Thứ Bảy, Ngày 21 Tháng 12 Năm 2024

Giao thương với Trung Quốc:Việt Nam bán rẻ, nhận độc vì sao?

Thứ Hai, 14/07/2014 12:00
Chính sách biên mậu hiện đang tồn tại nhiều hạn chế, theo đó Việt Nam cần có những điều chỉnh nhất định.

 PGS.TS Phạm Tất Thắng - nghiên cứu viên cao cấp Bộ Công thương nêu quan điểm. Đồng quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cũng cho biết, đang trình Chính phủ biện pháp phù hợp hơn đặc biệt chính sách biên mậu với Trung Quốc do Trung Quốc vừa là thị trường quan trọng vừa nhạy cảm, phức tạp.

Chính sách biên mậu nhiều bất cập

Trao đổi với PV Đất Việt về ý kiến cho rằng, chính sách biên mậu hiện nay có nhiều bất cập vì vậy cần có sự thay đổi, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, ông vẫn khẳng định không có chính sách nào luôn luôn đúng và chính sách biên mậu cũng không phải là ngoại lệ.

“Chính việc này hiện nay Bộ công thương cũng đã có chính sách trình Chính phủ, qua ý kiến của các địa phương chúng tôi tiếp thu nghiêm túc để có biện pháp phù hợp cho thị trường đặc biệt với Trung Quốc là thị trường vừa hết sức quan trọng vừa hết sức nhạy cảm, phức tạp”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.

Liên quan đến vấn đề này, PGS. TS Phạm Tất Thắng - Nghiên cứu viên cao cấp Bộ Công Thương trong cuộc trao đổi với PV Đất Việt đã phân tích cụ thể những hạn chế trong chính sách biên mậu. Đặc biệt, PGS TS cũng chỉ ra những rủi ro do việc Việt Nam chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch những mặt hàng nông sản chủ lực như lúa gạo, cao su sang Trung Quốc thời gian vừa qua.

Theo PGS.TS Phạm Tất Thắng, chính sách biên mậu sẽ còn tồn tại lâu dài giữa Việt Nam và Trung Quốc bởi đặc thù của biên giới kéo dài và có nhiều cửa khẩu thông thương giữa 2 bên. Nếu có chính sách biên mậu phù hợp sẽ giúp cho cả 2 bên Việt Nam và Trung Quốc cùng có lợi đặc biệt có khả năng phát triển một cách tốt nhất ở vùng sâu, vùng xa, vùng núi có điều kiện giao thông mỗi bên khó khăn.

PGS.TS Phạm Tất Thắng dẫn chứng, từ ngày có chính sách biên mậu, phía Việt Nam có sự phát triển đáng khích lệ ở các Lạng Sơn, Lào Cai, móng cái. Phía Trung Quốc cũng vậy, những vùng trước đây rất lạc hậu như Quảng Tây, Vân Nam đã có sự phát triển vượt bậc.

Gạo, cao su, mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam chủ yếu xuất sang Trung Quốc bằng con đường tiểu ngạch

“Nhưng thời gian vừa qua bên cạnh tích cực còn tồn tại nhiều bất cập đặc biệt, không kiểm soát được một cách chặt chẽ tình hình thương mại qua biên giới để hàng lậu, hàng kém chất lượng, có dư lượng hóa chất vượt mức cho phép tràn vào Việt Nam”, PGS.TS Phạm Tất Thắng nói.

PGS.TS Phạm Tất Thắng chỉ ra, hạn chế thứ 2 là thông tin tình hình quản lý của 2 bên cửa khẩu, phía Việt Nam làm chưa tốt nên dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp, thương lái Việt Nam hành xử theo tin truyền tai nhau nên dẫn đến tình trạng hàng dồn lên nhưng bên kia thay đổi nên sẽ ứ lại.

Ngoài ra, là việc cho phép người qua lại biên giới được phép mang bao nhiêu lượng hàng hóa. Chính sách có mục tiêu là để phát triển giao thương, đi lại nên cho phép một người sang bên kia được phép mua một lượng hàng về không đánh thuế, không kiểm tra, khai báo nhưng hiện nay lại bị các phần tử xấu lợi dụng đi lại nhiều lần hoặc thuê người để mua gom.

PGS.TS Phạm Thắng Hải cũng cho biết, việc kiểm tra kiểm soát hàng hóa của Việt Nam qua biên mậu còn rất lỏng lẻo, ở cả cửa khẩu chính lẫn cửa khẩu phụ, thậm chí ở cửa khẩu phụ còn không kiểm tra.

Cửa khẩu chính khối lượng hàng hóa lưu thông lớn nhưng phương thức kiểm tra kiểm soát về an toàn vệ sinh, dư lượng hóa chất... chỉ mang tính chất lấy mẫu nên khó nhận biết được hàng độc hại vào Việt Nam.

Liên quan đến hàng rào kỹ thuật thương mại, Việt Nam chưa biết dựng lên, cũng không thể chỉ nói mà làm được mà cần có sự điều tra, nghiên cứu của các cơ quan chức năng, bộ ngành để có quy định thực thi và có lực lượng để kiểm tra kiểm soát, chế tài khi vi phạm.

