Mọi chuyện bắt đầu khi ông chủ tịch xã Toàn Nha (nghệ sĩ Tuấn Hải) được Văn Sửu (nghệ sĩ Xuân Bắc) cố vấn đổi tên xã Cà Hạ thành Hùng Tâm. Với quyết tâm "phấn đấu để mỗi sáng mai thức dậy, người dân Việt Nam đều mơ ước là dân xã Hùng Tâm", ông chủ tịch đã gắn cho các xã viên những cái mác thật oách. Từ đó, những người nông dân chân chất, thật thà được mang các danh hão: Chủ nhiệm Trung tâm Công nghệ, Đội trưởng Xây dựng kiến thiết, Chủ nhiệm Công ty Dịch vụ, Chủ nhiệm Trung tâm Xay xát...
|
Từ trái qua: Nghệ sĩ Xuân Bắc, Tuấn Hải, Phú Đôn có những màn tung hứng trong vở kịch. |
Cả xã Cà Hạ vốn chỉ có nghề trồng lúa, chăn nuôi, nay bỏ bê công việc để chạy theo cái mác mới là xã công nghiệp, lấy nghề làm pháo và buôn lông ngan, lông vịt làm mũi nhọn. Sau 8 tháng ra quân, điều to tát nhất mà cả xã làm được là xây một trung tâm xã với kiến trúc "dân tộc kết hợp với hiện đại", cột theo kiến trúc La Mã, cửa vòm Hy Lạp, ở giữa là đôi rồng chầu của Việt Nam. Ruộng vườn bỏ bê không ai trồng cấy, lợn gà không được chăm chút, ai cũng mải chạy theo những điều to tát mà ông chủ tịch xã vạch ra.
Rồi ông Toàn Nha quyết định làm lễ báo công sau tám tháng đổi mới. Ông cho mời nhà văn quốc gia, phóng viên truyền hình phỏng vấn về sự phát triển của xã mình. Để có thể che mắt quan khách, ông Toàn Nha và cố vấn Văn Sửu bày ra đủ trò gian dối. Ông chủ tịch xã quyết định cho học sinh nghỉ học, mượn lớp học làm chuồng lợn, biến thành khu chuồng trại chăn nuôi lớn. Kho lông ngan, lông vịt để làm nguyên liệu cho ngành sản xuất phất trần, chổi lông gà không đủ thì chất những bao rơm bên dưới, để những bao lông gà lông vịt lên trên...
Màn kịch thêm thú vị khi hai phóng viên truyền hình và ông nhà văn Chu Văn rởm xuất hiện. Các xã viên đều biết việc làm gian dối của mình, nhưng không ai nói với ai bởi đã trót gắn lên mình những cái mác. Bởi thế, phóng viên, nhà văn rởm có cơ hội đục khoét, hòng trục lợi từ tính háo danh.
Mọi chuyện chỉ bị lật tẩy sau cả quá trình đấu tranh nội tâm của nhân vật Hưng (nghệ sĩ Dũng Nam). Anh quyết định công bố mình chỉ là thuyền trưởng một con tàu kéo xà lan chở phân đạm cho nông dân, chứ chẳng phải truyền trưởng tàu viễn dương như mọi người phong.
Vở kịch kết thúc sau tiếng nổ "đoàng", do ông Toàn Nha trong lễ rước đuốc mừng công đã làm lửa bén vào kho thuốc pháo. Ông Toàn Nha bị thương tích, Văn Sửu và các xã viên cũng te tua vì trận nổ. Còn gì châm biếm hơn là bị thương tích bởi sự "nổ" quá to của chính bản thân mình.
|
Một hình ảnh trong vở diễn. |
Xuyên suốt vở kịch là những hành động dở khóc dở cười của các xã viên xã Hùng Tâm, là những pha tung hứng của Toàn Nha và Văn Sửu - cặp tự ví như Lê Lợi và Nguyễn Trãi... Mọi diễn biến của tác phẩm đều là những tình tiết của hài kịch, cho tới khi hạ màn, triết lý sâu sắc mới được đưa ra. Câu nói thản nhiên của ông Đội trưởng Sản xuất (nghệ sĩ Phú Đôn): "Tao cũng không phải là tao nữa" thể hiện căn bệnh sĩ có trong mỗi người, và có thể biến đổi mỗi con người theo chiều hướng tiêu cực. Và câu hỏi đầy day dứt của nhân vật Hưng: "Tại sao không yêu quý những điều thật thà, mà lại ưa những thứ giả dối" chính là thông điệp khiến vở diễn với bối cảnh xã hội hoàn toàn xưa cũ vẫn giữ được giá trị trong đời sống ngày nay.
Dù có nhiều yếu tố hài hước, gây cười, Bệnh sĩ cũng mang những đặc điểm giống các vở kịch khác của Lưu Quang Vũ. Các nhân vật trong kịch của ông đều không có người xấu, ý nghĩa kịch luôn mang thông điệp về sự trung thực, đạo đức, nhân cách, điều cao đẹp ở đời.
Năm 1988, Nhà hát Kịch Việt Nam từng dàn dựng thành công vở Bệnh sĩ, do NSND Đình Quang làm đạo diễn, được khán giả thời đó đón nhận. Sau hơn 20 năm, Bệnh sĩ quay lại sân khấu thủ đô qua sự dàn dựng của NSƯT Tuấn Hải, và sự cố vấn nghệ thuật của NSND Đình Quang. Vở kịch quy tụ nhiều diễn viên nổi tiếng như Xuân Bắc, Phú Đôn, Tuấn Hải, Ngân Hoa