|
Đại sứ Lê Huy Hoàng trình bày về tình hình Biển Đông tại hội thảo. Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi. |
Đại sứ quán Việt Nam tại thủ đô Pretoria, Nam Phi, hôm 12/6 tổ chức hội thảo về tình hình Biển Đông trước việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép sâu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Hội thảo thu hút hàng chục đại biểu, trong đó đại diện ngoại giao của nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật Bản.
Đại sứ Việt Nam tại Nam Phi Lê Huy Hoàng cập nhật những diễn biến mới nhất về tình hình căng thẳng tại Biển Đông, nhấn mạnh những hành động gây hấn của Trung Quốc trong hơn một tháng qua. Đại sứ nhấn mạnh thiện chí, chủ trương giải quyết bằng biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế của Việt Nam, đồng thời kêu gọi thế giới ủng hộ Việt Nam, lên tiếng phản đối hành động phi lý của Trung Quốc.
Nhiều đại diện trong ngoại giao đoàn các nước đã lên tiếng ủng hộ cách hành xử của Việt Nam. Họ còn tranh luận về những biện pháp xử lý tranh chấp với Trung Quốc trong thời gian tới, cho rằng Việt Nam có thể tận dụng hơn nữa các cơ chế, diễn đàn liên quan, có thể áp dụng bài học trong việc xử lý tranh chấp tại các khu vực thời gian qua.
Đại sứ quán Việt Nam tại Hy Lạp mới đây cũng tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ nhằm thông tin cụ thể về việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và tài phán của Việt Nam tại Biển Đông.
Đại diện sứ quán nêu rõ tính chất nguy hiểm và hung hãn của hành động mà phía Trung Quốc đã và đang tiến hành tại Biển Đông, đồng thời tái khẳng định chủ trương Việt Nam trong giải quyết tranh chấp. Đài truyền hình SBC của Hy Lạp phát nhiều lần bản tin về việc Trung Quốc đặt giàn khoan trong vùng biển của Việt Nam.
Đại sứ quán còn tổ chức chương trình đặc biệt mang tên "Meet My Country - Viet Nam'' tại trụ sở ở thủ đô Athens. Đại sứ Việt Nam tại Hy Lạp Vũ Bình thuyết trình và chiếu phim tài liệu về vấn đề Biển Đông.
Video Đại sứ tại Hy Lạp khẳng định chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa
Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ hôm 3/6 cũng tổ chức hội thảo "Các sự kiện ở Biển Đông và hậu quả tiềm tàng về pháp lý và kinh tế", thu hút nhiều nhà ngoại giao, nghị sĩ, luật sư, tại Bỉ. Nhiều đại biểu đã lên tiếng phản đối đòi hỏi vô lý của Trung Quốc về đường lưỡi bò.
Phó chủ tịch Phái đoàn quan hệ với ASEAN của Nghị viện châu Âu (EP) nhấn mạnh EP cần sớm ra nghị quyết phê phán Trung Quốc và đề nghị Trung Quốc sớm rút giàn khoan ra khỏi khu vực thềm lục địa của Việt Nam. Các đại biểu cùng nhất trí cần tiếp tục tổ chức hội thảo về thông tin tương tự để công luận biết, chia sẻ với Việt Nam và phản đối hành động phi lý của Trung Quốc.
|
Hội thảo khoa học về Biển Đông ở Áo. Ảnh: Bộ Ngoại giao cung cấp |
Viện nghiên cứu Đông Nam Á, thuộc Đại học Vienna của Áo, hôm 13/6 tổ chức hội thảo "Xung đột ở Biển Đông: Trung Quốc, Việt Nam, Philippines" với sự tham gia của khoảng 80 nhà nghiên cứu, hoạt động xã hội, sinh viên cùng kiều bào Việt Nam, Trung Quốc.
Viện nghiên cứu có một bài trình bày chi tiết, điểm lại lịch sử vấn đề Biển Đông, nội dung yêu sách của các nước liên quan trong khu vực, những diễn biến gần đây và nêu lên một số khả năng dự báo. Đại sứ Việt Nam tại Áo Nguyễn Thiệp đã cung cấp thông tin cập nhật và nêu rõ căng thẳng ở Biển Đông là do hành động đơn phương của Trung Quốc, mong muốn dư luận Áo và các nước châu Âu sẽ tiếp tục lên tiếng ủng hộ việc giải quyết hoà bình vấn đề Biển Đông trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Trước đó, các Đại sứ quán Việt Nam ở nhiều nước đã tổ chức thông báo cho cộng đồng người Việt và các phái đoàn ngoại giao về tình hình trên Biển Đông từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Việt kiều sinh sống ở khắp nơi trên thế giới cũng tổ chức nhiều cuộc tuần hành để phản đối những hành vi xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc và quyên góp tiền để ủng hộ các chiến sĩ đang canh gác biển đảo của quê hương.