Thứ Sáu, Ngày 3 Tháng 1 Năm 2025

Bán quần áo online, tháng lãi trăm triệu

Thứ Sáu, 17/01/2014 11:15
Kinh doanh thời trang trên mạng đang là hình thức kiếm tiền thu hút giới trẻ. Dù không mới mẻ, nhưng đây vẫn là “mảnh đất màu mỡ” cho nhiều người kiếm tiền triệu mỗi tháng.

 Kinh doanh thời trang online đa dạng về cấp độ như mọi hình thức kinh doanh khác. Tạm để những nhà phân phối lớn, những dịch vụ kinh doanh online xuyên quốc gia hoặc các kênh bán hàng với tầm quốc tế sang một bên, chúng ta hãy đi tìm hiểu phương pháp kinh doanh thời trang online nhỏ lẻ với tư cách cá nhân đơn thuần.

Buôn bán quần áo, đồ dùng phụ kiện thời trang qua đường xách tay hoặc đặt hàng từ nước ngoài mang đang nở rộ trong thời gian qua. Nó phần nào đáp ứng đúng nhu cầu tiêu dùng của một bộ phận không nhỏ người Việt hiện đại.

Một phần vì vấn đề giá cả, một phần khác vì tính độc đáo và hấp dẫn của món hàng mà người Việt đặc biệt là giới trẻ đang ngày một yêu thích cách thức mua sắm này. Kinh doanh thời trang online ở nước ta không còn mới mẻ nhưng vẫn là miếng đất màu mỡ để người buôn bán kiếm lời. Ở góc độ những cửa hàng thời trang đơn lẻ hoặc cá thể người bán độc lập, hình thức mua bán này đã mang lại nhiều tiện ích.

bán quần áo online

1. Bán quần áo trên mạng kiếm tiền dễ như… chơi

“Gì chứ bán quần áo trên mạng kiếm tiền dễ như chơi.” Huyền Anh điềm nhiên phán trước những con mắt tròn xoe và cái miệng há hốc trong hội “bà tám” nhân ngày họp lớp đại học. Ra trường được 2 năm, Huyền Anh đã lên đời với những món đồ đắt tiền và cao cấp. Trái ngược hoàn toàn với ngày còn miệt mài trên giảng đường, cô xuất hiện sang trọng và lộng lẫy trong ngày họp lớp hồi đầu tuần tháng 11 khiến bạn bè phải tò mò mà ghen tị.

Chờ tất cả tụ tập gần như đông đủ ở một quán thịt lợn mường nằm trên đường Nguyễn Phong Sắc kéo dài, Hà Nội Huyền Anh đi SHi bóng loáng, đỗ xịch vào cửa quán. Mấy thanh niên choai choai có nhiệm vụ dắt xe, phát vé cho khách còn phải ngây người choáng ngợp trước sự gợi cảm của cô nàng.

Tâm điểm của cuộc họp cho biết, sau khi ra trường, với mong muốn “tẩy khẩu” cho thế hệ sau, Huyền Anh trụ lại ở Hà Nội dù đã bị cắt 70% viện trợ từ quê. Rải hồ sơ mấy chục công ty, cơ quan, xí nghiệp, cô cũng đậu bến vài nơi chốn nhưng làm được dăm bữa nửa tháng thì chán vì buồn. Lương thấp, buồn. Môi trường cổ hủ, buồn. Đồng nghiệp ganh tị, buồn. Huyền Anh quyết định nộp đơn xin nghỉ việc rồi cùng bạn bè đi du lịch Quảng Châu (Trung Quốc). Theo lời tâm sự của nàng, trong chuyến du lịch với bà chị họ này, Huyền Anh đã bén duyên với việc kinh doanh quần áo.

Sau 5 ngày lẽo đẽo theo bà chị đi khắp các khu phố buôn bán của Quảng Châu, về nước, Huyền Anh đáp ngay tàu về chuyến tàu về Quảng Ninh để vay bố mẹ 20 triệu. Thoạt tiên biết tin con gái bỏ việc, hiện đang thất nghiệp và rồi lại về vay tiền của mình, ông bà giận giận con ra mặt. Ai đời cho ăn học những 16, 17 năm trời để rồi lại quay về buôn thúng bán mẹt như thế bao giờ. Theo lời kể, Huyền Anh phải mất 3 buổi tối “xử” gần chục ấm trà mạn mới thuyết phục được bố mẹ đồng ý cho đi buôn và vay tiền. Không những thế, mẹ Huyền Anh còn lén bán thêm hai chỉ vàng để cho thêm con gái rượu dắt lưng làm vốn.

