Ngoài sứ mệnh tiếp tục hành trình đi tìm, tôn vinh vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam và quảng bá đất nước, con người, văn hóa Việt Nam; cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm nay có nhiều thay đổi đáng kể.
Thẩm định kĩ lưỡng việc thí sinh còn độc thân
Gần đây, xung quanh những lùm xùm về việc hoa hậu bị phát hiện đã lập gia đình sau khi giành vương miện hoặc đã đăng kí kết hôn vẫn đăng kí tham gia cuộc thi nhan sắc quốc tế, nhiều câu hỏi về vấn đề này được đặt ra.
Phát biểu tại cuộc họp báo lần đầu tiên trong khuôn khổ cuộc thi, ông Lê Xuân Sơn (Tổng biên tập Báo Tiền Phong) cho biết: “Cuộc thi năm nay, chúng tôi siết chặt quản lý vấn đề này. Những thí sinh đạt tiêu chuẩn dự thi phải đủ những điều kiện sau: chưa lập gia đình, chưa đăng kí kết hôn, chưa tổ chức đám cưới và chưa chung sống với người khác như vợ chồng. Để đảm bảo đúng quy định, Ban tổ chức cuộc thi sẽ mời cơ quan an ninh phối hợp thẩm định kĩ lưỡng”.
Trước nghi vấn của một số nhà báo về khó khăn trong việc thẩm định chuyện riêng tư cá nhân và khái niệm “chung sống” khá mông lung, ông Lê Xuân Sơn khẳng định: “Năm nay ban tổ chức sẽ bổ sung kênh thẩm định độc lập. Thật cẩn trọng theo đúng Luật Hôn nhân và Gia đình đã quy định”.
Một số người đẹp đã được vinh danh tại Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam và thành viên ban tổ chức Hoa hậu Việt Nam 2014
Lấy nội dung hướng về biển đảo là trung tâm
Theo dòng thời sự và mối quan tâm hàng đầu hiện nay của tất cả nhân dân trong cả nước là vấn đề biển Đông, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam cũng sẽ lấy đó làm nội dung chính xuyên suốt.
Ông Lê Xuân Sơn khẳng định: “Ngoài những nội dung kiến thức bắt buộc thí sinh phải nắm rõ về vấn đề chủ quyền biển và hải đảo, cuộc thi sẽ có những hình thức thực tế để thí sinh thực sự hiểu và thể hiện một cách chính xác, trung thực vấn đề này.”
Vòng chung kết sẽ được tổ chức tại đảo Phú Quốc. Đây cũng là một trong những nỗ lực của ban tổ chức để tham gia vào chương trình bảo vệ và phát triển kinh tế biển đảo.
Theo thông lệ, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam được tổ chức hai năm một lần. Năm nay cuộc thi diễn ra tại đảo Phú Quốc
Không ràng buộc người đẹp quá nhiều
Những điều luật ràng buộc người đẹp sau khi cuộc thi kết thúc như tham gia các hoạt động thiện nguyện, khai thác hình ảnh vào mục đích thương mại… cũng là vấn đề nóng gần đây xung quanh cuộc thi Hoa hậu Các Dân tộc Việt Nam.
Trước câu hỏi “Hoa hậu Việt Nam đã và sẽ làm gì để phát huy vai trò và trách nhiệm của mình với xã hội?” – ông Lê Xuân Sơn cho biết: “Trong cuộc thi năm 2012, hoa hậu Đặng Thu Thảo cùng hai á hậu Tú Anh và Hoàng Anh không những tham gia đầy đủ những chương trình từ thiện ban tổ chức đặt ra mà còn tự nguyện tham gia nhiều chương trình do những đơn vị và cá nhân bên ngoài tổ chức”.
Ông Sơn cũng khẳng định, Ban tổ chức cuộc thi không cấm đoán thí sinh dùng hình ảnh vào các hoạt động thương mại. Song thí sinh buộc tham gia một số hoạt động trong điều khoản mà ban tổ chức đặt ra. Ông nhấn mạnh: “Những hoạt động này không quá dày đặc và ảnh hưởng đến cuộc sống của thí sinh”.
Đặng Thu Thảo đạt vương miện hoa hậu Việt Nam 2012
Bên cạnh đó, ban tổ chức rất tự tin trả lời câu hỏi: “Liệu nguồn tài nguyên sắc đẹp của chúng ta có cạn kiệt và xuất hiện những thí sinh không đủ tiêu chuẩn sắc đẹp của một hoa hậu”, ông Sơn cho rằng: “Người Việt Nam luôn tự tin vào vẻ đẹp của phụ nữ Việt vậy nên chúng ta không nên bi quan. Tôi tin tưởng chắc chắn sẽ chọn được người xứng đáng với vương miện hoa hậu”.
Thí sinh từ 18 đến 27 tuổi mong muốn tham gia cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2014 nộp đơn đăng kí dự thi tại văn phòng Báo Tiền Phong ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM và Tây Nguyên.
Điều kiện dự tuyển: Cao trên 1,62m, không có tiền án hay trong thời gian truy cứu trách nhiệm hình sự, có đạo đức tốt, có vẻ đẹp tự nhiên, chưa lập gia đình, chưa sinh con và trình độ văn hóa tốt nghiệp THPT trở lên.