Chủ Nhật, Ngày 22 Tháng 12 Năm 2024

Loại "Viagra" Võ Tắc Thiên tin dùng, gà trống ăn đạp mái liên tục

Thứ Ba, 21/01/2014 10:50
Đây là vị thuốc gắn liền với bài thuốc "xuân dược" có tên "Thốc kê hoàn" đem đến sự sung mãn cho nữ hoàng nổi tiếng lịch sử phong kiến Trung Hoa Võ Tắc Thiên.

Trong số những thảo dược có tác dụng hỗ trợ tích cực cho đời sống phòng the thì nhục thung dung  là vị thuốc có lịch sử sử dụng lâu đời nhất, nhì trong Đông y.

Từ khoảng 2.000 năm trước, nó đã có mặt trong các bài thuốc bổ thận, tráng dương, tăng cường thể lực cho quý ông và có tên trong sách “Thần Nông bản thảo kinh” - bộ sách thuốc cổ nhất của Đông y học. Điều đặc biệt là loài cây này vốn sống ký sinh trên rễ của các loại cây lớn trên sa mạc, chỉ khi đến mùa xuân tiết trời ấm áp nó mới nhô lên mặt đất.

Nhục thung dung được mệnh danh là “dũng sĩ sa mạc” bởi nó có thể tồn tại được dưới khí hậu khắc nghiệt nhờ lớp lá vẩy dày.

“Nhân sâm sa mạc”

Người ta thường ví von nhục thung dung là “nhân sâm sa mạc” bởi loài thảo dược quý này chỉ mọc ở các vùng hoang mạc đầy cát và nắng. Nó không phải loài thực vật thông thường mà là loài ký sinh, phải sống nhờ hàng năm trên rễ của cây khác. Nó phải chọn những thân cây chủ có rễ khỏe, xuyên sâu vào lòng đất, có thể hút được nước từ dưới tầng đất sâu để chịu nắng hạn và bão tuyết. Sau đó hệ rễ của nó sẽ bám chặt vào hệ rễ của cây chủ để hấp thụ các chất dinh dưỡng. Vào mùa xuân, khi khí hậu ấm áp, mầm cây mới có thể đâm thủng mặt đất để mọc nhô lên trên.

Bề ngoài, nhục thung dung nhìn giống như một cái chày với đầu hơi nhọn, bên ngoài phủ kín lớp lá vẩy màu vàng lóng lánh như ngọn tháp vàng, rất hoành tráng. Chính nhờ lớp vẩy này mà cây có thể tránh bị mất nước và chịu đựng được điều kiện khí hậu khắc nghiệt.

Cây thường cao khoảng từ 15-30cm, có khi tới hàng mét. Vào các tháng 5, tháng 6 cây ra hoa dày đặc; hoa mọc ra từ chóp (phần ngọn), màu vàng nhạt, hình chuông, xẻ 5 cánh, cánh hoa màu xanh hoặc tím nhạt; tới các tháng 6, tháng 7 kết quả, nhỏ li ti, màu xám.

Phần thân rễ phát triển thành củ, người ta dùng bộ phận này để làm thuốc. Củ to mập, mềm, nhiều dầu, ngoài có vẩy mịn, mềm, mầu đen là có chất lượng tốt. Vị thuốc này còn có những tên khác như nhục tùng dung, thung dung, địa tinh (nghĩa là tinh chất của đất), kim duẩn (là cây măng vàng), đại vân, hắc tư lệnh (vì có tác dụng bổ thận mạnh)…

Từ hàng ngàn năm nay, vị thuốc nhục thung dung đã được tôn vinh như một loại “thần dược” của đấng mày râu và còn được thêu dệt bởi một truyền thuyết hết sức ly kỳ. Theo đó, loài thảo dược kỳ lạ này vốn là một loại nấm đặc biệt, rất quý hiếm vì chỉ mọc lên từ những chỗ mà tinh dịch của con ngựa bạch đực rớt xuống khi giao phối với ngựa cái… Chính vì vậy mà nó có tác dụng vô cùng mạnh mẽ đối với cánh mày râu trong việc tăng cường bản lĩnh đàn ông.

