X Factor là một trong những chương trình truyền hình ăn khách nhất tại Anh. Cuộc thi tìm kiếm âm nhạc này cũng đã đổ bộ vào Việt Nam với bộ tứ quyền lực: Hồ Quỳnh Hương, Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà và Dương Khắc Linh. Ảnh: Kênh 14
Theo Daily Mail, trẻ em đang là đối tượng chính của các quảng cáo thực phẩm gây béo phì tại Anh. Trong đó, KFC là một trong số những cái tên được nêu ra như một hãng có tác động mạnh tới tâm lý nhóm khách hàng này thông qua các đoạn quảng cáo hút hồn. Về mặt lý thuyết, các quảng cáo về thực phẩm quá nhiều chất dinh dưỡng, chất béo đều bị cấm trên truyền hình, đặc biệt là dành cho trẻ em. Nhưng Daily Mail cho biết thực tế đang không phản ánh đúng điều đó.
KFC đang là một trong những cái tên lọt vào tầm ngắm của các nhà vận động tại Anh. Ảnh:Daily Mail
Cụ thể, trước, trong và sau chương trình X Factor – một cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc ăn khách đã chính thức được Việt Nam mua bản quyền và sắp phát sóng trên TV – các quảng cáo thực phẩm đang trở nên phổ biến. Trong một cuộc khảo sát của Đại học Liverpool trên 750 quảng cáo được phát sóng trong khung giờ vàng (8-9h tối) tại Anh, có tới 1/4 là quảng cáo thực phẩm. Thậm chí tần suất xuất hiện của nhóm quảng cáo này còn trở nên dày đặc khi có 11 clip/giờ.
Trong mùa giải năm nay, sự trở lại của ông vua truyền hình thực tế và cũng là cha đẻ của X Factor Simon Cowell cũng như nữ ca sỹ xinh đẹp Cheryl Cole trên cương vị ban giám khảo được hứa hẹn là sẽ mang lại sự náo nhiệt của những năm 2009 với sự lên ngôi của chàng ca sỹ đồng tính Joe McElderry. Ảnh: The Sun
Không những vậy, cuộc nghiên cứu còn chỉ ra rằng 1/3 số quảng cáo chiếu trong khung giờ vàng còn hướng tới đối tượng trẻ em khi dùng các nhân vật ngộ nghĩnh, hài hước, thay vì các hình ảnh thông thường khác. 53% trong đó sử dụng các nhân vật là trẻ em để quảng bá sản phẩm của họ. Trong khi một con số khác cũng chỉ ra một lo ngại mới phát sinh. Theo đó, 1/3 số quảng cáo kết thúc bằng các địa chỉ trên Twitter – một chìa khóa quan trọng để móc nối với thanh thiếu niên khi mạng xã hội này rất phổ biến tại Anh trong khi thống kê cho thấy 36% thanh thiếu niên dùng điện thoại thông minh, laptop khi xem TV.
Simon Gillespie – Giám đốc điều hành của Quỹ tim mạch Anh Quốc – khẳng định: “Cha mẹ không mong muốn con cái của họ phải xem các quảng cáo về thực phẩm không lành mạnh nhưng sự thực, điều đó đang diễn ra. Ngay cả khi chương trình kết thúc, các hãng vẫn có thể tiếp cận trẻ em khi chúng ta đang thiếu đi những quy định cần thiết. Có quá nhiều cách đẩy trẻ em tham gia các trò chơi, thử thách bên lề, mà tất cả những điều đó chỉ để thúc đẩy quảng bá sản phẩm mà thôi”.
Chính vì vậy, ông cùng nhiều tổ chức bảo vệ sức khỏe cũng như những nhà hoạt động trong nhiều tổ chức khác tại Anh quốc đã lên tiếng kêu gọi chính phủ cấm phát sóng các quảng cáo thực phẩm gây béo phì trước 9h tối và cần có thêm quy định đối với việc đưa các chiến dịch marketing lên sóng truyền hình.
Đồng quan điểm, Giáo sư Mitch Blair thuộc Đại học Nhi khoa Hoàng gia Anh bày tỏ: “Chúng ta đều biết các quảng cáo thực phẩm không lành mạnh đều bị cấm chiếu trong các chương trình dành cho trẻ em. Nhưng giờ đây, có quá nhiều trẻ em đã xem các chương trình dành cho gia đình như X Factor. Và điều đó, tất nhiên, rất hiệu quả đối với bất kỳ nhãn hàng nào. Việc đưa ra lệnh cấm không những thay đổi tình trạng này mà còn có thể thay đổi được cả nhận thức của khán giả về thực phẩm tốt cho sức khỏe. Và quan trọng hơn hết, trẻ em không phải đối tượng có thể mang ra kinh doanh”.
Trong khi X Factor cũng đã đến Việt Nam và chuyện đồ ăn nhanh có mặt trong những phút quảng cáo giữa chương trình hay không thì chưa biết chắc. Nhưng “nếu điều đó xảy ra” cũng chẳng ai bảo vệ cho trẻ em như tại Anh.