nay, chị không áy náy với khán giả sao? Mọi người vẫn nhắc. Vì dẫu sao đó vẫn là một chương trình hài nghiêm túc và hoành tráng.

Tôi biết, và nhớ sân khấu lắm. Nhưng thú thật sau 5 lần tổ chức, tôi ngán quá rồi. Không phải ngán vì tiền bạc hay công sức, mà ngán vì cách ứng xử và hoạt động nghệ thuật của một số nghệ sĩ hiện nay. Đôi khi họ xem đồng tiền lớn hơn mục tiêu nghệ thuật. Tôi trả cát sê gấp 2-3 lần khi họ đi sô, vậy mà tới giờ diễn họ vẫn chạy tùm lum mặc cho khán giả chờ đợi, hoặc phân bì với bạn bè, hoặc đòi phải cho họ kéo nguyên ê kíp vô, gây rối ren cho buổi diễn. Dĩ nhiên làm nghề gì thì cũng phải có tiền để sống, nhưng nếu đặt tiền lên đầu thì nghề sẽ mai một, không đi được lâu dài đâu. Tôi rút ra một kinh nghiệm là khi họ gặp người dữ dằn thì họ chịu phép, thậm chí bị quỵt cát sê cũng không dám làm gì, còn họ gặp người tử tế như mình thì họ chà đạp. Thôi, bây giờ tôi đi làm cho người ta khỏe hơn đứng ra tổ chức. Nhưng nói vậy chứ tôi cũng viết lai rai kịch bản để chờ ngày thuận tiện thì làm, chứ làm sao bỏ được máu mê làm nghề.

 


Ảnh: Đỗ Tuấn

 

Hay là tại chị khó tính quá. Mà thời buổi thị trường người ta đang rất vội vàng...

Thị trường gì mà bắt khán giả chờ nửa tiếng mình mới ra diễn. Thị trường gì mà bỏ quên đạo cụ, làm rớt tàn thuốc, cùi bắp trên sân khấu, trông thật dơ bẩn. Thị trường gì mà gần tới giờ diễn lại đi nhậu. Chắc chắn không chỉ tôi là người khó tính như thế. Khó, để có sự nghiêm túc, tôn trọng khán giả, thì nên khó. Dễ dãi qua loa riết sẽ quen. Thí dụ, tôi thấy bây giờ có người cho nhân vật xưa mặc áo bà ba cổ trái tim, là sai. Hồi đó áo bà ba phải cổ tròn, có hai túi. Còn áo dài xưa là phải có cái “áo túi” vải trắng mặc lót bên trong. Mỗi khâu hoạt động chịu khó kỹ một chút thì chất lượng tác phẩm cũng nâng lên một chút. Chứ mỗi người làm ẩu một chút thì cộng lại nhiều cái chút như vậy đủ làm tiêu tác phẩm.

Thật bất ngờ khi biết chị tham gia đóng phim với một vai bi, vai bà Tho trong phim Góc khuất của đạo diễn Nguyễn Dương. Cái duyên nào đưa đẩy chị tới vai bi vậy? Người ta chỉ thấy chị cười và chọc cười thiên hạ. Bây giờ chị định “làm mới” mình bằng nước mắt phải không?

Không phải đâu, chính nước mắt mới là con người thật của tôi. Từ một con bé được gửi ăn nhờ ở đậu nhà người ta vì ba tôi đi kháng chiến, mẹ tôi chạy loạn, chén cơm của tôi đã chan đầy nước mắt. Lớn lên có chồng sinh con, những năm tháng tất tả kiếm cơm, lặn lội xuống tới tỉnh, bồng con theo, nhìn nó bệnh, nó uống thuốc, nó gầy còm, nước mắt tôi lại phải rơi. Rồi vợ chồng hục hặc, ly hôn, vừa khóc vừa viết kịch bản nuôi con. Cho nên tôi đã đóng vai bi suốt cuộc đời mình. Chỉ có điều, vai bi ấy thường được giấu đi, chỉ để vai hài xuất hiện trên sân khấu mà thôi. Nhưng tôi cười đâu có nghĩa là tôi vui. Tôi đau vì con người, vì xã hội, với biết bao điều bất công, gai mắt, hành hạ dân tình. Đau nhưng phải trị nỗi đau đó bằng nụ cười châm biếm. Giống như uống thuốc có bọc đường vậy mà, cho người ta dễ uống, rồi mau hết bệnh.