Truyền thuyết trên tuy chỉ là sản phẩm trí tưởng tượng của dân gian nhằm tôn vinh công dụng của vị thuốc nhục thung dung nhưng nó cũng đã phản ánh phần nào đúng thực tế.

Theo Đông y, nhục thung dung có vị ngọt, mặn, tính ấm; vào 2 kinh thận, đại tràng; có tác dụng bổ thận, ích tinh, nhuận táo, hoạt tràng. Chủ trị nam giới liệt dương (dương nuy), nữ giới không có thai, đới hạ (nhiều khí hư), băng lậu, lưng gối lạnh đau, cơ bắp không có sức, huyết khô tiện bí (táo bón do huyết khô).

Trong các sách y dược cổ, nhục thung dung cũng đều được ghi lại là loại thuốc bổ có tác dụng bổ thận, tráng dương, tăng cường sinh lực cho nam giới. Sách “Nhật Hoa Tử bản thảo” viết: “Nhục thung dung nhuận ngũ tạng, trưởng cơ nhục, ấm lưng gối”. Sách “Trung Dược Học” viết: “Nhục thung dung bổ thận dương, ích tinh huyết, nhuận trường, thông tiện”. Sách “Đông Dược Học Thiết Yếu” viết: “Nhục thung dung bổ thận dương, thông nhuận đường ruột”…

Vị thuốc có mặt trong hầu hết các bài “xuân dược”

Nhục thung dung thường thấy ở vùng sa mạc Nội Mông, một số tỉnh khác ở phía Bắc Trung Quốc, vùng Sa-bia-ria và Viễn Đông nước Nga; ở Việt Nam rất ít thấy. Hiện tại ở nước ta vị thuốc này hoàn toàn phải nhập khẩu.

Tại những nơi có cây mọc, người ta thu hoạch vào hai mùa xuân và thu. Loại thu hoạch vào mùa xuân gọi là điềm thung dung (thung dung ngọt), loại thu hoạch vào mùa thu gọi là đạm thung dung (thung dung nhạt). Điềm thung dung là loại dược liệu chất lượng cao vì có chứa nhiều loại hoạt chất. Như vậy, chọn loại thu hoạch vào mùa xuân vẫn là tốt nhất.

Các kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, hàm lượng hoạt chất sinh học trong nhục thung dung rất phong phú. Theo “Từ điển các vị thuốc dưỡng sinh hiện đại” (Hiện đại dưỡng sinh bảo kiện trung dược từ điển) thì nhục thung dung có chứa các chất như: boschnaloside, orobanin, 8- epilogahic acid, betaine, nhiều loại acid hữu cơ và trên 10 acid amin.

Những chất này có tác dụng kiềm chế quá trình lão suy và kéo dài tuổi thọ, tăng thể lực, tăng cường khả năng miễn dịch, có tác dụng hạ huyết áp ở mức độ nhất định và có tác dụng như một loại hormone sinh dục. Ngoài ra còn có khả năng kích thích, điều tiết hoạt động của tuyến thượng thận, khắc phục tình trạng chức năng tuyến thượng thận bị suy giảm và dẫn tới các bệnh liên quan.

Như vậy có thể thấy, nhục thung dung là vị thuốc bổ, với nhiều tác dụng quý, không chỉ đối với cánh mày râu mà cả với phái đẹp.

Bài thuốc “Thốc kê hoàn” nổi tiếng của Võ Tắc Thiên cũng có sự góp mặt của nhục thung dung (Ảnh minh họa)

Lương y Vũ Quốc Trung, Phòng chuẩn trị Y học cổ truyền chùa Cảm Ứng cho biết, nhục thung là vị thuốc đông y có tác dụng bổ thận, tráng dương được sử dụng từ lâu. Nó có mặt trong hầu hết các bài thuốc “xuân dược” tăng cường bản lĩnh phòng the cho phái mạnh.

Cách chế biến và sử dụng nhục thung dung cũng khá phong phú; có thể nấu cùng các loại thực phẩm khác, ngâm rượu hoặc làm thành viên thuốc. Đặc biệt, nhục thung dung nấu cùng với thịt dê, gạo tẻ, hành, gừng thì càng tăng cường tác dụng ổn bổ ích khí.

