Sáng 19/4, tại Hoàng Thành Huế, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cùng các nghệ nhân làng gốm Bát Tràng, làng vàng Kiêu Kỵ (Hà Nội) thực hiện việc thếp vàng tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258 - 1308). Bức tượng được làm bằng gốm, cao 81 cm, nặng 70 kg.
Sơn lót được các nghệ nhân chế biến công phu theo kỹ thuật cổ truyền, tạo sự kết dính những miếng vàng mỏng tang khi thếp vào tượng gốm.
Còn 1,5 cây vàng qua gần 40 công đoạn được tạo thành những miếng quỳ nhỏ, mỏng hơn giấy và có thể vỡ vụn khi được kết dính vào với sơn lót.
Sơn lót được quét lên thân tượng, hoặc chấm vào từng vị trí, sau đó những miếng quỳ nhỏ được dính vào. Theo các nghệ nhân làng Kiêu Kỵ, việc thếp vàng tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã kéo dài suốt nửa tháng qua.
Công đoạn thếp vàng ngày 19/4 chỉ là khâu cuối nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ. Đặc biệt, nghệ nhân thếp vàng không được thở quá mạnh khi làm việc, bàn tay không được chảy mồ hôi để tránh làm hỏng những mảnh vàng nhỏ. Chất liệu sơn truyền thống vốn đòi hỏi nhiệt độ ẩm, trong khi thời tiết Huế lại nắng ráo nên nhóm thợ dát vàng gặp nhiều khó khăn.
Họ may mắn được Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế mượn giúp một tầng hầm để vừa bơm nước vào phía trong vừa thực hiện dát vàng. Nghệ nhân thếp vàng Lê Bá Trung cho biết, sau mỗi công đoạn, người thợ lại phải quét một lớp sơn, đánh một lớp giấy nhám cho bóng.
Nghệ nhân Lê Bá Trung bên bức tượng vua Trần Nhân Tông sau khi thếp vàng. Ông cho biết, được thếp vàng cho vị vua Trần trong một lễ hội mang tầm quốc tế, bản thân ông và những nghệ nhân làng vàng Kiêu Kỵ lấy làm hãnh diện, cố gắng hoàn thành pho tượng đẹp nhất để mọi người chiêm bái.
Sau khi bức tượng hoàn thành, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế, nghệ nhân làng gốm bát tràng Trần Độ đã bàn giao cho Thiền viện Trúc Lâm (Bạch Mã, Huế) để mọi người đến chiêm bái.
Nhiều người dân, du khách tranh thủ chụp ảnh bên tượng vua Trần Nhân Tông, người sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Tượng được đưa lên xe để về Bạch Mã, cách TP Huế 40 km. Đây là lần thứ 3 nghệ nhân Trần Độ của làng gốm Bát Tràng làm tượng về Phật hoàng Trần Nhân Tông. Hai lần trước, tượng được thỉnh đến viện Trần Nhân Tông ở ĐH Harvard (Mỹ), và nhà thờ Tổ (thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông) trong khuôn viên chùa Trường Sa.