Mặc cũng như không
Tình trạng thiếu nữ ăn mặc hở hang đã được nhắc đến từ lâu. Nhưng ở Sài Gòn, có lẽ chưa bao giờ thời trang hở trên hở dưới của giới trẻ lại nhan nhản như thời gian gần đây theo mốt áo không quần, quần chẽn, áo cũn cỡn, áo ren xuyên thấu...
Trên phố, dễ đập vào mắt người đi đường hình ảnh thiếu nữ mặc mà như hông hoặc để hở cả những phần “nhạy cảm”. Không chỉ trong những hoàn cảnh như đi bar, tập thể dục, nhiều bạn gái ăn vận thiếu vải xuất hiện ở cả những nơi cần sự trang nghiêm như công sở, văn phòng, trường học, thậm chí cả chùa chiền.
Hình ảnh ăn mặc mát mẻ lại dễ bắt gặp nhất ở các sân trường, giảng đường đại học. Những chiếc quần chẽn, áo hai dây, áo ren hay đủ kiểu ăn mặc khó coi xuất hiện nhan nhản ở nhiều giảng đường.
Vào giờ trưa tại một trường ĐH nằm ở Q.7, TPHCM, nhiều nữ sinh lồ lộ da thịt với những chiếc áo dài, quần chẽn ngắn cũn "mặc mà như không" hoặc khoác những bộ cánh "mỏng manh như màng nhện" tung tăng giữa sân trường. Nhiều người ái ngại, khó chịu nhưng nhiều SV cũng đã quá quen thuộc với hình ảnh này.
Việc ăn mặc hở hang, dùng nhiều bộ quần áo tiện lợi có thể mang đến cho họ cảm giác thoải mái nhưng thật sự không phù hợp và gây phản cảm ở môi trường sư phạm.
Phản cảm, kỳ quái
Trong một chương trình chia sẻ về giáo dục giới tính, Bác sĩ – thạc sĩ Nguyễn Lan Hải cho hay, hiện nay đang có một nghịch lý: nhiều cô gái “đứng đường” ăn mặc rất kín đáo để làm “rau sạch”, còn nhiều nữ sinh, con nhà lành lại ăn mặc như... gái làng chơi.
“Thời trang hở hang xuất hiện ở mọi nơi, mọi chỗ, vào đến cả giảng đường đến mức gây khó xử cho các bạn nam, không biết phải tránh ánh nhìn đi đâu để không mang tiếng là dê xồm”, ThS Lan Hải bày tỏ.
Theo chuyên gia này, giới trẻ đang chịu rất nhiều tác động bởi thời đại công nghệ số như văn hóa “net”, văn hóa quảng cáo... Hình ảnh ăn mặc “lộ hàng” xuất hiện nhan nhản như ca sĩ đi hát nhưng mặc phải hở, quảng cáo nước ngọt phải là những cô gái khoác đồ mỏng tanh. Lối sống hiện đại nặng về văn hóa nhìn dẫn đến nhiều bạn trẻ ngộ nhận rằng, hở hang là đẹp, là hấp dẫn.
Một giảng viên trường ĐH Văn hóa TPHCM cho rằng, văn hóa học đường đang bị coi nhẹ, có thể nhìn thấy rõ qua việc ăn mặc của SV hiện nay. Nhiều bạn đến trường với trang phục rất khó coi, kết hợp thiếu thẩm mỹ, hở hang. SV phô trương thân thể của mình mà không ngại ngần và còn coi đây là một cách thể hiện cá tính cá nhân.
Hầu hết các trường ĐH không quy định, kiểm tra khắt khe về trang phục như ở phổ thông nên SV khá thoải mái trong việc ăn mặc. Tuy nhiên, nhiều SV đã không ý thức đâu là giới hạn nên họ đã tự biến mình trở nên kỳ quái, phản cảm và gây ảnh hưởng đến môi trường chung.