Nhưng không chỉ có dấu mốc ấy, “lý lịch” của Hằng phác họa một chân dung đa diện, đầy cảm hứng của một năng lượng trẻ trung...
Đỗ Thị Thúy Hằng, một người Việt trẻ đã đi ra thế giới gần 10 năm để biết “không đâu bằng nhà mình”
Lúc nào cũng phải sẵn sàng
* Chín năm ở Mỹ, nếu không có vụ sụp đổ 15-9-2008 của Lehman Brothers thì Hằng có trở về VN không? Tại sao?
- Trở về VN và làm được điều gì đó luôn là tâm niệm trong suốt những năm tháng tôi sống xa quê hương. Sự sụp đổ của Lehman Brothers là cú sốc lớn với thế giới tài chính, nhưng thực tế ở Mỹ khi ấy nhiều cá nhân quyết tâm với ngành vẫn tiếp tục công việc chuyên môn của mình, hoặc là tự do, hoặc là ở một công ty khác. Nhưng chắc chắn sự kiện 15-9 đã khiến tôi thực hiện tâm niệm của mình sớm hơn.
* Đi rồi về. Trước đó thì lòng vòng đến 30 nước. Với Hằng, sống ở đâu dễ hơn và sống ở đâu dễ nhất?
- Tôi rất thích vi vu, thích khám phá, tìm hiểu nhiều điều, trải nghiệm nhiều lối sống. Nhưng sau khi lòng vòng thì càng thấm câu “không đâu bằng nhà”. Cuộc sống ở VN hiện giờ khá thuận lợi, dễ sống, có gia đình, bạn bè, đồ ăn ngon, đặc biệt được gần gũi với những thứ vốn thân thuộc với người Việt mình. Tôi chuyển vào TP.HCM hai năm nay và rất thích cuộc sống ở đây.
* Thế vốn liếng để nhảy vào thương trường bất an như VN có được Hằng lấy ra từ phần lớn những chuyến vi vu khắp thế giới không?
- Tôi không nghĩ riêng thương trường VN “bất an”. Từ góc độ cá nhân, tôi thấy thị trường ở nơi nào cũng nhiều biến động, luôn có nhiều điều thú vị song song với những khó khăn rất riêng. Có lúc tôi cảm nhận thương trường cũng có nhiều điểm giống như những chuyến đi. Kế hoạch, dự tính chi tiết, cặn kẽ đến thế nào nhưng chắc chắn trên hành trình thực sẽ có đủ mọi điều nằm ngoài tính toán, lúc nào mình cũng phải sẵn sàng.
* Hỏi thật Hằng, từng thách đố ai có thể làm giống Huyền “chip” - cô gái đi 25 nước với 700 USD, Hằng du lịch theo cách nào để không “hổ thẹn” với các “phượt thủ” mà vẫn giữ được mình an toàn?
- Tôi nghĩ việc khao khát được đi, được xê dịch, khám phá, trải nghiệm và thật sự làm được điều đó là điều đáng tự hào, nhất là với một người còn trẻ. Ở câu chuyện thách đố, tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng mỗi người có điều kiện, hoàn cảnh, xuất phát điểm rất khác nhau, vì vậy phải hết sức cẩn trọng, cân nhắc kỹ càng mọi thứ, kể cả các chi phí cơ hội khi ra quyết định.
Vì vậy, đó không phải lời thách đố “ai bắt chước ai”, mà thông qua sự việc, tôi hi vọng nhiều người sẽ cùng đồng tình rằng để một chuyến đi dài ngày, ẩn chứa nhiều rủi ro được trọn vẹn thì cơ bản ngoài ước mơ, khao khát mang tính chủ quan, mình cũng phải nghĩ tới gia đình, bạn bè, thậm chí những thứ rất thực tế khác như thời gian, tiền bạc hay sự an toàn của bản thân nữa.
* Những kiến thức từ chính trải nghiệm ấy khiến Hằng nhạy cảm hơn trước các “đòn gió” của những khách sạn vào tầm ngắm của ivivu (*), cũng như đoán được gần chính xác du khách muốn gì, phải không?
- Ngoài tôi, nhiều thành viên ivivu.com từng vi vu khắp thế giới. Nhưng dù may mắn được đi, gặp gỡ và trải nghiệm, tôi luôn chia sẻ với các bạn ấy rằng mong muốn của mỗi người, mỗi vị khách là rất khác nhau, thậm chí phụ thuộc nhiều yếu tố khách quan khác. Vì vậy luôn tìm hiểu, lắng nghe trọn vẹn nhu cầu khách hàng, không được chủ quan cho rằng “thứ mình muốn là thứ khách hàng cũng muốn” là điều cực kỳ quan trọng.
Tôi nghĩ khách hàng phải được phục vụ thật tốt, xứng đáng với chi phí đã bỏ ra, được cung cấp đủ thông tin, giá cả chính xác và phù hợp với nhu cầu, rồi họ đi đâu, ở đâu nhân viên mình cũng có thể chăm sóc hay thay mặt khách giải quyết các phát sinh để họ tập trung tâm trí cho công việc, hay dành trọn thời gian nghỉ ngơi cho gia đình.
Cái này đúng là phải cộng từ nhiều thứ: chuyên môn mình đã học, kinh nghiệm vi vu, thời gian sống của chính mình nữa!
Biết “đủ” để cân bằng và đóng góp
* Tôi thấy thú vị với một chia sẻ của Hằng với các bạn trẻ rằng sao các bạn bây giờ khác thế hệ của Hằng đến thế, trời mưa cũng lên Facebook cáu! Cái ngày xưa của Hằng có phải là một quá khứ “học, học nữa, học mãi”?
