Giữa tháng 6/2011, một cậu bé 13 tuổi ở quận Tân Bình, TP HCM, bị chú ruột bắt đeo tấm bảng ghi dòng chữ “Tôi là thằng ăn cắp” đứng trước cửa nhà, giữa đường phố tấp nập. Đứa cháu mồ côi cha từ nhỏ. Người mẹ tất bật lao động kiếm miếng cơm manh áo nuôi đàn con nên không có nhiều thời gian quan tâm sát sao đến lũ trẻ. Bản thân cậu bé rất ham chơi, suốt ngày rình rập ăn cắp đồ để bán lấy tiền.
Một hôm cậu bé chuẩn bị lấy trộm chiếc xe thì bị phát hiện và bị bắt nên gia đình phải đến bảo lãnh. Vì muốn cháu cảm thấy xấu hổ mà bỏ đường lầm lỗi, người chú nghĩ ra cách làm một tấm bảng bằng carton như một bản án đeo vào cổ cháu.
Cậu bé với tấm bảng “Tôi là thằng ăn cắp”.
Tháng 2 năm ngoái cũng xảy ra một vụ việc tương tự. Một video lan truyền trên mạng ghi lại cảnh cậu học trò tuổi teen bị cha lột trần và trói vào cột điện giữa trời đông lạnh giá vì tội mê chơi bỏ bê việc học. Đứa con khóc lóc van xin nhưng ông bố vẫn kiên quyết không tha. Mãi đến khi công an can thiệp, đứa bé được giải cứu.
Thân thể cậu bé đỏ ửng khi bị lột trần giữa mùa đông lạnh giá. Vụ việc này xảy ra ở Hải Phòng.
Trước đó, một video khác phát tán trên mạng quay lại cảnh 2 đứa trẻ bị bố bắt bò lê giữa đường có đông người qua lại cũng vì tội mê chơi lười học.
Mới đây nhất, một bé gái vì lấy hai cuốn truyện trị giá 20.000 đồng trong siêu thị đã bị nhân viên ở đây trói chặt tay và dán lên ngực tờ giấy dòng chữ “Tôi là người ăn trộm”. Những hình ảnh này gây làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng.
Cộng đồng mạng phẫn nộ về vụ việc vừa qua.
Về vấn đề trên, chuyên gia tư vấn Đặng Phương ở Tổng đài 1900 6233, Viện Tâm lý và Giáo dục Pháp luật, cho rằng xảy ra những vụ việc đau lòng như trên là hồi chuông cảnh tỉnh cho những người làm cha mẹ và các nhà giáo dục. Nhiều phụ huynh vì quá mải mê công việc mà không dành thời gian quan tâm đến con cái, chưa nhìn rõ hết nhu cầu tìm hiểu thế giới tinh thần của con.
Bà Phương lý giải, có thể do bố mẹ hay từ chối, phản đối nhu cầu của con nên lâu dần trẻ ngại hoặc có cái nhìn tiêu cực đối với bố mẹ khi muốn xin tiền mua đồ dùng. Chính nhu cầu chính đáng nhỏ nhoi đó bị người lớn bỏ qua, dẫn đến hậu quả như lúc này. Mặt khác, hiện nay không ít bậc cha mẹ và người làm công tác chăm sóc dạy dỗ trẻ vẫn giữ quan điểm sai lầm rằng giáo dục đồng nghĩa với răn đe cốt làm sao cho trẻ sợ hãi, xấu hổ thì sẽ bỏ tật xấu.
Theo bà Phương, trên thực tế rất nhiều trường hợp trẻ mắc sai lầm, bị cha mẹ chửi mắng, đánh đập không thể giúp chúng ý thức lỗi lầm đã phạm phải mà chỉ khiến con sợ hãi, ám ảnh, thậm chí quay sang hận cha mẹ. Trừng phạt nghiêm khắc mà không đặt nặng tính giáo dục có lẽ sẽ chấm dứt nhất thời hành vi của trẻ, nhưng không thật sự nâng cao được chuẩn mực đạo đức cho chúng. Hơn nữa sự trừng phạt thường xuất phát từ sự nóng giận và nhu cầu xả tức thường để lại những hậu quả lâu dài, ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần, tâm lý và thể xác của trẻ.
