Chủ Nhật, Ngày 22 Tháng 12 Năm 2024

Văn hóa Việt: Nội kháng và ngoại xâm

Thứ Năm, 15/05/2014 12:00
Với một đất nước, sự trường tồn văn hóa là tối thượng. Người ta có thể nói rất nhiều, rất khác nhau về văn hóa của một quốc gia, nhưng ai cũng phải công nhận một điều: một quốc gia nếu để mất văn hóa của mình, là một quốc gia chết.

 


Nhiều lồng đèn ngoại vẫn được treo tại nhiều sự kiện trong nước (ảnh minh họa) - Ảnh: Thúy Hằng

 

Hội nghị Trung ương Đảng lần này đã nhận rõ điều đó. 15 năm thực hiện đề cương văn hóa của Đảng, những cái được và không được đã phơi bày ngay trong xã hội. Những nghị quyết, những định hướng văn hóa dân tộc của Đảng là đúng, nhưng để nó có thể phát huy trong cuộc sống, nó trở thành kim chỉ nam về văn hóa cho xã hội và con người thì thật không dễ dàng.

Nhiều khi, chính những cơ quan điều hành, quản lý hay thực thi văn hóa trong thực tế lại làm trái những gì đúng đắn mà đề cương văn hóa của Đảng đã chỉ ra. Văn hóa mênh mông mà cụ thể. Chỉ đơn cử một chuyện nhỏ mà không nhỏ. Đó là những con lân hay con sư tử bằng đá được sản xuất hàng loạt và “trang bị” cho các đình chùa miếu mạo, cho cả tư gia những “đại gia” ở Việt Nam.

Trong khi điêu khắc đình chùa Việt Nam đã có hình tượng con chó đá rất Việt và rất dễ thương, sau này lại có con nghê đá trông vẫn có những nét riêng rất Việt, thì trong những năm gần đây, hình tượng con lân, đặc biệt là con sư tử hung dữ và xa lạ, đặc trưng cho điêu khắc Trung Quốc lại trở thành “con vật linh” chuyên “trấn giữ” các đình chùa Việt Nam.

Nhiều người giàu có, khi muốn cung hiến cho chùa, đã mua hoặc đặt làm những con lân đá hoặc sư tử đá “nguyên gốc Tàu” và hồn nhiên hiến tặng chúng cho những nhà chùa Việt Nam. Các nhà chùa Việt Nam cũng vô tư hân hoan đón nhận những “món quà” này mà không cần băn khoăn tự hỏi chúng được sinh ra từ đâu, chúng có phải là linh vật của người Việt không? Nói văn hóa dân tộc còn hay mất, chỉ cần đưa ra một ví dụ nhỏ như thế đã đủ thấy.

Đừng coi thường những chuyện nhỏ. Nhiều khi, văn hóa hay phản văn hóa lại xuất phát từ những điều bình thường như thế. Như chuyện cái đèn lồng. Không biết, đã có nhà văn hóa nào ở Việt Nam cất công tìm hiểu nghiên cứu xem người Việt mình ngày xưa có xài đèn lồng không, và cái đèn lồng thuần Việt nó như thế nào? Nếu có song song cả đèn lồng Việt và đèn lồng Trung Quốc, thì chúng khác nhau thế nào? Làm sao để phân biệt? Và chúng ta nên khuyến khích, thậm chí yêu cầu toàn quốc phải sản xuất và dùng loại đèn lồng nào? Việt hay Tàu? Nếu dùng đèn lồng Việt, thì hình mẫu của nó ra sao? Tất cả những điều ấy đều không được nói tới, mà nó là chuyện văn hóa dân tộc chứ còn là gì? Vậy nên mới có chuyện cả thành phố Lào Cai khi kỷ niệm ngày thành lập đã đồng loạt treo cao đèn lồng…Trung Quốc.

