Thứ Ba, Ngày 3 Tháng 12 Năm 2024

Nữ doanh nhân: Thành công không chỉ là thành đạt

Thứ Hai, 27/01/2014 07:53
Sự "thành công” của người phụ nữ làm kinh doanh còn phải được đặt cao hơn sự "thành đạt”. Họ chỉ thực sự thành công khi thành đạt về sự nghiệp và chu toàn trong cuộc sống gia đình. Làm thế nào để hài hòa được hai yếu tố đó là điều không dễ dàng.

Theo thống kê, trên thế giới, các doanh nhân nữ chỉ sở hữu hơn 1 nửa số lượng doanh nghiệp siêu nhỏ, chiếm 25% số lượng doanh nghiệp nhỏ và chỉ 8% số lượng doanh nghiệp vừa.

 

Người phụ nữ thành công có sự ủng hộ từ đồng sự, xã hội và sự thông cảm từ gia đình (Ảnh minh họa)

Và trên thực tế, bà Victoria Kwa kwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) ở Việt Nam cho biết, “những doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ vẫn chưa vượt qua được quy mô siêu nhỏ. Các hoạt động thường ở quy mô nhỏ, không chính thức, tập trung vào lĩnh vực thương mại, lợi nhuận thấp và thường ít sử dụng tiền mặt”.

 

Rõ ràng, việc người phụ nữ dám “xông pha” vào thương trường và thành công trên thương trường vẫn còn hạn chế và gặp nhiều rào cản tự thân cũng như rào cản bên ngoài.

Đằng sau người phụ nữ thành đạt là ai?

Đặc biệt, trong một bối cảnh chung khó khăn của nền kinh tế thế giới cũng như trong nước, đúng như bà Lê Thị Nam Phương, Chủ tịch HĐQT Hệ thống giáo dục chất lượng cao Sky-line nói, “thương trường khốc liệt vốn không phân biệt doanh nhân là nam hay nữ” và mọi doanh nghiệp bất kể quy mô lớn nhỏ đều bị ảnh hưởng, càng nhỏ lại càng khó khăn hơn.

Hai tháng đầu năm, chỉ tính riêng Hà Nội, số doanh nghiệp làm thủ tục giải thể đã tăng 4,3 lần so cùng kỳ năm trước (169 doanh nghiệp) và con số này ở TPHCM là 327 doanh nghiệp.

TS Châu Thị Thu Nga, Đại biểu Quốc hội khóa XIII cũng nhìn nhận, hiện tại, đại đa số các doanh nghiệp vẫn còn gặp phải nhiều khó khăn. Chỉ khoảng 20% doanh nghiệp là được vay vốn thường xuyên, trong khi hàng chục nghìn doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động.

Đối với doanh nghiệp do doanh nhân nữ giữ vai trò “làm chủ”, khoảng 100.000 doanh nghiệp trên cả nước, phần lớn có quy mô vừa và nhỏ, hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực dệt may, chế biến hàng nông sản, thủy sản, da giày…

Các doanh nghiệp này ngoài khó khăn chung như thiếu vốn, thiếu thông tin thị trường, thiếu nhân công và chế độ chính sách chưa rõ ràng…, thì bản thân doanh nhân nữ còn phải gánh chịu nhiều thiệt thòi mà nặng nề nhất là phải cân bằng được giữa công việc và trách nhiệm gia đình.

Theo tâm sự của bà Phương thì “khủng hoảng kinh tế không chỉ tác động mà tác động nhiều lần đến nữ doanh nhân”. Bà lý giải, khó khăn mà người phụ nữ đối mặt không chỉ là trong hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn trong tổ chức cuộc sống gia đình cũng như sự sẻ chia với cộng sự.

“Sau lưng người đàn ông thành đạt là hình ảnh người phụ nữa âm thầm hy sinh, nâng khăn sửa túi. Còn sau lưng người phụ nữ thành đạt là ai? Có những sự thành công bị đánh đổi, có những người phụ nữ càng thành đạt lại càng cô đơn, và ít người phụ nữ nào thành công mà vẫn giữ được hạnh phúc” – bà Phương nói.

