Không nên khoe khoang là một trong những điều cha mẹ luôn nhắc nhở tôi từ khi còn nhỏ. Mẹ thường treo bằng khen của tôi trên cửa tủ lạnh, thế nhưng mỗi khi có khách vào chơi, mẹ tôi lại cất những giấy tờ ấy vào ngăn kéo. Bà nói: “Chẳng ai ưa một kẻ hay khoe khoang cả. Con chỉ cần cúi đầu xuống mà làm việc chăm chỉ rồi người ta sẽ để ý.”
Làm thế nào để thể hiện bản thân mà không bị coi là khoe mẽ?
Tuy nhiên đến khi bắt đầu đi làm cho các công ty, tôi mới nhận ra rằng sự ác cảm với việc tự thể hiện bản thân có thể gây ra nhiều cản trở cho sự nghiệp của mình. Chúng ta không thể mặc định rằng người khác sẽ tự nhận ra thành quả mà chúng ta đạt được. Hay nói một cách hình ảnh hơn nếu một cố gái tự mình đốn hạ được một cây cổ thụ trong khu rừng hoang thì cũng chẳng có ai biết mà ca ngợi cô ấy.
Chấp nhận hay không thì tự thể hiện bản thân cũng là một phần không thể thiếu trong công việc. Những người biết cách tự quảng bá bản thân thường được đề bạt và nhận được những vị trí tốt. Rõ ràng, hành động không phải lúc nào cũng có trọng lượng hơn lời nói.
Có rất nhiều tác động từ quan niệm xã hội, văn hóa và gia đình ngăn cản chúng ta tự đánh bóng cho hình ảnh của mình. Người ta thường mắc phải hai sai lầm: hoặc quá đề cao bản thân hoặc quá tự hạ thấp mình. Tìm điểm cân bằng giữa hai trạng thái này không phải là việc dễ dàng. Tuy nhiên, nếu biết cách giao tiếp, bạn có thể chia sẻ những thành công của mình mà không sợ bị cho là khoe khoang.
Để bắt đầu, bạn nên học cách sử dụng các mẩu chuyện nhỏ với vài thông tin cá nhân như bạn là ai và đã làm được những gì. Những câu chuyện này nên được áp dụng trong lần đầu gặp gỡ như một sự giới thiệu. Nếu bạn có thể ca ngợi một người bạn trước mặt người khác thì tại sao lại không thể làm thế với chính mình? Hãy nghĩ tới một vài điểm tích cực mà mình có thể giới thiệu và chuẩn bị để nói về chúng trong những cuộc trò chuyện với sếp hay đồng nghiệp.
William Arruda, chủ tịch “Xây dựng hình ảnh cá nhân”, từng nói bước đầu tiên của nghệ thuật quảng bá bản thân là biểu hiện. “Xây dựng thương hiệu cho bản thân không chỉ là việc kể lể với người khác về khả năng của bạn mà bạn còn cần phải chứng tỏ năng lực ấy.” Ông cũng nói thêm rằng người nhân viên nên hiểu rõ vị trí mà mình có thể đóng góp nhiều nhất và cố gắng chứng tỏ mình phù hợp với vị trí đó. Nếu bạn có khiếu sáng tạo, hãy thể hiện nó trong các buôi họp nhóm. Đừng ngại đảm nhận những nhiệm vụ khó khăn nhất. Bởi lẽ nếu bạn làm được những việc mà không ai muốn/dám làm, bạn sẽ nhận được nhiều sự chú ý.
Ngoài ra, thay vì nói cho mọi người biết về thành quả của bạn, hãy tìm những người sẵn lòng nói về bạn. Hành động này sẽ giúp ích cho cả hai phía. Nếu bạn khen ngợi thành tích của đồng nghiệp thì họ cũng sẽ làm như vậy với bạn.
Chấp nhận sự khen ngợi. Khi ai đó tán dương thành quả của bạn, đừng tự hạ thấp mình bằng cách nói rằng: “Việc này chẳng khó quá đâu” hay “Đơn giản ý mà”. Ngược lại hãy cảm ơn hoặc lịch sự hơn: “Cảm ơn anh. Anh thật tốt vì đã để ý”.
Bạn nên ghi lại những thành tựu của mình bao gồm những gì mình đã làm và tại sao điều đó lại quan trọng. Đừng quên ghi chú cả những lời khen mà bạn nhận được. Làm như vậy cũng là một cách để bạn giúp sếp của mình. Các nhà quản lí thường rất bận rộn, họ không thể nhớ được tất cả những gì bạn làm. Hơn nữa, các sếp rất thích tin tốt. Vì vậy, khi bạn đạt được thành công lớn trong công việc, hãy gửi cho họ một email ngắn gọn báo tin tốt lành đó.
Bạn cần để người khác biết sự nỗ lực cũng như khả năng của mình và hãy tự vào về chúng.