Tới khi báo chí rồi công luận kêu lên, mới từ từ gỡ xuống, cũng không nói như thế là hay hoặc dở. Cứ nói, cái đèn lồng ấy mà, đâu có ảnh hưởng gì tới Đề cương văn hóa dân tộc của Đảng, đâu có ảnh hưởng gì tới văn hóa Việt, nên tôi thấy cái nào đẹp thì tôi treo, cái nào rẻ mà bắt mắt hơn thì tôi dùng. Nói như thế thật dễ, nhưng nó cũng thật dễ để xóa đi những gì mà chúng ta chắt chiu bảo vệ phát huy cho nền văn hóa dân tộc từ bao đời nay. Văn hóa không hề là chuyện đao to búa lớn, nhiều khi nó rất bình dị thể hiện hằng ngày trong cuộc sống. Người Việt có văn hóa Việt, điều đó đã tồn tại mấy nghìn năm rồi. Nhưng những cái tồn tại mấy nghìn năm đó có thể bị xóa cực nhanh, nếu chúng ta không biết nhận ra, không biết bảo vệ, không biết tạo dấu ấn cho nó sống bền vững trong tâm thức người Việt đương đại và cả người Việt trong tương lai.

Văn hóa dân tộc luôn đồng hành với người dân trong cuộc sống hằng ngày. Người Việt mình có câu “Tiếng chào cao hơn mâm cỗ”, nhưng từ nhiều năm nay ở Hà Nội, người có văn hóa luôn bức xúc vì cai “danh” chả lấy gì làm hay ho của đất Tràng An: đó là thương hiệu “phở quát” và “cháo chửi”. Nghe rất quái dị, nhưng sự quái dị ấy là có thật, và nó tồn tại một cách bình thường trong một số quán ăn ở Hà Nội. Tìm hiểu sâu hơn nguyên do sinh ra những quán “phở quát” “cháo chửi” này, người ta mới giật mình: thì ra, nó bắt nguồn từ những năm Hà Nội đánh Mỹ.

Thời đó, loại hình dịch vụ phổ biến là “phở mậu dịch”, còn các quán phở tư nhân rất ít, và hình thức cũng rất khiêm tốn, rất lèo tèo. Ở những quán phở mậu dịch, chỉ phổ biến loại “phở không người lái” tức là phở không có thịt, dù là thịt bò hay thịt gà. Thay vào đó, chỉ có bánh phở và nước dùng được nêm bột ngọt (mì chính). Thực khách vui lòng chấp nhận, do hoàn cảnh chiến tranh nên thời ấy vô cùng cực khổ, thiếu thốn. Nhưng nhiều khi, thực khách rất dễ thương, còn mấy cô mậu dịch viên, có lẽ do phải phục vụ nhiều quá, rất mệt, nên không được dễ thương lắm. Các cô nói năng hơi nặng tiếng, dù chưa tới mức “quát” hay “chửi” nhưng cũng đã làm phật ý khách hàng. Còn ở những hàng phở tư nhân, có lẽ do phở nấu ngon hơn, “có người lái” hơn, nên khách rất đông.

Học được cách đối xử với khách hàng không mấy vui từ một số mậu dịch viên, lại luôn có ý thức mình đang “ban phát” những bát phở ngon cho khách hàng, lại do hoàn cảnh, nên quán sá chật hẹp, khách đông, xếp hàng mịt mù, càng có cơ hội cho những “quát” và “chửi” thi thố bản lĩnh. Có lẽ, “phở quát” hay “cháo chửi” ra đời từ đó. Chỉ có điều lạ, sau khi hòa bình đã quá nhiều năm rồi, Hà Nội đã thành một “thành phố hòa bình” rồi, thì “phở quát” và “cháo chửi” vẫn còn tồn tại như một “đặc sản của Thủ đô”. Cái ấy mới kỳ! Và từ chuyện ứng xử hằng ngày, nó đã chuyển sang câu chuyện của văn hóa, lại là văn hóa dân tộc. Người ta lại ngậm ngùi khi nhắc câu ca dao “Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” và “Tiếng chào cao hơn mâm cỗ” để nói rằng: văn hóa cũng “nhạy cảm” lắm, cũng dễ bị tổn thương lắm, và cũng dễ “đội nón ra đi” lắm, nếu ta không biết bảo vệ nó, giữ gìn nó, chăm sóc nó.

