Chủ Nhật, Ngày 22 Tháng 12 Năm 2024

Nữ đại úy, khắc tinh của tội phạm ngân hàng

Thứ Tư, 23/04/2014 12:00
Thủ đoạn tinh vi của tội phạm kinh tế luôn là thách thức cho lực lượng chức năng, song với đại uý Phạm Thị Thuỳ Dương, bằng sự nhạy bén chị đã tìm ra được kẽ hở của chúng.

Dáng nhỏ nhắn nhưng đại uý Dương - Phòng an ninh tài chính, tiền tệ, đầu tư Công an Hà Nội - được đồng nghiệp đặt cho biệt danh “khắc tinh” của nhóm tội phạm ngân hàng.

Gần 10 năm công tác tại Phòng, cùng đồng nghiệp khám phá hàng chục vụ án liên quan đến ngân hàng, cổ phiếu, chứng khoán, hiện chị Dương giữ chức Đội phó Đội 2 - chuyên trách khối ngân hàng liên doanh và nước ngoài có trụ sở tại Hà Nội. Nhiệm vụ chính của chị là đảm bảo an ninh kinh tế, nội bộ trong lĩnh vực ngân hàng với khối lượng công việc đồ sộ.

Chị kể, hơn 10 năm trước, được tuyển thẳng vào đại học, mặc dù rất thích theo ngành công an của bố mẹ nhưng đã chọn vào ngân hàng. Tuy nhiên, duyên nghề nghiệp sau đó đã kéo chị đến với ngành này. “Tốt nghiệp đại học xong, chưa từng làm cho một ngân hàng nào, tôi dự tuyển vào công an tỉnh Hải Dương làm về mảng ngân hàng nên cũng áp dụng được những nền tảng cơ bản của ngành học”, đại uý Dương tâm sự.

Xuất phát điểm từ con số không về kiến thức pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng, chị phải mày mò, tự trau dồi và học hỏi từ những đồng nghiệp đàn anh đi trước. Tháng 11/2005, Công an Hà Nội lập Đội an ninh kinh tế tiền tệ, đầu tư tiền thân của Phòng bây giờ, chị đã dự tuyển và chuyển về thủ đô công tác.

Chị kể, thời điểm mới thành lập Đội, ở Hà Nội bùng phát loại tội phạm về ngân hàng, chứng khoán với hàng loạt những phương thức, thủ đoạn tinh vi và mức độ xâm phạm ngành ngân hàng có hệ thống và quy mô lớn. Đến nay, 9 năm công tác, chị và đồng nghiệp nhận thấy, ngoài chiêu thức tinh vi, nhóm sai phạm trong lĩnh vực ngân hàng ngày càng trẻ hoá. Những người này luôn tìm cách thức luồn lách kẽ hở của luật pháp để phạm tội.

Đại uý Phạm Thị Thuỳ Dương và chồng trong Lễ tuyên dương 10 gương mặt trẻ công an thủ đô xuất sắc 2013. Ảnh: Việt Dũng.

Đại uý Dương vẫn còn nhớ rõ vụ sai phạm xảy ra trong lĩnh vực ngân hàng có tính chất tương tự như vụ "đại án" Huỳnh Thị Huyền Như. Đó là thời điểm cuối năm 2011, đầu 2012 và từ vụ làm giả tài liệu ở một ngân hàng thương mại cổ phần có trụ sở chính tại Hà Nội, do người đàn bà tên Lan cầm đầu. Bà này chuyên đứng ra thu xếp nguồn vốn từ ngân hàng rồi cho vay bên ngoài, chiếm đoạt và đã gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng. 

Sau hai ngày phát hiện ra sai phạm từ đống giấy tờ của ngân hàng này, trực tiếp thẩm cung Lan, chị đã đề nghị lãnh đạo khởi tố bị can. Tuy nhiên, trong thời gian được tại ngoại, Lan đã bỏ trốn sang Campuchia và bị Công an Hà Nội truy nã.

Khi tìm ra dấu vết của Lan, chị trực tiếp vận đồng chồng của bị can này cùng đi để khuyên vợ đầu thú. Ngày đó, chị cùng với thượng tá Đào Anh Tuấn, hiện là Phó Phòng truy nã tội phạm, cùng một số đồng nghiệp và chồng của Lan vào khu vực cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh. Ngay cả khi được chồng khuyên, Lan vẫn dè dặt trước khi đồng ý đầu thú. “Vốn là phụ nữ, tôi hiểu rõ trách nhiệm của người mẹ, người vợ nên đã tâm sự thật lòng với Lan. Cô ta dần dần bị thuyết phục và theo tổ công tác về Hà Nội”, đại uý Dương kể.

Từ những lời khai của Lan, cơ quan chức năng đã làm rõ thủ đoạn giả giấy tờ và có dấu hiệu tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Mặc dù số tiền thất thoát lớn nhưng do kịp thời phát hiện vụ việc, các trinh sát của Phòng đã thu hồi được khoảng 80% số tiền thất thoát của ngân hàng bằng các nhà xưởng, đất đai, tiền mặt…

Ngoài triệt phá nhóm tội phạm ngân hàng trên, cũng khoảng thời gian giữa năm 2012, Đội của đại uý Dương khám phá ra hành vi cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán của một công ty chứng khoán trụ sở tại TP HCM, chi nhánh ở Hà Nội. Lần đó, chị và đồng đội phải vào TP HCM suốt một tháng để điều tra.

“Công việc về chứng khoán cực kỳ khó khăn. Chúng tôi thu thập tài liệu chất thành chồng cao ngất và liên tục làm việc từ sáng sớm đến tối mịt. Đồng nghiệp ở Sài Gòn cũng giúp sức rất nhiều để chúng tôi hoàn thành công việc", nữ đại uý chia sẻ.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất của vụ án này đối với chị là sau khi thu thập được tài liệu, ngày ra sân bay, do mải tính toán công việc nên tổ của chị bị muộn giờ. Đến lúc lên máy bay rồi, mọi người lại tiếp tục bàn luận, phân tích định hướng. “Cứ tranh luật, bàn thảo suốt thế, đến khi về tới sân bay Nội Bài thì chúng tôi tìm ra được bản chất của vấn đề”, chị Dương cười tươi khi nói về niềm vui trong công việc.

Giữ nguyên nụ cười khi nhắc về gia đình nhỏ của mình, đại uý Dương chia sẻ, nếu không có sự giúp đỡ, san sẻ trách nhiệm của người chồng cùng ngành, thì công việc của chị sẽ gặp không ít khó khăn. Những thời điểm chị vắng nhà, anh đã xoay xở, thay chị chăm sóc chu đáo cho hai con trai khi phải đưa chúng đi học, rồi đón về. "Anh ấy và các con là tài sản, là chỗ dựa tinh thần  tôi có thể cống hiến cho sự nghiệp", chị nói.

Cuối tháng 3 vừa qua, đại uý Phạm Thị Thuỳ Dương được vinh danh và là một trong 10 gương mặt trẻ công an thủ đô xuất sắc tiêu biểu năm 2013. Chị trực tiếp lập chuyên án, thu thập tài liệu, đấu tranh làm rõ nhiều sai phạm nghiêm trọng của các doanh nghiệp. Ba năm liền, chị đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua, được tặng nhiều bằng khen của Bộ Công an…

Theo VnEpress

Thêm bình luận

Họ tên
Email
Nữ doanh nhân