Còn cái duyên đóng phim bi là vầy. Hôm đó tôi vừa quay xong phim Sao miệt vườn và chương trình Táo quân, cả nửa tháng trời quá đuối luôn, ngồi giặt một thau quần áo phục trang, nói bữa nay nghỉ ở nhà giải quyết hết đám này rồi dọn dẹp bếp núc, phòng ốc, chứ chịu hết nổi rồi. Nhưng bất ngờ điện thoại reo, anh đạo diễn nói: “”Xin lỗi chị, em phải nói thật ngay từ đầu là có một diễn viên bỏ vai đột ngột, tụi em cầu cứu chị đây. Chị tới liền giùm tụi em được không?”. Vì là chỗ quen biết, tôi đồng ý. Tôi hỏi qua nhân vật thế nào, tuổi bao nhiêu, gia cảnh giàu nghèo ra sao... Thế là tôi lấy bộ áo dài xưa và bộ bà ba má tôi để lại cho tôi, lên tới phim trường đọc liền kịch bản rồi quay. Vai bà mẹ nghèo của tôi nước mắt cứ chảy dài khiến cả đoàn phim mừng rỡ. Anh em xúm nhau hỏi sao chị khóc hay quá vậy, tôi nói hồi nhỏ tôi cũng xa mẹ như thằng bé này, cho nên chỉ cần nhớ lại tuổi thơ là đủ khóc rồi. Đạo diễn Nguyễn Dương gọi điện thoại ghẹo tôi: “Bà phải họ Lê không? Tui nói bà là Lê Lai cứu chúa đó”. Tôi cũng đóng nhiều vai bi khác nữa, đạo diễn nào cũng mừng vì tôi rất dễ khóc. Cái tính trời cho mau nước mắt thật sự là khổ, không ngờ cũng có ích cho nghề.

Chị là một tên tuổi lớn, người ta không gọi chị ngay từ đầu mà tới lúc cấp bách mới nhớ tới chị, lại đóng thay vai cho một diễn viên mới vô nghề, chị không tự ái hay sao mà nhận lời nhanh chóng vậy?

Tùy trường hợp mà tự ái chứ. Mình là người trong nghề, mình phải hiểu là đạo diễn đâu có nhớ hết nghệ sĩ mà mời, họ nhớ ai thì mời người đó. Nghệ sĩ lớn không phải ở vị trí ganh đua kiểu đó, mà ở thái độ lao động và ứng xử. 

Nghe nói chị cũng bức xúc và lên tiếng thẳng thắn vì những thái độ ứng xử không tốt của vài nghệ sĩ ngôi sao. Chị không sợ mích lòng à? Cái tính thẳng thắn đó không biết có làm chị thiệt thòi?

Đời tôi thiệt thòi nhiều rồi, không có gì phải sợ. Nhưng thiệt thòi chỉ vì tôi muốn nhường nhịn chứ không phải tôi nhu nhược. Cho nên, nếu tôi nhịn tới tức nước thì sẽ vỡ bờ. Làm sao không khó chịu khi thấy một nghệ sĩ ưu tú mà mở miệng ra 10 câu đã chửi thề hết 8 câu, lại dùng từ ngữ thô lỗ, khoe khoang. Thậm chí nhỏ mọn tới mức giận bạn diễn bên ngoài mà vô diễn lại trả thù bằng cách tát bạn diễn nổ đom đóm, dù chi tiết đó không hề có trong kịch bản. Nhiều anh em trong đoàn phim cũng khó chịu, khi thấy tôi lên tiếng như thế thì họ thở phào.

Năm nay chị lại viết và dựng Táo quân, xem ra có “duyên” với táo một cách bất ngờ...

Đúng là bất ngờ. Năm ngoái HTV mời tôi làm, được khán giả khen, năm nay lại mời nữa. Thôi thì cố gắng làm hết sức, chừng nào hết “duyên” thì thôi. Coi như đó cũng là nơi để tôi xả những bức xúc xã hội y như người dân. Mỗi ngày đọc báo thấy chuyện này chuyện kia, tức chịu không nổi. Táo quân sẽ tổng kết mấy cái tức đó, để bà con “sạch ruột” cuối năm.  