Có một chi tiết rất nhỏ, nhưng thuộc về văn hóa, mà tôi thấy sau bao nhiêu năm một số người ở Hà Nội (tôi nói “ở Hà Nội” chứ không nói “người Hà Nội”) chưa sửa được. Đó là, sau khi ăn sáng hay ăn trưa ở một quán ăn nào đó, ra đường, người ta cứ ngậm tăm đi ngời ngời giữa phố. Ngậm tăm đúng nghĩa đen, chứ không phải “ngậm tăm” là “không nói”. Làm như họ muốn khoe: ta vừa ăn xong đây! Cái thật nhỏ ấy cũng thuộc về văn hóa dân tộc, mà muốn khắc phục nó, quả không dễ.

Bây giờ về nông thôn, người ta hay kêu ca những tệ nạn mang “thương hiệu thành phố” đang đổ dồn tới những nơi vốn thanh bình, thanh sạch như chốn làng quê. Điều đó là có thật. Thậm chí là khá nặng nề. Những chuyện ấy, ban đầu là chuyện văn hóa, nhưng rất nhanh chuyển thành chuyện an ninh trật tự rồi cả chuyện hình sự. Vì sao như vậy ? Căn nguyên là do những giá trị “cũ”, thực ra là những giá trị đạo đức văn hóa truyền thống, đã bị gạt đi, bị xóa bỏ ở nông thôn, trong khi những giá trị gọi là “văn hóa mới” thì chỉ là hình thức, và không có gốc rễ, được áp đặt cho nông thôn nhưng nó thường bị “bật ra” một cách dễ dàng. Thiếu những chuẩn mực về cách sống, về đạo lý, về văn hóa, người thanh niên nông thôn đương đại như bị bật rễ khỏi chính làng quê của mình. Có một “khoảng rỗng văn hóa” tồn tại ngay giữa làng quê, thì lập tức, những làn sóng “xâm lăng văn hóa” từ nước ngoài tràn vào. Và làm mưa làm gió. 

Không còn bất cứ sự kiềm giữ nào về đạo đức và văn hóa truyền thống, lại không có điều kiện để học cao hơn trình độ phổ thông, người thanh niên nông thôn bây giờ, tuy có vẻ đứng trước nhiều sự lựa chọn văn hóa, nhưng thực ra, họ bị áp đặt một cách vô thức khi chọn lựa một loại văn hóa nào đó. Và thường là văn hóa ngoại lai, thấp kém nhưng có sức “thu hút”. Vì thế, họ rất dễ tiếp thu những “phản văn hóa”, những “ngoại xâm văn hóa” từ thành phố đổ về mà họ cho là thú vị, là hay. Điều ấy không khó hiểu. Nhưng có thứ “văn hóa đích thực” nào để thay cho những thứ “phản văn hóa” ấy không? Hình như chưa thấy.

Khi biển Đông căng thẳng do mưu đồ độc chiếm của Trung Quốc, thì đồng thời cũng xuất hiện hình thái “xâm lược mềm”. Chính từ đó, sự bức thiết của văn hóa dân tộc, của nội kháng văn hóa Việt đối đầu với ngoại xâm văn hóa đến từ Trung Quốc lại được đặt ra một cách mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Có thể coi “ngoại xâm văn hóa” cũng là một hình thức “xâm lược mềm”, nó nguy hiểm vì khó nhận ra, khó thấy hơn các hình thức xâm lược khác.    

Nguồn Thanh Niên

Thêm bình luận

Họ tên
Email
Nữ doanh nhân