Xuất thân từ gia đình nghèo khó, với cảnh “đói cha khát mẹ” Hồng thấu hiểu cảnh đói nghèo nên rất thương người. Hoàng Thị Hồng luôn tâm niệm muốn giúp được người thì bản thân phải biết tự lập, sống có bản lĩnh và phấn đấu làm giàu.
Chị hiểu được lời các bậc hiền tài xưa đã dạy “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Trong kinh doanh, hiệu quả thu được ngoài phần nộp đúng đủ cho ngân sách cho Nhà nước, trang trải nâng cao đời sống cho người lao động trong công ty, một phần tích lũy cho SX, chị còn quan tâm đến công tác xã hội, đền ơn đáp nghĩa và làm từ thiện.
Công ty của chị thành lập từ năm 2005, mới chưa đầy 6 năm vừa sản xuất kinh doanh thành đạt, chị còn giúp đỡ, hỗ trợ được rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn và tiến cúng xây dựng nhiều công trình văn hoá tâm linh.
Một số công trình tiêu biểu chị đã tiến cúng xây dựng như: Chùa Linh Giáp - Viễn Sơn ở núi Đối huyện kiến thuỵ - Hải Phòng, Đền Ngã ba sông ở xã Đông Hoà - huyện Đông Hưng, Đền thờ bát Bát Nạn Tiên La, Đền thờ vua Trần xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, TB.
Bằng tấm lòng thành thật và tâm đức của mình, chị tiến cúng lễ vật, và kinh phí góp phần phục vụ đại lễ ở Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn; Thành cổ Quảng Trị, Đền thờ 10 nữ thành niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc, núi Nhồi, đền Đô - tỉnh Bắc Ninh...
Trong gia đình, Hoàng Thị Hồng đã có công lớn về hành trình “đi tìm hài cốt liệt sĩ anh chồng”. Suốt 6 năm trời, từ 2001 - 2007, chị lãnh đạo Công ty kinh doanh có lãi, bên mình canh cánh nỗi nhớ thương người anh ruột của chồng đã mất, người bác ruột của các con.
Anh là liệt sĩ Tô Bá Nhãn, sinh năm 1950, đi bộ đội năm 1968, vào chiến trường miền Nam ở Trung đoàn 424 trinh sát Quảng Trị. Gia đình nhận được giấy báo tử anh Tô Bá Nhãn hy sinh ngày 27/5/1970 nhưng không rõ phần mộ ở đâu.
Chị phải kết hợp nhờ nhà ngoại cảm tìm hộ, 6 năm ấp ủ suy nghĩa tìm hài cốt anh chồng, có thời gian chị phải ngồi tới 15 ngày xếp hàng từ 5 giờ sáng tới 5 giờ chiều chầu chực, ăn cơm hàng chờ đợi vất vả vì thời tiết nóng bức, vì phải nghe thấy lời nói: Có phải anh ruột cô đâu mà chịu vất vả thế.
Trên đời này chưa thấy em dâu đi tìm hài cốt anh chồng. Việc đi tìm hài cốt liệt sĩ anh chồng rất vất vả, lúc thì lên bìa rừng tìm, lúc thì xuống ven biển, nghe nói ở đâu chị đều cố gắng cùng gia đình đi tìm.
Phép mầu nhiệm nào hay quý nhân phù trợ đã giúp chị tìm được địa chỉ bà cụ tên Lành ở xã Do Hải, huyện Hải Lăng, Quảng Trị trên sơ đồ nhà ngoại cảm chỉ dẫn. Bà cụ Lành nói còn nhớ rất rõ cái đêm cuối cùng anh Tô Bá Nhãn ốm mà vẫn ra đi làm nhiệm vụ, vì anh là bộ đội trinh sát đặc công.
Anh Nhãn còn nói lại với cụ: “Chết xanh cỏ, sống đỏ ngực”. Một cuộc chiến thầm lặng, anh đã hy sinh anh dũng trên mảnh đất này. Bà con xã Do Hải đưa anh về chôn cất tại một địa điểm trong xã bên giếng nước trong xanh, gần cây đa có ngôi chùa cổ. kết hợp nhiều tình tiết âm, dương, gia đình chị đã may mắn tìm thấy phần mộ hài cốt liệt sĩ Tô Bá Nhãn.