Một độc giả gửi thư chia sẻ như sau: "Khi còn nhỏ, chỉ cần tôi phạm một lỗi nhỏ đã bị bố đánh không thương tiếc. Lúc nào trong tâm trí tôi cũng muốn thoát khỏi những đòn roi của ông... Bây giờ tôi đã có công việc ổn định, cuộc sống tự lập nhưng vẫn không thôi ám ảnh về ký ức lúc nhỏ chán đời, lớn lên hận đời và ích kỷ". Độc giả này tâm sự: "Nơi tôi ở cách nhà không xa nhưng cả năm tôi mới về vài lần vì cảm thấy tự ái. Tôi chỉ ước ký ức kia biến mất hoặc tôi mất trí nhớ để khỏi bị ám ảnh như hiện tại".
Trong vụ việc nữ sinh bị đeo bảng “Tôi là người ăn trộm”, về khía cạnh pháp luật, luật sư Nguyễn Đức Hoàng thuộc Văn phòng Luật sư Phan cho rằng hành vi của các nhân viên siêu thị có dấu hiệu của tội “Làm nhục người khác” theo quy định tại Điều 121 Bộ luật hình sự, còn có thể bị yêu cầu bồi thường thiệt hại do xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.
Theo Khoản 3 Điều 307 Bộ luật dân sự năm 2005, người gây thiệt hại về tinh thần cho người khác do xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của họ thì ngoài việc chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại.
Trong vụ việc nói trên, nhân viên siêu thị đã có những hành vi mang tính nhục mạ, xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của nữ sinh 13 tuổi. Theo quy định của pháp luật dân sự thì cô bé chưa có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Vì vậy, vụ việc đã gây ra một cú sốc lớn đối với nhận thức còn non nớt, khiến em cảm thấy xấu hổ với mọi người cũng như bị hoảng loạn trầm trọng. Việc chụp ảnh em bị trói để đăng Facebook, phát tán cho nhiều người cùng xem đã làm cho mức độ xâm phạm danh dự, nhân phẩm của nữ sinh này tăng lên đáng kể.
Theo cha mẹ nữ sinh bị làm nhục thì đến giờ con gái họ suốt ngày đóng chặt cửa phòng, không muốn tiếp xúc với ai. Điều này cho thấy em đã phải gánh chịu một cú sốc to lớn và những thiệt hại về tinh thần là có thật. Chưa kể đến việc nhiều người gọi điện đến gia đình của em nữ sinh để miệt thị. Vì vậy, cha mẹ của em hoàn toàn có quyền khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền để yêu cầu phía siêu thị phải xin lỗi, cải chính công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại.
Người gây ra vụ việc là nhân viên siêu thị, nhưng theo Điều 622 Bộ luật dân sự thì cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác phải bồi thường thiệt hại do người làm công gây ra trong khi thực hiện công việc được giao và có quyền yêu cầu người làm công có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật. Do đó, trước tiên, chủ siêu thị Vĩ Yên là người có trách nhiệm xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại do hành vi của nhân viên của mình gây ra. Sau đó, chủ siêu thị có thể yêu cầu nhân viên hoàn trả lại khoản tiền mà chủ siêu thị đã bồi thường.
"Do đó, để bảo vệ quyền lợi và bù đắp những mất mát về mặt tinh thần cho nữ sinh bị làm nhục, gia đình của em có quyền khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu phía siêu thị phải xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại. Có như vậy mới giúp bù đắp phần nào những tổn thất về tinh thần mà em đã gánh chịu và hạn chế việc kỳ thị của những người xung quanh", luật sư Hoàng nói.