Chung ước mơ và niềm đam mê, Trần Hoàng Tùng (lớp 11A6), Mai Diệu Quỳnh (lớp 11D1) và Đặng Trần Quang (lớp 11A3) đã trở nên thân thiết với nhau ở Viện Công nghệ Sinh học. Chứng kiến những chất độc hại vẫn hàng ngày thải ra môi trường, các em đã mày mò nghiên cứu ra một loại enzim có thể bỏ độc từ chất thải bằng phương pháp sinh học, có tên gọi FBV41.
Qua thử nghiệm với nước nhuộm tiêu chuẩn phòng thí nghiệm trong 90 phút, enzim khử được 70-96% lượng màu. Với nước thải thực tế của một nhà máy dệt, khử 78-94% sau 48 giờ. Với phụ phế liệu nông nghiệp, tốc độ phân hủy tăng 48-96% so với thông thường chỉ sau hai ngày.
|
Quỳnh và Tùng nhận giải ở Malaysia. |
Để tìm được mẫu nghiên cứu, ba học sinh phải lên Ba Vì lấy gỗ mục vào ngày mưa gió. Đường sá trơn trượt, đi lại khó khăn nhưng thời tiết này lại thôi thúc các em vì trời mưa giúp vi sinh vật hoạt động tốt hơn.
Lên Ba Vì còn là một trải nghiệm thú vị với Tùng. Cậu cho biết rất thích lên núi rừng, tự tay tiếp xúc với mẫu rồi mang về phòng thí nghiệm. Sau khi tìm mẫu gỗ mục ở Ba Vì, ba học sinh tìm mẫu rơm rạ ở Hưng Yên và về nhà máy dệt ở Nam Định xin mẫu nước thải. Thu đủ mẫu, ngoài giờ học trên lớp, cả ba lại miệt mài đến phòng thí nghiệm làm việc.
Tùng cho biết, Quỳnh là con gái, tỉ mẩn và bình tĩnh trong từng công đoạn, còn cậu và Quang lại khá vụng về, luống cuống. “Em bị mắng khá nhiều khi không hoàn thành công việc gói đĩa thí nghiệm sao cho thật chặt vào giấy. Điều này làm cho cái đĩa bị lỏng và dễ rơi vỡ hơn. Thao tác trong phòng thí nghiệm đòi hỏi rất nhanh, chính xác nên ban đầu, em và Quang luống cuống. May là chưa có gì to tát xảy ra”, Tùng kể.
|
Quỳnh được đánh giá là người cẩn thận, tỉ mẩn nhất nhóm. |
Còn Quỳnh thì nhớ nhất chuyện cả nhóm phải làm lại mẫu vì phòng thí nghiệm bị nhiễm khuẩn. Sau hai lần làm lại, mẫu thí nghiệm đã thành công. Suốt 4 tháng từ cuối năm 2012 đến đầu năm 2013, nhóm đặt các mẫu gỗ mục và rơm rạ lên các đĩa, sử dụng chất chỉ thị màu để tìm enzim. Kết quả nghiên cứu nhận giải Nhất “Cuộc thi Khoa học, Kỹ thuật dành cho học sinh trung học Hà Nội năm 2013”. Sau đó, trường THPT Việt Đức đã đưa công trình này đến cuộc thi tìm kiếm tài năng khoa học trẻ của tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á vào tháng 3/2014.
Được Bộ Giáo dục chọn đề tài, Quỳnh và Tùng là đại diện nhóm tiếp tục nâng công trình nghiên cứu thêm một bước nữa cao hơn. Trong vòng 6 tháng, đôi bạn hoàn thiện thêm phần định hình gen chủng nấm - một trong những gen khó nhất trong công đoạn. Cuối cùng, đề tài nghiên cứu này đã giành giải đặc biệt mang tính giáo dục về kinh tế, xã hội và môi trường tương đương với giải ba quốc tế.
“Em là người đại diện cho nhóm thuyết trình bằng Tiếng Anh, nhưng do quá hồi hộp chỗ đông người nên em thuyết trình hơi thiếu tự tin. Vì thế, kết quả bị kéo xuống”, Quỳnh nói.
|
Hoàng Tùng còn mê chụp ảnh. |
Cô cho biết, nếu có cơ hội cô sẽ phát triển thêm đề tài trong tương lai. Riêng Tùng, việc nghiên cứu khoa học lần này khiến cậu nhận ra mình không hợp làm việc trong phòng thí nghiệm. Nguyên nhân là vì cậu còn vụng về, lóng ngóng, thiếu tỉ mẩn.
“Bù lại, kiến thức về kinh tế, kinh doanh của em lại lên trông thấy. Em sẽ cố gắng thương mại hóa sản phẩm trên quy mô lớn hơn. Sản phẩm phải được tạo thành chế phẩm để phục vụ cho các mục đích xử lý chất thải, phế liệu nông nghiệp”, Tùng nói.
Cô Nguyễn Bội Quỳnh, Phó Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức, cho biết Quỳnh và Tùng đều là những học sinh có tinh thần nghiên cứu khoa học rất tốt, khả năng tự tìm tòi được đánh giá cao.
“Các bài vở học trên lớp chưa đủ để các em hiểu về enzim một cách rõ ràng, sâu sắc. Tuy nhiên, việc tiếp xúc trực tiếp với phòng thí nghiệm, đi thực tế vườn Quốc gia Ba Vì, về nhà máy dệt Nam Định… đã giúp các em vỡ vạc rất nhanh. Thực hiện đề tài gắn kết môi trường hiện nay cùng khả năng thuyết trình Tiếng Anh tốt làm tôi tin tưởng. Do đó kết quả đạt được khiến tôi rất vui mừng nhưng không quá bất ngờ”, bà Quỳnh khẳng định.