Đảng uỷ, UBND xã cùng bà con thôn xóm và gia đình làm lễ đón liệt sĩ Tô Bá Nhãn về chôn cất anh ở nghĩa trang quê nhà tại xã Thuỵ Hải, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình trong niềm xúc động và tiếc thương sâu sắc.
Là người đã sống, chiến đấu tại chiến trường trong Sư đoàn 304 anh hùng, tôi đã từng chôn cất đồng đội hy sinh tại Quảng Trị, Thượng Đức…
Lần này, thắp hương tưởng niệm liệt sĩ Tô Bá Nhãn, tôi không khỏi bùi ngùi xúc động nhớ lại đồng đội đã khuất và những kỷ niệm đã qua của thời trai trẻ ở chiến trường Quảng Trị, Thượng Đức tỉnh Quảng Đà năm xưa…
Hoàng Thị Hồng từ gian khó đi lên, xây dựng sự nghiệp thành công từ hai bàn tay trắng. Cuộc đời doanh nhân Hoàng Thị Hồng nhiều nụ cười hôm nay còn quá khứ tuổi thơ không biết bao nhiêu lần trào nước mắt.
Nhà nước và cộng đồng xã hội đã phong tặng cho chị nhiều danh hiệu cao quý và những tên gọi ấm áp nghĩa tình: “Bông hồng vàng”, “Doanh nhân tâm tài”, “Doanh nhân tiêu biểu thời hội nhập”, “Trái tim nhân ái”...
Sau khi nghe tâm sự về đời tư của chị, bà Nguyễn Thị Doan - Phó chủ tịch nước rất quý mến đã tặng cho Hồng những tình cảm với lời nói thân thương.
Hoàng Thị Hồng là con người năng động và mang tính nhân văn sâu sắc. Hồng không có cây “bút sắc” nhưng có tấm “lòng trung” và đôi “mắt sáng”. Chính vì thế, nhiều nhà văn, nghệ sĩ đã tìm đến chị để khai thác tiềm năng con người với giá trị Chân - Thiện - Mỹ.
Văn hoá tâm linh của Hoàng Thị Hồng được thể hiện trong tâm thức và hành động, với quan điểm luôn hướng về nguồn cội, uống nước nhớ nguồn, thương người như thể thương thân, nhất là người có công với xã hội, người gặp hoàn cảnh khó khăn, tri ân với người đã khuất vì nghĩa cả.
Trong gia đình, chị là “người xây tổ ấm” với công sức như của “người đương thời”: Nuôi dạy con thành đạt, thương chiều chồng và yêu quý mọi người. Chị đã cùng giúp chồng làm được việc “Tiên trị gia” theo lời ông cha đã dạy.
Thời gian tới, chị đã có ý tưởng lớn xây dựng và mở rộng lĩnh vực hoạt động của Công ty, lãnh đạo Hội Doanh nhân nữ triển khai dự án thành lập Bệnh viện điều trị bệnh và nuôi dưỡng người già, một vấn đề xã hội chưa mấy ai làm được.
Cơ sở điều trị, nuôi dưỡng không chỉ cho người già yếu mà còn nuôi dưỡng thương binh, người không nơi nương tựa. Tôi cho rằng làm được những việc như thế, xã hội sẽ tốt đẹp lên rất nhiều.
Hiện nay, ngoài trọng trách TGĐ - Chủ tịch Hội đồng quản trị - Bí thư chi bộ Đảng Công ty Cổ phần DL & TM Hải Bình, Hoàng Thị Hồng còn là Uỷ viên BCH phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Uỷ viên BCH Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, Ủy viên BCH Hiệp hội DN tỉnh Thái Bình, Chủ tịch Hội nữ Doanh nhân Thái Bình.
Hàng ngày chị vẫn khiêm tốn, hăng say và khát vọng được cống hiến nhiều hơn cho xã hội, cho quê hương và cho gia đình. Thành quả chị đã đạt được phải chăng bắt nguồn từ bản lĩnh trí tuệ và sự giúp đỡ của cộng đồng.
Cùng với nỗ lực của bản thân, sự giúp đỡ của tập thể, Hoàng Thị Hồng đã thành công trong xây dựng cuộc sống gia đình và tập thể đơn vị mà chị dã và đang đảm nhận.