Thứ Sáu, Ngày 19 Tháng 4 Năm 2024

Đường mòn Inca chạy qua 6 quốc gia Nam Mỹ trở thành Di sản Thế giới

Thứ Ba, 24/06/2014 12:00
UNESCO vừa chính thức công nhận danh hiệu Di sản Thế giới cho một di tích cổ xưa nổi tiếng - đường mòn Inca chạy qua 6 quốc gia Nam Mỹ.

 


Đường mòn Inca

Việc được công nhận sẽ giúp đẩy mạnh hoạt động bảo tồn và phát triển du lịch đối với đường mòn Inca - một hệ thống đường xá được đánh giá là vô cùng kỳ công, thể hiện sự phát triển của Đế quốc Inca, có thể đem so sánh với hệ thống đường xá rất phát triển của Đế chế La Mã.

Trong kỳ họp tại Doha (Qatar) lần này, có khoảng 40 kỳ quan thiên nhiên - văn hóa được đệ trình lên UNESCO xét duyệt danh hiệu Di sản Thế giới. Trong đó, đường mòn Inca được coi là ứng viên tiềm năng bậc nhất.

Đường mòn Inca trải dài hơn 30.000 km, được xây dựng bởi người dân của Đế quốc Inca trong suốt hàng thế kỷ. Hệ thống đường này từ thế kỷ 15 đã giúp kết nối người dân Nam Mỹ trên cả một vùng rộng lớn mà ngày nay là 6 quốc gia - Argentina, Bolivia, Chile, Colombia, Ecuador và Peru.



6 quốc gia này đã cùng lập hồ sơ đệ trình lên UNESCO. Đường mòn Inca được công nhận là Di sản Thế giới sẽ giúp đẩy mạnh phát triển du lịch ở cả 6 quốc gia này. Họ đã cam kết sẽ cùng nhau thực hiện công tác bảo tồn, khôi phục hệ thống đường mòn nổi tiếng kỳ công, đi qua những thắng cảnh kỳ vĩ nhất của Nam Mỹ.

Việc được công nhận là địa danh Di sản Thế giới có vai trò quan trọng về kinh tế đối với quốc gia sở hữu địa danh đó, bởi gần như chắc chắn họ sẽ nhận được sự hỗ trợ về kinh tế đối với việc bảo tồn di tích. Du lịch cũng sẽ nhận được cú hích lớn bởi du khách thường rất quan tâm tới những địa danh được công nhận là Di sản Thế giới.



Đường mòn Inca ở thời kỳ thịnh vượng nhất hồi thế kỷ 15, khi đó, nó đã giúp kết nối kinh thành Cusco của Đế quốc Inca (ngày nay thuộc lãnh thổ Peru) với những vùng xa xôi, rộng lớn khác của Nam Mỹ.

Dựa trên quy mô và chất lượng của đường mòn Inca, người ta có thể khẳng định những thành tựu rực rỡ của Đế quốc Inca cùng tài năng, trí tuệ của những con người thời đó khi họ đã làm nên một con đường chạy dài hơn 30.000 km, đi qua rất nhiều địa hình đa dạng, từ dãy núi Andes ra tới bờ biển, chạy qua rừng mưa nhiệt đới, thung lũng, đồng bằng, sa mạc…



Cho tới nay, những gì còn lại của Đế quốc Inca không nhiều, trong đó, đường mòn Inca được coi là minh chứng độc đáo và thuyết phục nhất về sự phát triển của một nền văn minh đã từng một thời thịnh vượng ở Nam Mỹ.

Hệ thống đường này đã kết nối người dân ở khắp các vùng miền xa xôi, hẻo lánh nhất, giúp họ thông thương buôn bán, đi lại, giao dịch, thông tin và bảo vệ lãnh thổ suốt một thời kỳ dài.



Tuy vậy, chính hệ thống đường này về sau đã bị những người Tây Ban Nha tận dụng trong quá trình đi xâm lược các quốc gia Trung và Nam Mỹ hồi năm 1526.

Đường mòn Inca cho đến nay vẫn được coi là minh chứng cho một cuộc cách mạng văn hóa đã từng diễn ra ở Nam Mỹ từ hàng ngàn năm trước, là biểu tượng sức mạnh của Đế chế Inca một thời.

Hiện nay, đường mòn Inca không còn giữ được tính liên tục như trước đây bởi ở nhiều nơi, người dân đã canh tác, trồng cây lương thực lên cả con đường. Khi được công nhận, chính phủ 6 nước Nam Mỹ sẽ cùng hợp lực để khôi phục đường mòn, đảm bảo tính liên tục của nó.


Thành lũy Arbil

Bên cạnh đường mòn Inca, thành lũy Arbil của Iraq cũng được công nhận là Di sản Thế giới tại kỳ họp lần này. Đây được coi là tín hiệu lạc quan cho người dân Iraq giữa bối cảnh quốc gia này đang phải gánh chịu nhiều bất ổn, xung đột.



Thành lũy Arbil nằm ở trung tâm của thành phố Erbil (Iraq), đây là một trong những khu vực có người định cư liên tục và lâu đời nhất trên thế giới. Con người đã tới đây sinh sống từ ít nhất 6.000 năm trước.

Theo CNA/Naharnet/Dân trí

Thêm bình luận

Họ tên
Email
Nữ doanh nhân