Thứ Sáu, Ngày 29 Tháng 3 Năm 2024

Phẫu thuật thẩm mỹ - câu chuyện dài từ nghìn năm trước

Thứ Năm, 09/01/2014 10:05
Những cuộc phẫu thuật thẩm mỹ đầu tiên cách đây hàng nghìn năm không phải phục vụ cho người sống, mà được thực hiện trên cơ thể người chết với những mục đích riêng.

 Nhiều người ngỡ rằng, phẫu thuật thẩm mỹ là một lĩnh vực chỉ có trong cuộc sống hiện đại, khi nhu cầu làm đẹp của con người ngày càng gia tăng, cùng với sự phát triển không ngừng của nền y tế.  Thực tế, các cuộc phẫu thuật thẩm mỹ, tiền thân là cuộc phẫu thuật tái tạo, từng diễn ra tại Ấn Độ vào khoảng 800 năm trước công nguyên. Sự phát triển của phẫu thuật thẩm mỹ gắn liền với các yếu tố văn hóa, xã hội, trải qua nhiều bước thăng trầm, vượt qua nhiều sự kỳ thị để đạt đến đỉnh cao của ngày hôm nay

Ai Cập cổ đại

Những cuộc phẫu thuật với mục đích làm đẹp đã được thực hiện từ hàng nghìn năm về trước

Những cuộc phẫu thuật thẩm mỹ đầu tiên tại Ai Cập không phải phục vụ cho người sống mà được thực hiện trên cơ thể người chết với những mục đích riêng. Ví dụ như, những người ướp xác đã cấy xương và đổ rất nhiều hạt giống vào trong mũi của vua Ramses II với mục đích làm diện mạo không bị thay đổi quá nhiều sau khi phần thịt bị phân hủy.

 

Xác ướp của nữ hoàng Nunjmet được cấy vào phần má và phần bụng nhiều lớp vải băng, giống như công nghệ cấy sillicone vào cơ thể thời hiện đại. 

 

Người Ai Cập cổ đại quan niệm, gương mặt của con người sẽ không thay đổi từ kiếp này qua kiếp khác, nên họ thường cấy vào trong xác ướp một số loại vật chất để giúp gương mặt, cơ thể người chết không bị biến dạng quá nhiều sau khi tiến hành ướp xác. 

 

Dù vậy, không có một tài liệu chính xác nào cho thấy các cuộc phẫu thuật thẩm mỹ đã được thực hiện trên người sống ở Ai Cập thời cổ đại.

Ấn Độ cổ đại

Thẩy thuốc Sushruta trong nét vẽ của người Ấn Độ

Ấn Độ cổ đại được coi là cái nôi của ngành phẫu thuật thẩm mỹ. Những bằng chứng về những cuộc phẫu thuật này trên cơ thể sống cách đây hàng nghìn năm đã được tìm thấy trong nhiều văn tự cổ của Ấn Độ. Những chỉnh sửa về tai, mũi cho những nạn nhân của các cuộc chiến đã được thực hiện. Nhà y học người Hindu Sushruta được coi là ông tổ của ngành, khi ông được cho là người thực hiện các ca phẫu thuật tái tạo phần mũi bằng cách cắt phần da ở vùng  trán, rồi khâu lại vào chỗ cần chỉnh sửa. Chức năng thở của mũi dược thực hiện bằng cách gắn 2 ống gỗ vào trong lỗ mũi. Phương pháp này được coi là một trong những phát minh y học nổi tiếng của Ấn Độ nhưng được giữ bí mật cho đến vài trăm năm sau mới được chính thức ghi vào sổ sách.

La Mã cổ đại

Dụng cụ dùng để phẫu thuật thời La Mã cổ đại

Thế kỷ 1 trước Công nguyên, người La Mã đã biết đến những cuộc phẫu thuật làm đẹp, bởi người quốc gia này rất chú trọng về mặt ngoại hình. Những bức tượng, bức tranh khỏa thân hay bán khỏa thân được thực hiện rất đẹp và tỉ mỉ phần nào nói lên điều đó. Người La Mã đã biết đến những cách là sẹo, đặc biệt là những vết sẹo ở phía sau lưng. Trong xã hội của quốc gia châu Âu này hàng nghìn năm về trước, những người có vết sẹo sau lưng hay bị coi thường, bởi họ có thể là những đấu sĩ bại trận, bỏ cuộc bị đâm từ phía sau, hoặc tệ hơn, từng là nô lệ từng chịu những trận đòn roi. Điều này từng được nhắc đến trong những bài thơ và những bản khi chép của nhà thơ Martial (năm 40 – 104 sau Công nguyên). 

