Chủ Nhật, Ngày 12 Tháng 1 Năm 2025

Xuân ấm áp với các tuyển thủ nữ Việt Nam

Thứ Ba, 28/01/2014 12:03
Với khoảng thưởng 3 tỷ đồng từ ngôi á quân SEA Games 27 (sau khi trừ thuế còn 2,7 tỷ đồng), mỗi cầu thủ trụ cột của đội tuyển nữ Việt Nam nhận hơn 120 triệu đồng tiền thưởng, để đón cái Tết ấm áp hơn…

Hơn 120 triệu đồng/người chưa phải là con số quá to tát đối với thu nhập cao ngất ngưởng của một cầu thủ nam, nhưng với các cô gái đá bóng, đó là phần thưởng không hề nhỏ.

Thu nhập của cầu thủ nữ vốn “ba cọc ba đồng”, tiền thưởng tết của họ từ CLB cũng chẳng thấm vào đâu. Thế nên, khoản tiền thưởng từ tấm HCB môn bóng đá nữ SEA Games 27 sẽ giúp cho họ đỡ khó khăn hơn.

Khác với các đồng nghiệp nam đều thuộc loại giàu có, các cầu thủ nữ, kể cả những người rất nổi tiếng như quả bóng vàng Kiều Trinh, hay cựu quả bóng vàng Kim Chi đều khó khăn hơn nhiều.

Nếu như các đồng nghiệp nam được tập trung trong những khách sạn hạng sang, thì các cầu thủ nữ, kể cả với đội bóng nữ TPHCM vốn nổi tiếng có điều kiện nhất nước vẫn chỉ được ở trong khu nhà bình dân bên góc sân Tao Đàn (Q.1 – TPHCM).

Mong mùa xuân ấm áp đến với các cô gái đá bóng 


Nếu như các đồng nghiệp nam sau mỗi trận thắng ở V-League được thưởng chục triệu này chục triệu nọ, thì với các cầu thủ nữ, khoản thưởng Tết của họ đôi khi chỉ gọi là chút quà, chút tình với thùng mì gói hay nửa ký lạp xưởng.

Chẳng thế mà từ nhiều năm nay, từ người đã treo giày như Kim Chi, hay ngôi sao đương thời như Kiều Trinh đều chỉ có một mong ước thật giản dị: “Mong mọi người quan tâm đến bóng đá nữ hơn một chút. Bóng đá nữ được quan tâm hơn một chút thì đời sống của các chị em sẽ đỡ khổ hơn một chút” – họ từng nói vậy.

Nói thế để thấy rằng khoản thưởng từ SEA Games 27 quá có ý nghĩa với các cô gái đá bóng trên tuyển. Với những cầu thủ thi đấu chính thức như Kiều Trinh, Kim Hồng, Lê Thị Thương, Ngọc Anh, Nguyễn Thị Nga… con số hơn 120 triệu đồng/người là con số quá lớn.

Với những người thuộc loại B nhận 98 triệu đồng/cầu thủ, con số ấy cũng chẳng hề nhỏ so với thu nhập bèo bọt của họ.

Có thêm tiền thưởng, Kiều Trinh sẽ có thêm điều kiện lo cho cha mẹ, cho em gái ở quê nhà Sa Đéc (Đồng Tháp), để các cô gái đá bóng thực hiện những ước mơ nhỏ nhoi của mình.

Cầu thủ xuất sắc nhất Đông Nam Á 2012, cũng như cầu thủ đang giữ quả bóng vàng Việt Nam Kiều Trinh từng nói rằng: “Nếu được chọn lại, em vẫn chọn nghề đá bóng, dù có khổ như bây giờ hay khổ hơn thì em vẫn chọn”.

Nhưng cũng chính Kiều Trinh cho biết cô không bao giờ muốn em mình đi theo nghiệp quần đùi áo số, bởi “đời cầu thủ, nhất là đời cầu thủ nữ cực quá, mong em của em có đời sống tốt hơn, tương lai tốt hơn!”.

So sánh giữa bóng đá nữ và bóng đá nam có lẽ so sánh mãi vẫn thấy khập khiễng, vì bóng đá cơ bản là thế, không chỉ riêng ở Việt Nam và hầu hết ở các quốc trên thế giới đều có sự khập khiễng như vậy, kể cả về mặt thu nhập.

Bóng đá nam cơ bản là dễ thu hút nhà tài trợ hơn, dễ kiếm tiền hơn bóng đá nữ, nên những khoàn đầu tư cho bóng đá nam luôn cao hơn là điều đương nhiên. Nếu có một mong ước cho các cô gái đá bóng trước thềm năm mới, có lẽ cũng chỉ mong như họ từng mong: “Mọi người quan tâm hơn đến các cầu thủ nữ một chút, để đời sống của cầu thủ nữ đỡ cực hơn một chút”.

Đôi khi chỉ một chút thôi, nhưng cũng có thể làm ấm lòng các cô gái, để họ vẫn còn thấy lối ra mà phấn đấu. Để họ còn có những mùa xuân ấm áp như mùa xuân năm nay đối với các tuyển thủ quốc gia, rồi đặt niềm tin vào đấy để tiếp tục tranh suất lên tuyển, vẫn còn thấy việc được khoác áo đội tuyển quốc gia là xứng đáng.

Mong ước của các cầu thủ nữ trước thềm năm mới luôn rất đơn giản, không cao xa cũng chẳng viễn vông. Còn với những ai còn quan tâm đến bóng đá nữ, cũng chỉ mong họ có những mùa xuân ấm áp, còn thấy có lối ra để họ đừng bỏ nghề! 

Theo dantri.com.vn

Thêm bình luận

Họ tên
Email
Nữ doanh nhân