Thứ Bảy, Ngày 14 Tháng 9 Năm 2024

Món quà vô giá của người mẹ quét rác

Thứ Ba, 28/01/2014 12:47
Những ngày giáp Tết, tiếng chổi của cô công nhân vệ sinh trong con hẻm xóm tôi dường như mạnh mẽ hơn. Thường ngày, mỗi khi đến con hẻm này, cô đã mệt lả người. Nhưng hôm nay tiếng chổi lại đều đặn, sung sức. Chiếc xe chứa rác đầy ắp, nặng nề được cô đẩy đi nhẹ nhàng. Có điều gì khác lạ?

 

 Cô công nhân Nguyễn Thị Thanh Phượng (tên thường gọi là Bi) với công việc dọn vệ sinh đường phố và thu gom rác hộ gia đình.

Tiếng cười rộn rã

Tôi lặng nhìn qua khe cửa. Bi, tên thường gọi của Nguyễn Thị Thanh Phượng, cô công nhân vệ sinh của khu vực khu phố 2 (P. Tân Định Q.1 TP.HCM) vừa làm việc thỉnh thoảng lại mỉm cười. Nụ cười của Bi thật tươi, nét mặt thật mãn nguyện. Và có lẽ vì thế nên nhát chổi của Bi trên đường trở nên nhẹ nhàng thanh thoát hơn.

Bi vừa bước vào tuổi 36. Nhỏ con, thiếu chiều cao nhưng Bi lại làm công việc của những người thừa sức khỏe. Quần quật suốt ngày trên đường phố. Phố phường – nơi Bi phụ trách – luôn có bộ mặt khang trang sạch đẹp cũng nhờ vào những nhát chổi này.

Người Huế, vào Nam sinh sống lâu ngày, nghe giọng nói của Bi ai cũng ngỡ cô là người của miền sông nước. Gia đình nghèo, ít học không có công việc gì để mưu sinh, Bi chọn nghề này khi được thu nhận vào tổ rác dân lập của phường.

Bi rời khỏi nhà ở quận 12 từ khi trời chưa sáng. Đến nơi, Bi bỏ cây chổi vào xe rác trống đẩy ra ngoài đường đến những con hẽm nơi mình phụ trách.

Công việc hàng ngày của Bi là thu dọn vệ sinh trong hẻm, đồng thời thu gom rác trong từng hộ gia đình. Bi không có lương nên thu nhập của chỉ nhờ vào số tiền lệ phí rác ít ỏi theo qui định 15.000 – 20.000 đồng mỗi tháng.

Muốn đủ tiền sinh sống mỗi ngày Bi phải thu gom rác hàng trăm hộ. Thường thì đến trưa, chiếc xe rác của Bi đã đầy ắp. Đến chỗ tập kết, Bi giao rác cho các xe ép rác rồi thu dọn đồ đạc cất vào một góc.

 Góc học tập của Thiện

Buổi chiều, Bi nhận công việc vệ sinh cho các gia đình chung quanh. Khi thì lau nhà, lúc thì giặt giũ. Nhờ vào sự siêng năng, làm việc có trách nhiệm, Bi được nhiều gia đình tín nhiệm thường xuyên giao việc. Cũng nhờ thế, thu nhập của Bi cao lên, có thể trang trải sinh hoạt trong gia đình.

Người chồng của Bi cũng là công nhân vệ sinh. Anh được tuyển dụng chính thức vào biên chế của Công ty môi trường đô thị quận 1. Anh làm việc về đêm theo xe chuyển rác về bãi tập kết khi thì ở Phước Hiệp (Củ Chi) lúc về Đa Phước (Bình Chánh).

Những ngày cuối năm trong gia đình cô công nhân vệ sinh này đầy ắp tiếng cười. Không phải tiền thưởng cao, càng không phải có một khoản thu nhập hời từ... trên trời rơi xuống.

Niềm vui của gia đình Bi được chan hòa chia sẻ với mọi người: cậu con trai đầu lòng của Bi năm nay 14 tuổi vừa đoạt giải ba toàn thành phố kỳ thi học sinh giỏi giải toán trên máy tính Casio – Vinacal.

Món quà cuối năm

 

 Bi và con hân hoan trước kết quả học tập của Thiện

Căn nhà nhỏ rộng 18m2 của Bi nằm sâu trong con hẻm chật hẹp ở phường Thạnh Xuân (Q.12). Bi mở cửa mời tôi bước vào nhà. Không khó khăn để nhìn thấy giấy khen trong khuôn kính của đứa con trai Bi để giữa phòng khách.

“Mừng quá chú ơi. Suốt ngày nay, con như ở trên mây. Con của con đạt được giải 3 kỳ thi giải toán trên máy tính. Toàn thành phố có 240 thí sinh giỏi toán dự thi, thế mà nó đoạt được giải 3 là một điều không tưởng”

Bấy nhiêu đó, tôi cũng nhận ra được niềm vui vô bờ của cô công nhân vệ sinh suốt ngày lam lũ.

Ngày 19/1, Huỳnh Phước Thiện, con của Bi học sinh lớp 9/2 Trường THCS Lương Thế Vinh đã tham dự và đoạt giải 3 kỳ thi học sinh giỏi giải toán trên máy tính. Giải 3 toàn thành phố nhưng với quận 12 và Trường Lương Thế Vinh, Thiện là thí sinh duy nhất đạt được vinh dự này.

Bi nhận được tin khi đang còn mãi mê với công việc. Nghe con báo, Bi mừng quá đánh rơi cây chổi đang cầm trên tay lúc nào không biết.

Tôi nhìn Thiện. Đôi kính trắng trễ xuống trên gương mặt cậu học sinh cấp 2 rạng ngời niềm vui, Thiện lạc quan nói với tôi: " Đây chỉ là món quà của năm cũ thôi ông à. Ăn Tết xong, còn kỳ thi học sinh giỏi toán cấp thành phố nữa. Con sẽ thi và tin tưởng con sẽ tặng thêm cho cha mẹ con món quà mừng năm mới.

Tôi đến góc học tập của Thiện trên căn gác nhỏ. Phòng chật hẹp không đủ kê chiếc bàn viết. Tấm đệm vừa để ngủ vừa làm bàn học đã nhiều đêm Thiện lăn lộn với những con số.

Vợ chồng Bi rất nghèo nhưng Bi rất tự hào đã dạy con chăm ngoan – điều mà bao người giàu có hơn, địa vị cao sang hơn có mơ cũng không thấy được. . .

Theo Vietnamnet

Thêm bình luận

Họ tên
Email
Nữ doanh nhân