Cách nấu món cháo này như sau: Dùng nhục thung dung từ 11 - 22g, thịt dê 75g, gạo tẻ 75g. Nhục thung dung rửa sạch cho vào nồi đất nấu nhừ, lấy nước nầu cháo với thịt dê và gạo tẻ. Sau khi nấu sôi thì cho thêm muối, gừng tươi, hành trắng mỗi thứ một ít vừa đủ. Ăn nóng vào buổi sáng và tối khi bụng đói, có công năng ích gan thận, bổ tinh huyết, kiện tỳ vị, nhuận tràng, thông tiện.

Lương y Vũ Quốc Trung cũng giới thiệu thêm một số bài thuốc “bổ thận, tráng dương” có nhục thung dung như sau:

Bài 1: Nhục thung dung 20g, thận dê 1 quả; thận dê làm sạch sau đó thái mỏng ướp mắm muối rồi cho nhục thung dung vào, đổ nước vừa phải, hầm cách thủy một tiếng. Bài thuốc này có tác dung bổ thận khí, ích tinh huyết, tráng dương, thích hợp với người rối loạn cương, mỏi gối, đau lưng, tiểu tiện ban đêm nhiều lần do thận hư gây nên; cần ăn từ 7 - 14 ngày.

Bài 2: Thận dê 1 đôi, dương vật dê 1 cái, nhục thung dung 15g, khởi tử 15g, ba kích 15g, sơn dược 15g, thục địa 15g, táo tàu 15g. Cho vào nồi đất hầm cách thủy 1 tiếng. Có tác dụng ích tinh, bổ huyết, tráng dương, bổ thận khí giúp cơ thể cường tráng, tăng cường trí nhớ.

Bài 3: Nhục thung dung 20g, thục địa 20g, tơ hồng 12g, sơn thù du 15g, viễn chí 10g, sơn dược 10g, nhung hươu 0,6g, ngũ vị tử 6g. Sắc đặc lấy nước uống. Cần uống ít nhất 7 thang trong 7 ngày. Riêng nhung hươu sau khi sắc được thuốc thì nuốt với nước thuốc. Có tác dụng cường dương ích khí, động phòng bất thống…

 

Là vị chính trong bài “xuân dược” nổi tiếng của Võ Tắc Thiên

Gắn liền với sự sung mãn của nữ hoàng nổi tiếng lịch sử phong kiến Trung Hoa Võ Tắc Thiên là bài thuốc “xuân dược” có tên “Thốc kê hoàn”.

Tương truyền, đến những năm Võ Tắc Thiên quá tuổi trung niên, khả năng sinh lý đã giảm, bà cho mời ngự y đến để nghiên cứu, tìm thuốc “hồi xuân”. Ngự y đã tìm và chế thuốc mang dâng nữ hoàng. Ông tâu rằng, sau khi uống thuốc xong chỉ trong nháy mắt là có thể hưởng được lạc thú của tuổi thanh xuân. Từ đó ngày nào Võ Hậu cũng dùng thuốc “hồi xuân” và vô cùng hài lòng vì hiệu quả thật bất ngờ.

Chuyện còn kể rằng thời đó có quan Thái thú Lã Cung Đại đã 70 tuổi chưa có con vì bất lực, ông đã dùng bài thuốc “hồi xuân” học lỏm được của Võ hậu mà sinh được 3 con trai. Từ khi sinh con ông không dùng thuốc nữa. Số thuốc chưa dùng hết ông bèn vứt ra vườn, ai ngờ có con gà trống chạy đến mổ thuốc ăn sạch, ăn xong liền đi tìm gà mái đạp ngay. Vừa đạp vừa mổ đầu gà mái làm gà mái trọc cả đầu. Vì thế nên bài thuốc này mới có tên là “Thốc kê hoàn” (thốc là trọc đầu; kê là gà; hoàn là viên).

Theo các tài liệu y học Trung Hoa ghi lại thì “Thốc kê hoàn” gồm các vị thuốc sau: nhục thung dung 40g, ngũ vị tử 30g, viễn chí 40g, xà sàng tử 25g, chỉ thực 25g, tục đoạn 40g. Tất cả tán mịn, dùng dạng bột hoặc dùng nước hồ gạo hòa tán nhuyễn làm thành viên.

Theo Soha

Thêm bình luận

Họ tên
Email
Nữ doanh nhân