Trở lại Hà Nội, sẵn với trình độ tiếng Trung kha khá cùng hiểu biết về công nghệ, Huyền Anh nhanh chóng lập được một “cửa hàng ảo” có giao diện ứng dụng và đẹp lung linh. Nhạy bén, thông minh, có đôi chút gu thời trang và quan trọng là có “máu liều”, Huyền Anh thắng đậm ngay ở lô hàng đầu tiên.

“Lô hàng đầu tiên, tớ bán hết sạch ngay khi hàng về được hai ngày. Trừ hết vốn, chi phi vận chuyển, công giao hàng cho khách, lãi chính xác là 12 triệu 7 trăm 80 ngàn đồng. Trúng quá, tớ đánh liều thêm kiện hàng nữa với số vốn lớn và đa dạng mặt hàng hơn. Tháng đầu tiên, tớ nhớ như in là kiếm được 47 triệu.” Huyền Anh kể về chiến tích của mình.

Cô nàng tiết lộ, bây giờ bán quần áo online hút khách lắm, kiếm tiền lại dễ, chả mất đồng vốn nào thuê mặt bằng hay đánh hàng cả. Một tháng đánh 3 đến 4 lô hàng là ung dung: “Bây giờ, nhà nhà, người người chơi facebook. Bán hàng bằng facebook tiện lắm, đơn giản, nhanh gọn, ảnh lại đẹp lung linh. Tha hồ mà chọn mẫu đẹp để giới thiệu với khách. Khéo nịnh khách một tí là đắt như tôm tươi.”

Bán tín bán nghi với câu chuyện của Huyền Anh, người viết bài đi tìm hiểu thêm về khu chợ ảo này và đã phải nhiều lần giật mình vì những điều hết sức bất ngờ. Theo đó, chỉ cần ngồi trước máy tính, gửi link giới thiệu sản phẩm, gửi số tài khoản ngân hàng, cho biết số điện thoại cá nhân, những người bán hàng quần áo trên mạng đã kiếm được vài chục triệu thậm chí là cả trăm triệu đồng một tháng. Số tiền trong mơ của không ít lao động mẫn cán ngày đêm cần cù “cày cuốc”.

2. Kinh doanh thời trang onlie đang thu hút giới trẻ

Huyền Anh trong câu chuyện có thật phía trên chỉ là một trong số hàng ngàn, hàng trăm ngàn bạn trẻ đang bị hút vào khu chợ ảo trên các trang web mua sắm, yahoo, facebook. Với lợi thế nhanh gọn, tiết kiệm chi phí và hết sức kín đáo, riêng tư, các công cụ internet đã hỗ trợ rất nhiều cho việc kinh doanh của các bạn trẻ, đặc biệt là những thanh niên thừa ý tưởng nhưng thiếu vốn trầm trọng.

Tuấn Hùng là một lưu học sinh tại Anh. Với mong muốn kiếm thêm tiền tiêu, anh mở một facebook bán hàng xách tay. Phương thức đơn giản mà chả tốn xu nào được anh triển khai như sau. Tuấn Hùng đăng tải các sản phẩm cùng thông tin lên “cửa hàng”. Anh gửi đến bạn bè và đính facebook của họ vào hình ảnh sản phẩm như một cách quảng bá.

Khách muốn mua hàng nào thì chuyển khoản 70 đến 100% số tiền sản phẩm (theo giá bán của thương hiệu), cộng với chi phí vận chuyển và tiền hoa hồng cho anh. Sau khi nhận được tiền của khách, Tuấn Hùng mới mua và chuyển hàng về Việt Nam.

Hệ thống làm việc của anh hoạt động khá chặt chẽ và thông minh. Tuấn Hùng thoải mái nhâm nhi cà phê ngồi rung đùi ở Anh trong khi tiền tự chuyển về tài khoản, hàng cũng tự chuyển đến khách. Đơn giản vì anh có các cộng sự tại quê nhà. Không chỉ vậy, anh chàng còn tận dụng được các anh em, họ hàng bạn thân tại các thành phố lớn như Hà Nôi, Sài Gòn, Hải Phòng, Đà Nẵng… Từ đây, mối hàng sẽ giao đến tận cửa cho các “thượng đế”.

Tiết lộ của Tuấn Hùng khiến người viết bài thực sự choáng. Hệ thống buôn bán của anh chàng sinh viên gầy còm này mỗi tháng thu về thường thường là hai, ba trăm triệu. Không kể những vụ cao điểm như mùa giáng sinh, mùa nghỉ lễ, các đợt sale. Những dịp đặc biệt là Valentine, 8-3, 20-10, thu nhập hậu hĩnh hơn nhiều.