Thời kỳ Trung Cổ

Galen - nhà y học nổi tiếng của La Mã

Vào khoảng thế kỷ 2 sau Công nguyên, thời đại của Galen - một thầy thuốc và nhà triết học nổi tiếng người La Mã gốc Hy Lạp, được coi  nhà nghiên cứu y học tài ba nhất của thời La Mã, phẫu thuật thẩm mỹ đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Theo sổ sách ghi chép lại, Galen có thể khắc phục chứng sụp mí mắt và phẫu thuật mũi cho những người giàu có nhu cầu này.

Một hình ảnh được tìm thấy về hoạt động phẫu thuật được ghi chép lại trong sách của Galen

Tuy nhiên, sau khi Galen mất (năm 216 sau công nguyên), những ghi chép của ông về phẫu thuật nói chung và phẫu thuật thẩm mỹ nói riêng đều bị thất lạc. Từ đó, ngành làm đẹp nhờ dao kéo không còn được tìm hiểu, nghiên cứu và phát triển, bởi con người lúc này coi những việc động đến dao, làm chảy máu không vì mục đích y học cứu người đơn thuần là tội lỗi, và những việc của các nhà phẫu thuật với mục đích  chỉnh sửa về mặt ngoại hình, nhan sắc cho người có nhu cầu bị ví như hành động của những phù thủy. 

Thời kỳ Phục Hưng

Nhà phẫu thuật người Ý Gasparo Tagliacozzi

Sau những tụt dốc vào thời kỳ Trung Cổ, ngành phẫu thuật thẩm mỹ có dấu hiệu phát triển trở lại trong thời kỳ Phục hưng – thời mà châu Âu phát triển rực rỡ trên nhiều lĩnh vực khoa học, văn hóa, nghệ thuật… Chỉnh hình cho mũi và cấy da vẫn là những phẫu thuật phổ biến trong thời điểm này. Các bác sĩ trong thời kỳ Phục hưng đã có thể lấy da từ phần mông, tay… để cấy lên những da bị hủy hoại, phục vụ cho nhu cầu làm đẹp.

 

Nhiều chuyên gia trong ngành của thế kỷ 21 ghi nhận, nhà phẫu thuật người Ý Gasparo Tagliacozzi (1546-1599) là cha đẻ của nền phẫu thuật thẩm mỹ hiện đại. Ông là tác giả của cuốn sách nói về phẫu thuật thẩm mỹ mang tên "De curtorum chirugiau" (tiếng Việt nghĩa là Phẫu thuật),  ra đời năm 1597. Tagliacozzi từng thử nghiệm việc tách da, ngâm da vào các dung dịch đặc chế để giữ cho da được tươi lâu hơn trước khi tiến hành cấy ghép. 

 

Với Taglioacozzi, phẫu thuật thẩm mỹ là cách mà con người có thể tìm thấy sự tiến bộ kể cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. Dù vẫy xảy ra những sai sót, như những chiếc mũi mà ông tái tạo vẫn có thể bị “rụng” nếu chủ nhân của nó vận động quá mạnh, nhưng những cống hiến của ông cho ngành phẫu thuật thẩm mỹ là không thể phủ nhận. Những ý kiến phản đối việc chỉnh sửa dung mạo như “Chúa không cho phép con người sửa đổi những gì Chúa đã tạo ra” vẫn xuất hiện, nhưng không thể cản trở khát khao của con người trong lĩnh vực này.

Chiến tranh và ngành phẫu thuật thẩm mỹ

Những bệnh nhân của ngành phẫu thuật thẩm mỹ thời hiện đại

Thật khó có thể hình dung, nhưng thực tế, hai cuộc thế chiến đã có những ảnh hưởng lớn tới lịch sự của ngành phẫu thuật thẩm mỹ. Các chuyên gia trong ngành không ngừng tìm kiếm và nâng cao các công nghệ giúp con người khắc phục những khiếm khuyết về ngoại hình do chiến tranh gây ra. Bên cạnh các cuộc phẫu thuật thông thường như xử lý sẹo, làm mũi giả, tai giả… những ca phẫu thuật chỉnh lại gương mặt, hộp sọ, tứ chi… bị biến dạng do bom mìn cũng đã được tiến hành. Dù kết quả còn nhiều hạn chế, nhưng đã là một bước tiến lớn so với thời kỳ phong kiến trước đó. 

