Tờ Thời báo Hoàn Cầu dẫn nguồn tin từ hãng tin Itar-tass của Nga cho biết, trong cuộc phỏng vấn ngày 19/6, Đại sứ Việt Nam tại Moscow Phạm Xuân Sơn nói rằng Việt Nam và Nga vẫn đang thảo luận về việc thành lập một liên doanh cung cấp các dịch vụ bảo trì cho các phương tiện dân sự lẫn quân sự tại cảng Cam Ranh, đồng thời khẳng định 2 nước hiện đang hợp tác trong lĩnh vực thăm dò dầu khí và sản xuất trực thăng.... Bình luận về thông tin từ Itar-tass, học giả Trung Quốc Xu Liping nói với Thời báo Hoàn Cầu rằng Bắc Kinh sẽ không để yên cho Việt Nam mua vũ khí từ Mỹ hoặc để cho Nga kiềm chế Trung Quốc tại Biển Đông.
Nhật báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc còn dẫn nhận định được cho là của các chuyên gia giấu tên Nga nói rằng Việt Nam đang cố “hâm nóng quan hệ” với Nga vì Việt Nam “không đủ khả năng tự đối đầu với Trung Quốc” trong tranh chấp chủ quyền quần đảo Hoàng Sa tại Biển Đông.
Trong khi đó, tờ Đa Chiều (của người Hoa ở hải ngoại) ngày 22/6 đăng bình luận của Khâu Lâm, một nhà báo, nhà bình luận thời sự Trung Quốc cho rằng, trong lúc căng thẳng Việt - Trung trên Biển Đông đang hồi gay cấn, Nga đã bắt đầu can dự vào Biển Đông. Điều này thể hiện rõ nét nhất là việc gần đây Nga thường xuyên "chống lưng" cho Việt Nam, giúp Việt Nam tự tin hơn trong việc đương đầu với Trung Quốc.
Khâu Lâm cho rằng, trong khi giữa Bắc Kinh và Moscow có rất nhiều lợi ích tương đồng trong chiến lược toàn cầu, nhưng quan hệ Nga và Trung Quốc mãi vẫn không thể đạt đến ngưỡng "tâm ý tương thông". Nguyên nhân suy cho cùng, theo ông Lâm là vì Nga vừa muốn phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc để chống Mỹ bá quyền thế giới, đồng thời Moscow lại tích cực can dự vào Biển Đông, "chống lưng" cho Việt Nam không ngừng "phá vỡ" (cái gọi là) lợi ích cốt lõi của Trung Quốc?! Để chứng minh cho nhận định này, Khâu Lâm viện dẫn việc Nga không chỉ bán cho Việt Nam 6 tàu ngầm diesel lớp Kilo mà còn giúp Việt Nam phát triển lực lượng tàu ngầm. Trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông không ngừng gia tăng, việc hợp tác quân sự Việt - Nga hoàn toàn phù hợp với chiến lược quân sự của Việt Nam.
Khâu Lâm bình luận: Việt Nam chủ trương giải quyết vấn đề Biển Đông thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS, còn Nga duy trì lập trường khách quan trong căng thẳng lãnh thổ giữa Trung Quốc với Việt Nam. Nhưng từ những động thái gần đây trong quan hệ Nga - Việt, có thể thấy Moscow đang muốn thông qua Việt Nam để can dự vào tình hình Biển Đông.
Theo Khâu Lâm, mục đích của Nga về cái gọi là "can dự vào tình hình Biển Đông" một mặt là để "kiềm chế Trung Quốc", mặt khác Moscow muốn có tiếng nói lớn hơn ở Biển Đông cùng với Trung Quốc để cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ trong khu vực?!
Khâu Lâm cũng viện dẫn phát biểu của Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Phạm Xuân Sơn nói hôm 16/9 “chỉ cần tuân thủ các hiệp định cần thiết, tàu chiến nước ngoài có thể truy cập khu vực cảng Cam Ranh”.
Trong bài viết của mình, Khâu Lâm coi việc Nga và Việt Nam vừa mới ký kết hiệp định hợp tác khai thác khí đốt thiên nhiên giữa tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam với Tập đoàn Dầu khí Zarubezhneft là "bằng chứng" Nga - Việt trao đổi lợi ích, để Nga giúp Việt Nam đối phó với Trung Quốc trên Biển Đông”.
Khâu Lâm cho rằng, nói một cách khách quan thì 15 - 20 năm nữa, địa vị của Nga trong mắt Việt Nam luôn quan trọng hơn Trung Quốc, bởi Nga giúp Việt Nam trang bị vũ khí đầy đủ, hầu như đáp ứng những gì Việt Nam yêu cầu và điều đó là một nước cờ đáng tin cậy của Việt Nam trên Biển Đông.
Học giả Trung Quốc kết luận, việc Nga muốn can dự vào Biển Đông cho thấy Moscow đã ngày càng không "nể mặt" Bắc Kinh. Khâu Lâm tuyên bố, trước đây ông ta luôn cho rằng Nga chỉ muốn bán vũ khí (cho Việt Nam) để kiếm ngoại tệ, nhưng thực tế không đơn giản như vậy, Nga còn muốn có một đồng minh quân sự - chính trị trong khu vực.
Trả lời phỏng vấn TTXVN ngày 19/6, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định: "Chúng ta luôn thực hiện phương châm Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế, chung sống hòa bình với tất cả các dân tộc trên thế giới trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi. Đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ với các nước, chúng ta luôn phấn đấu bảo đảm cùng có lợi và dứt khoát không để phụ thuộc vào bất cứ nước nào trong cả kinh tế và chính trị".
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định: “Việt Nam không tham gia bất cứ liên minh quân sự nào để chống lại một quốc gia khác. Đây là chính sách đối ngoại nhất quán của Việt Nam” trong cuộc trả lời phỏng vấn của Hãng AP (Mỹ) và Reuters (Anh) về tình hình Biển Đông cũng như các biện pháp giải quyết của Việt Nam.