Không cần phải “sờ tận tay, bắt tận mặt” sản phẩm mới dám đi buôn. Thực tế qua tìm hiểu cho thấy, có rất nhiều dân công sở, công chức cũng tham gia vào chợ ảo sôi động nhộn nhịp này. Với khả năng ngoại ngữ đủ để đọc và hiểu về đặc tính, chức năng của sản phẩm, các nữ công sở, nhân viên văn phòng đủ tự tin để tư vấn cho khách hàng dù có thể chưa một lần nhìn thấy sản phẩm trước đó

Nhiều nhân viên văn phòng kiếm thêm thu nhập để chi chả tiền bỉm sữa cho con bằng cách bán hàng thời trang trên mạng. Khách có thể đến xem sau giờ làm việc. Mỗi giờ nghỉ trưa, khi các đồng nghiệp khác hò hét với game, thút thít vì những mối tình lâm li bi đát xứ Hàn thì “những con ong chăm chỉ” lại cần mẫn tỏa đi khắp thành phố để giao hàng cho khách.

3. Những chiêu dụ khách tại chợ ảo

chiêu dụ khách mua hàng

Người ta nói, “phi thương bất phú” nhưng hiện nay giới trẻ và đặc biệt là những người buôn bán shop thời trang online thường hài hước truyền cho nhau câu “phi chiêu bất phú”. Tức là khi buôn bán cần đến những chiêu trò và tiểu xảo để hấp dẫn khách hơn nữa. Vì thực tế với thói quen tiêu dùng của người Việt, mua sắm online vẫn chưa có chỗ đứng và tạo được niềm tin thực sự.

Nhắc đến chiêu hút khách tại chợ ảo, người viết bài xin kể đầu tiên là “chiêu dụ khách bằng photoshop”. Đây là cách thường thấy với những bạn bán hàng online. Hàng nhập về, các bạn nữ mặc lên người rồi sử dụng điện thoại đời mới với những phần mềm ứng dụng kỹ thuật số để ghi lại.

Họ tạo dáng với những tư thế gợi cảm, khoe được vẻ đẹp nhất của cả người mẫu lẫn sản phẩm rồi dùng phần mềm đó “trang điểm” cho lung linh, hấp dẫn hơn. Không chỉ sử dụng điện thoại, những chiếc máy ảnh và cả phần mềm chỉnh sửa ảnh photoshop cũng vào cuộc. Tất cả với mục đích biến sản phẩm đẹp hơn thực tế nhiều lần. Và những khách hàng chỉ biết lựa đồ qua hình ảnh mà không có con mắt tinh ý hoặc sự nhạy bén về thời trang sẽ dễ dàng bị thu hút.

Một hình thức khác cũng rất thú vị và tinh ranh của các cửa hàng thời trang online đó là đăng tải những tin nhắn khen ngợi sản phẩm. Trình tự như sau, người bán hàng sử dụng một facebook hoặc một tài khoản hay số điện thoại khác, soạn tin nhắn với nội dung như: “Chị/ anh/ shop ơi! em nhận được hàng rồi, đẹp quá, thích mê li!”. “Shop ơi, hàng ngon, cảm ơn nhiều!”. ” Hàng chuẩn đét, cảm ơn shop nhé!”. “Bao giờ có hàng đẹp tag mình nhé!”.. vv…vv. Sau đó tự gửi vào tài khoản facebook hay điện thoại của mình để khoe với khách hàng khác.

Hay tại một bức hình giới thiệu sản phẩm, nhiều ông bà cô cậu chủ đã nhờ bạn bè vào bình luận là khen ngợi, hỏi mua sao cho càng nhận được nhiều lượt thích “like” và bình luận càng tốt. Điều đó cho thấy món hàng nhận được đông đảo sự quan tâm của người mua.

Ngoài ra, việc dùng các cô gái trẻ có vóc dáng thật gợi cảm để mặc rồi chụp ảnh quảng cáo cho sản phẩm cũng là chiêu thức quen thuộc. P**.Shop là một cửa hàng ảo sử dụng chiêu này rất khôn khéo. Cô chủ có thân hình cực kỳ sexy lại cộng thêm làn da trắng nõn. Với lợi thế trời ban và tự tạo, cô chủ kiêm “nàng thơ” của của hàng liên tục tung lên những bộ ảnh mỹ miều. Nhưng qua tìm hiểu, nhiều khách hàng than thở là “ngắm mẫu mặc đẹp quá mà mua về thì không tài nào mặc được.”

Với những nét phác thảo đơn giản, có lẽ độc giả đã phần nào hiểu được một phần của khu chợ online nhộn nhịp trên. Tuy nhiên để hiểu sâu và kỹ hơn về nghề kinh doanh thời trang online, mời các bạn cùng đón đọc kỳ tiếp theo.

Theo Khám Phá

Thêm bình luận

Họ tên
Email
Nữ doanh nhân