- Tôi tin thế hệ trẻ thời nào cũng tràn đầy năng lượng và luôn muốn được chia sẻ về bản thân. Facebook hay mạng xã hội chỉ là công cụ, cũng là nơi tiếp xúc, kết bạn, chia sẻ mọi thứ rất nhanh và dễ dàng. Có thể đó là lý do nhiều người trẻ hiện tại hiếm khi giữ lại mà thường chia sẻ ngay cảm xúc cá nhân mình trên đó. Còn thời của tôi và nhiều 8X khác, mạng Internet là một thứ gì đó khá “xa xỉ” nên sẽ ít thấy những chuyện tương tự chăng?
Thế hệ 8X như tôi cũng không chỉ có khẩu hiệu “học, học nữa, học mãi” đâu, cũng có đi chơi, tụ tập bạn bè, có xem tivi, nghe MTV Most Wanted, đọc truyện tranh (như Doraemon chẳng hạn)...
* Sự học của Hằng liệu có còn dài ra nữa hay đã tạm mê mải với công việc hiện tại, rằng biết đủ là đủ mới khôn?
- Cái này chắc có nhiều người nói rồi, không hẳn chỉ trên trường lớp mới là bạn đang học. Cá nhân tôi cũng tin các trải nghiệm từ cuộc sống đời thường tới công việc đều đang ít nhiều dạy cho mình bài học nào đó. Tôi vẫn đang cặm cụi vừa học vừa làm.
Mà tôi nghĩ hiểu biết nên đủ sao để cân bằng được mọi thứ trong cuộc sống của chính mình, có thể đóng góp cho xã hội, không gây phiền toái hay trở thành gánh nặng cho bất kỳ ai, chứ không phải vì muốn được cho là “khôn” hay “không khôn”. Nếu vậy thì tôi luôn muốn mình biết đủ.
* Cách nào để truyền cảm hứng cho đối tác, đồng nghiệp và cộng sự? Hãy sống như cách Hằng đã sống hay cứ là chính mình?
- Tôi chỉ suy nghĩ rất đơn giản và thường chia sẻ với mọi người thế này: “Hằng là Hằng, bạn A là bạn A, bạn B là bạn B, bạn C là bạn C... Cuộc sống tốt đẹp hay sự nghiệp chúng ta đang cùng nhau gây dựng thì cần Hằng, cần A, cần B, cần C, cần tất cả. Và chắc chắn sẽ khó thành nếu thiếu bất kỳ dù chỉ là một trong số tất cả”.
Đây cũng là quan điểm về công việc của tôi. Muốn thật sự làm điều gì đó lớn lao, cả nhóm cần chung sức, mỗi người mỗi việc, mỗi khả năng, mỗi chuyên môn. Một trong những điều quan trọng là phải nhận thức đúng, đủ, có trách nhiệm về vai trò của cá nhân mình trong một tập thể lớn. Nghe thì lý thuyết nhưng thực tế không hề khác đâu!
* Khi học ở nước ngoài Hằng có sinh hoạt tập thể kiểu đoàn hội không? Các hoạt động ấy giống và khác gì hoạt động Đoàn ở VN?
- Các bạn sinh viên Mỹ rất tích cực với phong trào tập thể, đặc biệt tại các môi trường giáo dục hàng đầu. Việc phát triển con người thông qua hoạt động ngoại khóa luôn được đánh giá cao, được các bạn thực hiện nghiêm túc không kém hoạt động học tập trong lớp.
Trong từng trường hợp cụ thể cũng có ít nhiều điểm khác biệt, nhưng cá nhân tôi nghĩ sự tương đồng có trong tôn chỉ, mục đích rèn luyện con người, giúp cá nhân dung hòa bản thân trong tập thể, cùng chung sức làm những điều hữu ích cho cộng đồng, xã hội...
* Từ kinh nghiệm thực tế, theo Hằng, cách nào để các hoạt động Đoàn - Hội ở VN hấp dẫn các bạn trẻ hơn, có ích lợi hơn?
- Như nhiều bạn trẻ khác, tôi cũng tham gia nhiều hoạt động Đoàn, Hội ở VN, có những hoạt động rất vui, sôi nổi và hữu ích, cũng có hoạt động chưa phát huy được trọn vẹn khả năng hay mục tiêu mong muốn. Nhưng ở đâu cũng vậy, với con số rất lớn đoàn viên, hội viên trẻ trải khắp VN, để tất cả hoạt động với 100% kết quả hoàn hảo thì lý tưởng quá.
Tôi nghĩ ngoài việc đồng bộ từ trên, tăng cường hoạt động thực tế với mục đích cụ thể, chi tiết, thiết thực thì ngay mỗi cá nhân nếu có nhiều đóng góp mang tính xây dựng hơn, tích cực hơn, quyết liệt hơn... thì chắc chắn những hoạt động chung sẽ có thêm nhiều sức sống, hữu ích và hấp dẫn hơn.
* Cảm ơn Hằng.
Sau khi học xong phổ thông ở ngôi trường nổi tiếng Hà Nội - Amsterdam, Đỗ Thị Thúy Hằng nhận học bổng toàn phần 150.000 USD tại Orbelin College (bang Ohio, Mỹ) rồi tiếp tục lấy MBA ở Harvard Business School. Trước khi trở về VN để điều hành ivivu.com, Hằng từng làm việc tại những định chế tài chính lớn nhất nước Mỹ như Lehman Brothers, UBS, Barclay Capital... và có một khoảng thời gian vi vu đến trên 30 quốc gia trên thế giới. |