Đặc biệt, là sự phối hợp giữa cơ quan chức năng ở các cửa khẩu chưa thật nhuần nhuyễn mặc dù đã có cách thành lập các tổ liên ngành, đóng chốt một vài chỗ nhưng vẫn mang tính chất rời rạc, chức năng của anh nào anh đấy làm.

Cuối cùng PGS. TS Phạm Tất Thắng chỉ ra tỷ lệ kinh phí thuế, lệ phí, phần thu được do biên mậu mang lại đã có quy định để lại cho các địa phương nhưng theo đánh giá tỷ lệ này chưa thỏa đáng.

“Đáng lẽ phải để nhiều hơn và phải giao trách nhiệm cho Chủ tịch tỉnh để Chủ tịch tỉnh có trách nhiệm trong việc chi tiêu theo quy định và họ biết chi tiêu vào đâu để rồi trang thiết bị đào tạo bồi dưỡng cán bộ, tổ chức mạng lưới thông tin phải được tổ chức”, PGS.TS Phạm Tất Thắng nói.

Làm ẩu, rủi ro là tất yếu

PGS.TS Phạm Tất Thắng cũng cho biết, một thực tế các mặt hàng chủ lực như gạo, cao su chủ yếu đi bằng đường tiểu ngạch đã ẩn chứa nhiều rủi ro nhưng lựa chọn đó là do các doanh nghiệp và thương lái của Việt Nam với cách làm ăn được chăng hay chớ và chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt.

Vì những rủi ro hiện hữu trong đó có việc Trung Quốc hạn chế thu mua khiến hàng ùn ứ, chuyên gia đề xuất thay đổi chính sách biên mậu

PGS.TS Phạm Tất Thắng thông tin, kể từ khi Trung Quốc trở thành thành viên WTO thì Việt Nam và Trung Quốc đều mong muốn phát triển chính ngạch nhưng chính ngạch có những quy chuẩn và cách làm ăn phải bài bản như qua hợp đồng, thanh toán qua ngân hàng, cửa khẩu chính phải kiểm tra kiểm soát của cả 2 bên...

“Một số doanh nghiệp thích đi tiểu ngạch, chỉ chở lên biên giới, sang bên Trung Quốc ngã giá, họ nhận hàng mình nhận tiền nhanh gọn tiện lợi nhưng ẩn chứa nhiều rủi ro”, PGS.TS Phạm Tất Thắng nói.

Theo đó, PGS.TS Phạm Tất Thắng, bình luận, đây là cách làm ăn mang tính chất được chăng hay chớ, chỉ thấy cái lợi trước mắt, mà không chú ý xây dựng quan hệ thương mại, bạn hàng lâu dài và tuân thủ quy định.

PGS.TS Phạm Tất Thắng cũng nhìn thẳng vào nguyên nhân, mặt hàng của Việt Nam có những mặt hàng sơ chế, có chất lượng thấp đi qua tiểu ngạch vẫn tiêu thụ được như gạo chất lượng thấp, mủ cao su, cao su sơ chế lẫn tạp chất, hạt điều vỡ… đưa sang tiểu ngạch vẫn tiêu thụ được.

Song cũng theo PGS,TS chuyện này qua thực tế cho thấy đi theo con đường này rủi ro nhiều.

Cụ thể, PGS.TS Phạm Tất Thắng nói: “Vì một lý do nào đó Trung Quốc đóng cửa hoặc có những quy định gây khó khăn lập tức hàng hóa của Việt Nam ứ lại hoặc thậm chí nhiều doanh nghiệp mang hàng sang chỉ nhận thanh toán đợt đầu còn đợt sau thương nhân Trung Quốc bùng và mình không biết họ là ai”.

VN nhập khẩu nhiều từ TQ vì sản xuất phục hồi?

Theo báo cáo của Bộ Công thương, 6 tháng vừa qua xuất khẩu sang Trung Quốc đã giảm nhưng nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn tăng gần 20% so với cùng kỳ, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải lý giải, xuất khẩu sang Trung Quốc giảm như vậy do chúng ta đang làm tốt việc tìm kiếm những thị trường khác, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh việc người Việt Nam dùng hàng Việt Nam.

“Như vải là ví dụ, trước đây đến 60% chúng ta xuất khẩu vải sang Trung Quốc nhưng hiện nay vải tiêu thụ nội địa chiếm tới 60% đặc biệt thị trường miền nam, không kể các thị trường có thể tiêu thụ các mặt hàng vải khô, vải qua chế biến”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng lý giải, nhập khẩu từ Trung Quốc lại tăng do sản xuất ở trong nước tiếp tục có dấu hiệu phục hồi, “Song chúng ta chưa làm tốt việc nhập khẩu hàng hóa vì vậy phải tăng cường từ nhiều thị trường khác và đẩy mạnh sản xuất trong nước thay thế nguyên liệu phải nhập”, Thứ trưởng chỉ đạo.

Theo Báo Đất Việt

Thêm bình luận

Họ tên
Email
Nữ doanh nhân