Thưa bà, bà cảm nhận thế nào về 100 nữ doanh nhân tiêu biểu vừa được trao Cúp Bông Hồng Vàng năm 2013?
Đó là những con người thực sự đáng khâm phục. Là người trực tiếp tham gia hoạt động bình chọn, từ khi tiếp nhận danh sách doanh nhân nữ tiêu biểu được đề cử đến xét chọn từng hồ sơ, tôi cảm nhận được sự khó khăn trong hoạt động quản lý, điều hành của các chị trong một giai đoạn kinh tế đầy sóng gió. Việc lựa chọn được các nữ doanh nhân đạt đủ các tiêu chí của Giải thưởng năm nay vô cùng khó.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam |
Cũng phải nói thêm, kết quả này không thể chỉ nhìn trong một năm, mà là cả một quá trình dài lao động vất vả, cống hiến, thậm chí là chấp nhận hy sinh. Tài năng, trí tuệ, bản lĩnh của các chị một lần nữa được tỏa sáng ngay trong bão tố của thị trường.
Các báo cáo tổng kết về doanh nghiệp do nữ làm chủ đều nhận định, quy mô các doanh nhiệp này nhỏ, tập trung vào lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, nông thôn…
Các nữ doanh nhân Bông Hồng Vàng năm nay chủ yếu là nữ lãnh đạo doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu nông, thủy sản, kinh doanh dịch vụ.
Nhiều chị đang điều hành những tập đoàn lớn như Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm TH Thái Thị Hương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hóa - Dược phẩm Mekophar Huỳnh Thị Lan, Chủ tịch HĐQT Công ty Traphaco Vũ Thị Thuận, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cảng Đồng Nai Nguyễn Thị Bạch Mai…
Có thể thấy, các chị có mặt trên các lĩnh vực, ngành kinh tế chủ lực, đóng góp trực tiếp trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ngày càng đông đảo và có dấu ấn lớn.
Tuy nhiên, nhìn chung, các doanh nghiệp do nữ làm chủ đa phần vẫn là các hộ kinh doanh cá thể, các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa. Lý do là, xuất phát điểm của nhiều nữ doanh nhân là mưu sinh, lo toan cuộc sống gia đình.
Theo khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Grant Thornton, tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp của Việt Nam thuộc nhóm 10 nước cao nhất thế giới, với 33%. Nhưng cơ hội để chị em thể hiện và khẳng định tài năng ở các vị trí lãnh đạo trong các tập đoàn, tổng công ty lớn chưa nhiều, nhất là khi do văn hóa, thói quen, phụ nữ vẫn được gắn với chuyện bếp núc, gia đình…
Ngay cả các doanh nhân nữ thành đạt, được vinh danh không chỉ trong nước, mà cả ở nước ngoài như Chủ tịch HĐQT Vinamilk Mai Kiều Liên, Chủ tịch SeaBank Nguyễn Thị Nga…, khi nói về gia đình, vẫn là một người phụ nữ Việt Nam truyền thống vì chồng, vì con…
Có nghĩa là, để thành công trong sự nghiệp, các nữ doanh nhân phải nỗ lực hơn, chấp nhận hy sinh nhiều hơn, thưa bà?
Chị Ninh Thị Ty, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Công ty May Hồ Gươm và May Chiến Thắng từng nói rằng, trong gia đình có người đàn ông thành đạt, phụ nữ luôn ở thế nhún, nhưng trong gia đình có người phụ nữ thành đạt, chị em nhiều khi lại nhún nhường hơn. Đó là nghệ thuật để các chị vừa giữ lửa trong gia đình, vừa truyền lửa trong kinh doanh.
Nhưng trên các diễn đàn về bình đẳng giới, chúng tôi đang đặt câu hỏi rằng, có phải trách nhiệm giữ lửa trong gia đình chỉ của người phụ nữ, hay là của tất cả các thành viên?
Chúng ta có muốn những nữ doanh nhân trẻ tuổi, có điểm xuất phát rất thuận lợi, cả về năng lực, tri thức, về điều kiện môi trường kinh doanh… phải tiếp tục lựa chọn hoặc gia đình hoặc công việc không?
Đã đến lúc, cả cộng đồng phải thay đổi để khi nói về nữ doanh nhân, sẽ là những hình ảnh được vinh danh bởi sự đóng góp, cống hiến, mà không phải là sự chấp nhận hy sinh…
Nhắc tới nữ doanh nhân trẻ, vào thời điểm này, có thể nói gì về sự xuất hiện của họ?
Giải thưởng Bông Hồng Vàng năm nay có sự khác biệt so với những năm trước, đó là có sự xuất hiện của thế hệ doanh nhân nữ kế cận, mặc dù chiếm tỷ lệ không lớn, nhưng là những gương mặt trẻ, sáng giá. Họ là những người trẻ đầy nhiệt huyết, sáng tạo, tự tin, đã được trang bị khá đầy đủ về kiến thức chuyên môn, cũng như các kỹ năng mềm và ngoại ngữ.
Điều mà thế hệ doanh nhân trẻ hiện nay có thể còn cần phải học hỏi là sự trải nghiệm và khả năng thích ứng khi điều kiện và môi trường kinh doanh có biến động của các thế hệ đi trước.