Thứ Năm, Ngày 2 Tháng 1 Năm 2025

Hé lộ khối tài sản trị giá hơn 6.700 tỷ của bà Trương Mỹ Lan, chủ tịch Vạn Thịnh Phát

Thứ Sáu, 25/04/2014 12:00
Sở hữu rất nhiều công ty lớn với hàng loạt dự án khủng nhưng các thông tin về Vạn Thịnh Phát và bà chủ Trương Mỹ Lan khá ít ỏi.

 

Bà Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được nhiều người biết đến từ cuối năm 2011 khi 3 ngân hàng SCB, Đệ Nhất và Việt Nam Tín Nghĩa tiến hành hợp nhất với nhau.

Mặc dù không xuất hiện chính thức nhưng bà Lan và Vạn Thịnh Phát được cho là nhóm cổ đông chính của cả 3 ngân hàng này. Rất nhiều thành viên ban lãnh đạo SCB hiện nay đã từng làm việc cho các công ty thành viên của Vạn Thịnh Phát.

VIPD Group – doanh nghiệp đã chi ra 470 triệu USD để mua lại trung tâm thương mại Vincom Center A – cũng được cho là có liên quan đến Vạn Thịnh Phát dù không có thông nào chính thức. Trụ sở của VIPD Group đặt tại cao ốc VTP Office Build số 8 Nguyễn Huệ, nơi đặt trụ sở của nhiều công ty khác trong hệ thống Vạn Thịnh Phát.

Cuối năm 2013, nhạc sĩ Thanh Bùi đã kết hôn với Trương Huệ Văn, cháu gái của bà Lan. Hôn lễ được tổ chức tại Saigon Times Square, dự án mới nhất đi vào vận hành của Vạn Thịnh Phát. Với chiều cao hơn 160m, đây là tòa nhà cao thứ 3 tại Tp.HCM.

Ngoài cao ốc trên, hệ thống Vạn Thịnh Phát còn sở hữu hàng loạt dự án bất động sản khác như Sherwood Residence, trung tâm dịch vụ văn phòng Vạn Thịnh Phát, Khách sạn Windsor – An Đông Plaza, Thuận Kiều Plaza, dự án Saigon Peninsula…

Saigon Times Square vào ban đêm: Ảnh: Flickr/Holehoangvu

 

 

Sở hữu rất nhiều công ty lớn với hàng loạt dự án khủng nhưng các thông tin về Vạn Thịnh Phát và bà chủ Trương Mỹ Lan khá ít ỏi. Bà Lan còn có tên gọi khác là Trương Muội, là một người gốc Hoa. Các thông tin về bà Lan chủ yếu là thành tích về các hoạt động của bà trong công tác xã hội. Năm 2011, bà Lan được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng ba.

Theo giới thiệu trên website của Vạn Thịnh Phát, tập đoàn này được thành lập từ năm 1992 với lĩnh vực kinh doanh thương mại và nhà hàng, sau đó mở rộng sang lĩnh vực bất động sản. Theo tìm hiểu của CafeBiz, trong cơ cấu tổ chức của Vạn Thịnh Phát, thì có 2 pháp nhân mang tên “Tập đoàn Vạn Thịnh Phát”.

Công ty thứ nhất là Công ty TNHH Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, tên viết tắt là VTP Group Holdings với vốn điều lệ 6.000 tỷ đồng. Đây có thể coi là công ty trung tâm của hệ thống Vạn Thịnh Phát.

Tại VTP Group Holdings, bà Lan sở hữu 80% cổ phần, tương đương lượng vốn góp trị giá 4.800 tỷ đồng.

Trương Huệ Vân, vợ Thanh Bùi cùng bố của cô, ông Trương Chí Trung, sở hữu 500 tỷ đồng vốn góp, tương đương 8,33% cổ phần. Theo thông tin trên báo chí thì ông Trương Chí Trung là anh của bà Lan.

Công ty thứ hai là CTCP Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát, tên viết tắt là VTP Group. Đây chính là công ty có vốn điều lệ 12.800 tỷ đồng được đề cập trên website của Vạn Thịnh Phát.

VTP Group Holdings góp hơn 5.200 tỷ đồng vào công ty này và là cổ đông chính sở hữu 41% cổ phần.

Cá nhân bà Trương Mỹ Lan cũng góp 1.920 tỷ đồng, tương đương 15% cổ phần của VTP Group.

 

 

 

Như vậy, chỉ riêng tại 2 công ty trên, bà Lan đã sở hữu lượng cổ phần trị giá tới hơn 6.700 tỷ đồng. Với khối tài sản này, bà Lan có thể coi là một trong những người giàu nhất Việt Nam, tương đương với ông Dương Công Minh – chủ tịch tập đoàn Him Lam hay bà Lê Thị Thúy Ngà – chủ tịch tập đoàn Nam Cường. Tất nhiên, đây chỉ là con số tính theo mệnh giá.

Không ít tập đoàn lớn có giá cổ phiếu dưới mệnh giá như Tập đoàn Tân Tạo, Quốc Cường Gia Lai… nhưng nếu định giá cao hơn mệnh giá, con số tài sản thực sẽ lớn hơn nhiều lần.

Hệ thống Vạn Thịnh Phát còn có 3 công ty liên quan nữa là CTCP Đầu tư Times Square Việt Nam, CTCP Đầu tư An Đông và CTCP Tập đoàn Saigon Peninsula (tên cũ CTCP Đại Trường Sơn).

Nguồn Trí Thức Trẻ

Thêm bình luận

Họ tên
Email
Nữ doanh nhân