Thứ Bảy, Ngày 11 Tháng 1 Năm 2025

Cánh diều vàng 2014: Phim tư nhân chắc thắng?

Thứ Hai, 17/03/2014 12:00
Ở hạng mục phim truyện điện ảnh, trong 13 phim dự tranh Cánh diều vàng có duy nhất 1 phim do Nhà nước sản xuất. Cánh diều vàng 2014 đang chứng kiến xu hướng xã hội hóa mạnh mẽ của điện ảnh Việt, khi bùng nổ các phim tư nhân được đầu tư mạnh tay có chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu công chúng. Nhiều phim còn được đánh giá là có cơ hội giật giải vàng trong mùa giải năm nay.

Nở rộ phim tư nhân

 

Nếu như những năm trước, các liên hoan phim hay giải Cánh diều vàng thường vắng bóng các phim do các hãng tư nhân sản xuất, thì hai mùa giải gần đây, điện ảnh Việt được mùa phim tư nhân, khi ngày càng có nhiều phim tư nhân có chất lượng tốt, được công chúng ghi nhận tham gia và giành giải.

 

Ở hạng mục phim truyện điện ảnh dự tranh giải Cánh diều vàng năm nay có đến 12 tác phẩm do các đơn vị tư nhân sản xuất, gồm: Tèo em, Và anh sẽ trở lại, Săn đàn ông, Sau ánh hào quang, Thần tượng, Hiệp sĩ guốc vông, Cô dâu đại chiến, Âm mưu giày gót nhọn, Đường đua, Tiền chùa, Gác kiếm, Tía ơi. Bộ phim duy nhất do Nhà nước đầu tư sản xuất tham gia tranh giải ở hạng mục phim truyện điện ảnh là “Những người viết huyền thoại”. 

 

Một cảnh trong phim "Cô dâu đại chiến" - bộ phim tư nhân đạt doanh thu "khủng". 

 

Không những áp đảo về số lượng, nhiều phim do các hãng tư nhân sản xuất còn được đánh giá cao về chất lượng, là những phim đáng xem trong năm 2013 như: Thần tượng (đạo diễn Quang Huy, Công ty CP Truyền thông Thế giới giải trí - WEPRO); Tèo em (đạo diễn Charlie Nguyễn, Công ty TNHH Phim Chánh Phương); Cô dâu đại chiến phần 2 (đạo diễn Victor Vũ, Công ty CP truyền thông và Giải trí Galaxy - Công ty CP Giải trí Thần Đồng); Đường đua (Chi nhánh Công ty TNHH Hãng phim Xanh)… Một số nhà chuyên môn đã đưa ra dự báo, Giải Cánh diều vàng năm nay phim tư nhân sẽ giành chiến thắng ở nhiều hạng mục.

"Âm mưu giày gót nhọn" đã giải quyết được bài toán về doanh thu và chất lượng. 

 

Ngoài những lời khen ngợi về nghệ thuật, nhiều phim ngay từ khi mới ra rạp đã đạt những con số ấn tượng về doanh thu: “Tèo em” đạt doanh thu khủng 15 tỉ đồng sau 3 ngày công chiếu; “Cô dâu đại chiến 2” đạt gần 40 tỉ sau 2 tuần chiếu rạp; “Âm mưu giày gót nhọn” thu 7,5 tỉ trong 4 ngày chiếu đầu tiên. Rồi một loạt những cái tên khác cũng đều thu được những con số ấn tượng từ các phòng vé.

Nhiều phim được các nhà làm phim tư nhân rót tiền mạnh tay, đầu tư thiết bị, máy móc hiện đại để có những cảnh quay đẹp, đóng góp những bộ phim chất lượng cho công chúng yêu điện ảnh.

Xu hướng xã hội hóa mạnh mẽ trong điện ảnh Việt

Sự áp đảo của phim do các hãng tư nhân sản xuất tham gia tranh giải Cánh diều vàng năm nay đã phần nào xóa bỏ định kiến của dư luận trước đây về dòng phim thị trường. Điều này cũng chứng tỏ xu hướng xã hội hóa mạnh mẽ trong bộ môn "nghệ thuật thứ bảy". 

Trong khi các hãng phim nhà nước loay hoay với việc tìm đề tài, chờ Nhà nước duyệt kinh phí, các dự án phim kéo dài từ năm này qua năm khác, thì các hãng tư nhân tự xoay xở nguồn vốn, tìm nhà tài trợ và phần lớn họ đã giải được bài toán doanh thu khi sản xuất những phim đáp ứng thị hiếu công chúng. Nhiều hãng phim tư nhân sản xuất những bộ phim giải trí để thu lời, rồi lấy lời đó đầu tư sản xuất phim nghệ thuật, dự tranh giải thưởng.

“Thiên mệnh anh hùng" (Phương Nam phim), “Bi, đừng sợ” (nhà sản xuất Nguyễn Hoàng Điệp)... là những phim tư nhân được đánh giá cao và đã đoạt nhiều giải thưởng lớn nhỏ trong và ngoài nước. Điều này không những đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ về số lượng, mà những đóng góp nhằm nâng cao chất lượng dòng phim giải trí của các hãng phim tư nhân cũng đã được ghi nhận.

Một cảnh quay đẹp trong "Thiên mệnh anh hùng".

 

Theo nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát thì sự áp đảo của phim đến từ các hãng tư nhân là dấu hiệu mừng, đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ của điện ảnh Việt. Thể loại phim đa dạng, đề cập đến nhiều mặt của cuộc sống. Đây thực sự là tín hiệu vui và phù hợp với xu hướng phát triển của điện ảnh thế giới.

Còn theo nhận định của ông Trần Hinh - Chủ nhiệm bộ môn Nghệ thuật học (khoa Văn học – ĐH KHXHNV), trong thời gian tới, điện ảnh nước ta sẽ có khuynh hướng làm phim độc lập. Các nhà làm phim sẽ đầu tư mạnh tay để cho ra đời các bộ phim có chất lượng, các đạo diễn sẽ tự mình xoay xở, xin tài trợ trong và ngoài nước để có thể cho ra đời những bộ phim nghệ thuật có giá trị cao. 

 

 
Nguồn: Lao động

Thêm bình luận

Họ tên
Email
Nữ doanh nhân