Không chỉ khắc phục những vết thương thể chất, các bác sĩ còn tiến sâu hơn trong công nghệ làm đẹp để phục vụ nhu cầu giúp mình quyến rũ hơn. Công nghệ làm thon cánh tay, lấy bớt mỡ từ phần chi trên và hút mỡ từ bụng dưới để tạo vòng 2 thon gọn đã xuất hiện từ những năm 50 của thế kỷ trước.

Phẫu thuật ngực silicon bắt đầu phát triển

Đến những năm 60, ngành phẫu thuật thẩm mỹ hiện đại chính thức được thừa nhận và được coi là một bộ phận quan trọng của nền y học. Cũng trong khoảng thời gian này, công nghệ cấy silicon vào cơ thể đã bắt đầu phát triển mạnh. Những người phụ nữ tiên phong trong việc cấy silicone vào ngực chính là những “showgirl” – những cô gái thoát y tại những câu lạc bộ, cũ trường. Điều đặc biệt không phải ai cũng biết, đó là ý tưởng này xuất hiện từ việc silicon từng được sử dụng để cấy vào chân của những người bị bệnh bại liệt ở Nhật, để làm chân bệnh nhân to ra và cân bằng.

Những năm 90 – liên tục phát triển

Nếu hậu thế chiến 2, ngành phẫu thuật thẩm mỹ được công nhận một cách chính thống và những thập niên sau đó, công nghệ này dần lan rộng ở phương Tây, thì trong những năm 90, nó bắt đầu thực sự có mặt ở khắp nơi trên thế giới.

Ngày nay, phẫu thuật thẩm mỹ đã trở nên quen thuộc và ngày càng phát triển

Nhiều người phải cắt bỏ ngực vì ung thư vú do rò rỉ silicon, nhưng hàng triệu phụ nữ trên khắp thế giới vẫn tìm đến các bác sĩ, từ có chuyên môn, bằng cấp đến bác sĩ hoạt động chui, với mong muốn có được một bộ ngực hoàn hảo. Thêm vào đó, trong khoảng thời gian tại nhiệm của mình, tổng thống Mỹ Bill Cliton đã thông qua chính sách bảo hiểm cho các bộ ngực được làm giả, qua đó yêu cầu các công ty bảo hiểm phải chi trả chi phí cho các phụ nữ phải chịu những tác động tiêu cực từ việc cấy silicon vào cơ thể. Điều này càng làm cho phong trào phẫu thuật thẩm mỹ, đặc biệt là chỉnh sửa ngực ngày càng phổ biến.

Phẫu thuật thẩm mỹ thế kỷ 21

Đến nay, công nghệ phẫu thuật thẩm mỹ trên thế giới đã đạt đến những bước phát triển vượt bậc, có thể biến những con vịt xấu xí thành thiên nga, biến những anh chàng “đực rựa” thành những cô nàng xinh xắn, hay “hô biến” một bóng hồng nào đó thành một người đàn ông “chuẩn men”. Những công nghệ làm đẹp như gọt cằm, nút mỡ, làm thon chân, tay, eo, xăm môi, xăm mày, cắt mí, làm trắng da, nhuộm da, căng da… đã trở nên vô cùng phổ biến và ngày càng được nâng cấp, để đem đến cho khách hàng những dịch vụ tối ưu nhất.

Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, phẫu thuật thẩm mỹ vẫn gặp phải sự phản đối của không ít người, với ý kiến cho rằng công nghệ của ngày này khiến con người chạy theo hình thức bề ngoài, tạo nên một thế giới ưa hình thức và đánh lừa giác quan của con người. Dù vậy, ngành công nghiệp này vẫn không ngừng phát triển với nhiều tiến bộ mới, và trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều người. Chắc chắn, ai đã từng một lần thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ, đều biết rằng đây là “cuộc chơi” lâu dài, bởi để có thể duy trì được vẻ đẹp nhân tạo, luôn phải cần đến những ca phẫu thuật lớn nhỏ để “trung đại tu”. 

Tiramisu (Tổng hợp)

Theo dep.com.vn

Thêm bình luận

Họ tên
Email
Nữ doanh nhân