Từ trong khói lửa chiến tranh những cánh hoa chè thơm ngát đã làm “rét rỉ sắt thép” quân thù. Để rồi khi anh bộ đội Nguyễn Đắc Xuân trên đường hành quân, đã để lại đôi dòng thơ thắm thiết đến say lòng: “Bóng mẹ đứng bao trùm sự cố/Nguồn tự hào trong máu tim anh/Đất sỏi đá mồ hôi người đổ xuống/Tháng năm thành những lối chè xanh”. Từ lối chè xanh ấy, những đóa hoa mong manh như tiếp thêm nghị lực cho đời. Đoàn quân đi có hoa chè đưa đường.
Đứng trên đỉnh Ứng Lãnh Sơn nhìn hai miệt vườn như hai bàn tay nắm chặt màu xanh cho quê hương xứ sở. Từ trong đôi bàn tay ấy, những cánh hoa trắng muốt như khơi dậy những điểm sáng tuổi thơ, quay về cùng kỷ niệm, gợi lên trong mắt ai những trò chơi của một thời vụng dại: “Em hái hoa chè cài trên tóc/Anh làm chú rể đón cô/Buổi tối ra đình chơi cút bắt/ Theo mùi thơm anh biết em ở đâu (thơ Nguyễn Đắc Xuân). Hoa chè thơm như một kỷ niệm chẳng bao giờ tàn phai, để rồi từ đó, nhìn những cánh hoa trắng muốt, như gặp lại một bóng hình dịu dàng bước ra trong hoài niệm.
Ở làng Truồi quê tôi, cây chè như gặp mảnh đất lành có nguồn nước ngọt ngào, không nơi nào sánh được, để rồi hòa quyện vào đó mà xanh lên một hình hài. Từ thuở nào, chè Truồi được nhiều người xem như là thú ẩm thực không thể thiếu trong đời sống hằng ngày, nên mỗi ngày vẫn có những chuyến xe chở chè Truồi ruổi rong bao phiên chợ. Thế nhưng, không nơi nào nấu được bát nước chè xanh và đậm đà như mạch nước hai bên miệt vườn này. Có lẽ cây chè nơi đây đã nguyện lòng bám chặt đất quê. Chiều nay, nhìn ly nước chè xanh nóng hổi mẹ rót cho ba như bài ca âu yếm, tôi thấy tim mình yếu đuối trong đôi ba ý nghĩ sẽ yêu hết lòng cô gái nào mến chuộng nước chè xanh.