Lãnh đạo doanh nghiệp, phụ nữ có nhiều lợi thế

Tuy nhiên, khi đánh giá về khả năng lãnh đạo của người phụ nữ trong bối cảnh hiện nay, ông Nguyễn Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, phụ nữ khi điều hành doanh nghiệp thường “cẩn trọng hơn, nhạy cảm hơn, tiết kiệm hơn…”.

Không những thế, các doanh nhân nữ cũng có khả năng xây dựng văn hóa doanh nghiệp tốt hơn doanh nhân nam.

 

Nhiều khi hạnh phúc của người phụ nữ phải đánh đổi với sự nghiệp (ảnh minh họa).

Về điểm này, bà Nam Phương cũng nhìn nhận, phụ nữ lãnh đạo doanh nghiệp có những lợi thế riêng. Vốn dĩ đã “khéo léo, chắt chiu và bền chí” nên vệc lãnh đạo doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh sáng tạo, tiết giảm chi phí và thận trọng hơn, hóa giải được những căng thẳng và xung đột.

 

Song, tài năng của người phụ nữ, “sự thành công” của người phụ nữ làm kinh doanh còn phải được đặt cao hơn “sự thành đạt”. Người phụ nữ chỉ thực sự thành công khi thành đạt trong điều hành doanh nghiệp và chu toàn trong cuộc sống gia đình - làm thế nào để hài hòa được điều đó là điều không hề dễ dàng gì.

“Chăm sóc doanh nghiệp và chăm sóc gia đình là nhiệm vụ mà các chị em đã làm được. Sự hạnh phúc trong gia đình cũng là sự đảm bảo cho sự phát triển sự nghiệp của người phụ nữ” – ông Lộc đánh giá.

Bà Kwakwa nói, “Nhìn chung, hầu hết lao động nam giới không muốn chủ là phụ nữ, nhưng nếu họ ngưỡng mộ khả năng của bạn, ý nghĩ tiêu cực đó sẽ dần biến mất” - người phụ nữ quyền lực người Ghana hóm hỉnh.

Bà Kwakwa cũng cho rằng, thực tế thì người phụ nữ hoàn toàn có thể thành công nếu họ muốn và nỗ lực.

Bà cũng dẫn ví dụ rằng, việc bà Mai Kiều Liên, lãnh đạo công ty cổ phần sữa Việt Nam - Vinamilk mới đây được tạp chí Forbes vinh danh thứ 25 trên 50 nữ doanh nhân quyền lực châu Á là một minh chứng cho thấy, phụ nữ Việt Nam có thể phát triển và không giới hạn mình.

Bà gửi gắm “Đừng bao giờ nghĩ rằng bạn không thể làm kinh doanh vì không có vốn. Điều bạn cần là kiến thức và kinh nghiệm. Đừng khởi đầu bằng những thứ lớn lao.

Hãy bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt và bằng tất cả những gì bạn có, tích lũy kinh nghiệm và hoạt động hiệu quả. Công việc kinh doanh sẽ phát triển cùng với kiến thức và kinh nghiệm của bạn. Vấn đề không phải là vốn, một khi bạn chứng minh được bản thân, nguồn vốn sẽ tự tìm đến bạn”.

Còn về mặt gia đình, trao đổi với chúng tôi, một vị doanh nhân nữ nói, “Hạnh phúc hay không do ở mình thôi. Việc kinh doanh cũng là xây dựng kinh tế cho gia đình, đảm bảo hạnh phúc cho con cái. Điều này là chia sẻ ở cả hai phía, cả vợ, cả chồng, không vai trò của ai là không quan trọng cả. Khi người đàn ông ra ngoài, người phụ nữ ủng hộ và ngược lại. Nếu xuất phát từ cảm thông và chia sẻ, mọi mâu thuẫn đều được hóa giải”.

Như vậy, sau một người thành đạt là sự tài hoa, nhanh nhạy, là sự ủng hộ của xã hội và cộng sự. Nhưng sau một người phụ nữ thành công, cần nhiều hơn sự tinh tế, lo toan của tự bản thân họ cũng như sự cảm thông, chia sẻ của gia đình. 

 
Theo DoanhnhanSaigon

Thêm bình luận

Họ tên
Email
Nữ doanh nhân