Và sự cô đơn sung sướng

Nói tới tên chị, người ta tự nhiên bật ra cụm từ Thanh Bạch - Xuân Hương như một “liên danh” bền vững. Vậy mà anh và chị đã không còn sống chung nữa. Nhưng liệu có thể cùng làm việc chung với nhau hay không?

Đúng là hai cái tên của tôi và anh ấy đã trở thành một cụm từ gắn chặt với nhau. Tôi nghĩ đó cũng là duyên nợ nghề nghiệp, dù bây giờ không còn duyên nợ gia đình nữa. Nếu vậy thì cứ làm việc chung với nhau bình thường, đâu có sao. Vài năm đầu sau khi chia tay dĩ nhiên là có khó chịu và buồn bã, nhưng sau đó thì quen, và trở lại bình thường. Chúng tôi đã đối xử với nhau như hai người bạn, có lúc Thanh Bạch mua quà tặng tôi, tôi cũng nấu vài món ăn cho anh ấy. Nếu làm Những người thích đùa thì Thanh Bạch cũng chịu hợp tác. Người ta cứ nghĩ ly hôn rồi thì ghét nhau lắm, nhưng thực ra khi bình tĩnh lại thì người trong cuộc sẽ nhẹ lòng, không hề thù hận, ích kỷ gì hết, chỉ xem như một kinh nghiệm mà thôi. Vả lại còn đứa con nữa mà, nó vẫn chạy qua chạy lại sống với ba hoặc mẹ, thì ba mẹ không thể làm tổn thương con thêm nữa. Chúng tôi đối xử đẹp với nhau là giữ cho con một không gian văn hóa. Và tôi để trọn tâm tư cho sáng tác, làm nghề, vì tôi chỉ còn một quãng đường rất ngắn để đi, không muốn bận lòng và mất thời gian. Cho nên tôi nói tôi cô đơn nhưng thiệt là sung sướng.

Nhưng chị có ấn tượng xấu về đàn ông hay không? Có ai đặt tình cảm với chị sau khi ly hôn không?

Nói thật là tôi ấn tượng xấu về đàn ông. Đa số có tính gia trưởng, coi vợ là vật sở hữu. Cho nên khi có người đặt tình cảm với tôi, tôi thẳng thắn từ chối, vì không muốn “chui vô rọ” lần nữa.

Anh Thanh Bạch có về xem ngôi nhà mới của chị không?

Có, anh ấy cũng thích cách thiết kế của tôi, vì tôi có cùng một gu cổ điển như anh. Đồ gỗ, đồ xưa anh ấy mua lúc trước tôi vẫn còn để nguyên trong căn nhà cũ, không hề thay đổi. Thích thì cứ về ngắm thoải mái. Còn bước sang ngách bên đây là không gian mới của tôi, cũng tha hồ tận hưởng. Hai không gian rất hòa đồng.

Khi rảnh chị làm gì trong căn nhà thênh thang này?

Đọc báo, đọc sách, làm bánh, nấu ăn, may vá. Tôi nấu ăn khéo lắm nha, đang mơ ước có một nhà hàng chuyên cung cấp thức ăn sạch. Ủa, còn bánh hạnh nhân nãy giờ bạn ăn là của tôi làm đó. Rồi may vá thì khoe một chút nè, năm ngoái khi dựng Táo quân mấy cô may trang phục không kịp, mà tôi thì lại muốn diễn viên ăn mặc quái quái, thế là tôi thức suốt đêm cắt may cho vừa ý. Áo tôi mặc có khi cũng tự may luôn. Còn đọc sách thì tôi mê các loại hồi ký của tướng lĩnh, hồi ký Hilary, Trần Văn Khê, Phạm Xuân Ẩn... Đọc để thấy cái trí tuệ của người ta quá tuyệt vời, vượt lên sự tưởng tượng của mình, thấy những bài học cuộc đời quý giá, biết đâu có lúc mình áp dụng được. Rồi tôi đọc tiểu thuyết tâm lý, đây là kho báu cho mình khai thác nhân vật. Quá nhiều việc để làm, cảm ơn là không có “ông nào” quấy rầy.

Xin cảm ơn chị.


Theo Thanh Niên

Thêm bình luận

Họ tên
Email
Nữ doanh nhân