Thứ Sáu, Ngày 27 Tháng 12 Năm 2024

Tôn trọng phụ nữ giúp Microsoft thành ‘Nơi làm việc tốt nhất ngành phần mềm’ Việt Nam

Thứ Năm, 20/02/2014 12:00
Tôn trọng nhân viên, nhất là nhân viên nữ và không ngừng truyền cảm hứng.

 

Ngày 14/2/2014 Mạng tuyển dụng Anphabe.com đã Công bố Kết quả khảo sát “100 nơi làm việc tốt nhất”. Tại buổi tọa đàm, lãnh đạo của các tập đoàn lớn được xếp hạng trong Top 10 đã có những chia sẻ bổ ích về việc xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng hấp dẫn cho doanh nghiệp của mình.

Là Tổng giám đốc của Microsoft Việt Nam – công ty được bình chọn là “Nơi làm việc tốt nhất ngành phần mềm” tại Việt Nam, ông Vũ Minh Trí đã bật mí nhiều kinh nghiệm xây dựng thành công thương hiệu và văn hóa của doanh nghiệp này.

Đảm bảo trong nội bộ công ty, mọi người đều cảm thấy rằng đây là nơi tốt nhất để họ làm việc

Ông Trí cho rằng, việc đầu tiên để xây dựng thương hiệu không phải là quảng cáo ra bên ngoài, mà phải làm ở nội bộ trước tiên.

“Không thể nào xây dựng được thương hiệu khi mà bên ngoài người ta nhìn vào, thấy Microsoft tốt, trong khi đó, chính bên trong công ty, nhân viên lại không hiểu: tại sao Microsoft lại được bầu chọn là Nhà tuyển dụng hàng đầu trong lĩnh vực này. Đó sẽ là điều bất ổn cho công ty và cho những người làm lãnh đạo như tôi”.

Ông Trí nhấn mạnh “Điều đầu tiên là phải đảm bảo là trong nội bộ công ty, mọi người đều cảm thấy là công ty này là công ty tốt nhất để họ làm việc”.

Tôn trọng phụ nữ

Vị lãnh đạo này chia sẻ, hàng năm, Microsoft đều tổ chức một chương trình mang tên “Tiếng nói của nhân viên trong Microsoft”.

Chương trình này tập trung chi tiết vào việc tất cả các nhân viên đều được viết Feedback (phản hồi) cho lãnh đạo của mình. Nội dung gồm những nhận xét về: Văn hóa công ty ra sao?/Đội ngũ lãnh đạo như thế nào?/ Lương thưởng phúc lợi có tốt không?/ Mọi người có được đối xử công bằng không?/… và một tiêu chí đặc biệt (tại Microsoft) là: Microsoft có tôn trọng phụ nữ hay không?

CEO Microsoft Việt Nam cho biết, thực tế, Microsoft có chỉ tiêu cho CEO phải đảm bảo 40% nhân sự trong công ty là nữ. “Có những lúc chỉ được tuyển nhân viên nữ, không được tuyển nam vì đã quá chỉ tiêu dành cho nhân viên nam”.

Theo lãnh đạo Microsoft, kết quả phản hồi rất quan trọng. Bởi khi nhìn vào kết quả này, có thể thấy được: Đối với phòng bán hàng, phản hồi của nhân viên ra sao?/ Vấn đề ở bộ phận bán hàng là gì?/ Lương thưởng có thỏa đáng chưa?/ Nhân viên có được tôn trọng hay không?… Đối với phòng nhân sự thì sao? Các phòng ban khác như thế nào?…

Dựa vào kết quả này, công ty có thể tự đánh giá và định hướng tốt hơn trong việc xây dựng thương hiệu doanh nghiệp mình trong tương lai.

“Người truyền giáo”

Nói về văn hóa ở Microsoft, khá nhiều người ấn tượng với chức danh mà không ở đâu có – “Người truyền giáo”. Giải đáp thắc mắc về vai trò của chức danh này trong văn hóa công ty, CEO Minh Trí đã có những giới thiệu rất thú vị.

“Điều khiến cho Microsoft trở thành nơi làm việc hấp dẫn là nhân viên phải luôn học hỏi và vận động, và chỉ phù hợp với những ai thích học hỏi, thích vận động”.

Ông Trí lý giải: “Công nghệ thay đổi đã khiến mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn so với 1-2 năm trước. Sắp tới chúng ta có thể nhìn thấy nghiệp vụ trên điện toán đám mây có thể thay đổi mọi cách thức làm việc của chúng ta từ máy tính bảng, điện thoại di động… Như vậy, một người làm việc cho Microsoft, quan trọng nhất là phải có đam mê và học hỏi”.

“Một nhân viên rất giỏi làm việc cho Microsoft cách đây 1-2 năm, nếu dừng học tập 1 ngày thì 1 năm sau sẽ trở nên lạc hậu, và dần dần thành vô dụng”, ông Trí nhấn mạnh.

“Việc truyền cảm hứng đam mê và học hỏi, chúng tôi không chỉ muốn duy trì trong nội bộ một công ty, mà còn là gần 200 công ty của tập đoàn Microsoft, cùng hơn 500 đối tác của Microsoft, với 5.000 nhân viên làm việc liên quan đến Microsoft. Và đó chính là nhiệm vụ của những ‘Người truyền giáo’”.

Niềm tự hào giúp các “ngôi sao” ngồi cùng mâm

Cuối cùng, về cách tiếp cận khi tuyển và sử dụng nhân tài, nhất là nơi có quá nhiều “ngôi sao” như ở Microsoft, Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam Vũ Minh Trí bật mí:

“Chúng tôi không nói rằng Microsoft là công ty lớn, chúng tôi tuyển anh/chị vào để làm gì ở đây. Microsoft tiếp cận bằng cách cho biết công ty luôn có thử thách, trong nhiều lĩnh vực (ví như làm thế nào để tiếp cận với khách hàng mảng tiêu dùng, khi mà công ty không có kinh nghiệm về tiêu dùng và bán lẻ….). Chúng tôi tuyển các anh/chị tham gia đội ngũ này để giúp Microsoft giải quyết thử thách đó”.

Kết quả là: “Ngôi sao” đó phải chứng minh được bản thân có kĩ năng đóng góp cho công ty, họ sẽ phải say mê giúp cho Microsoft phát triển mạnh hơn, và tự hào vì trước đó công ty không được như vậy. Niềm tự hào đó chính là bí quyết để các “ngôi sao” có thể làm việc chung với nhau.

Ở vị trí điều hành cao nhất trong công ty, bản thân từng làm việc tại doanh nghiệp nhà nước, sau đó làm việc cho công ty nước ngoài, ông Trí nhận xét: “Với một công việc dành cho 1 người, doanh nghiệp Việt Nam thường giao cho 5 người khác nhau đảm trách, với cùng 1 mức lương. Trong khi đó, một số công ty nước ngoài đề cao hiệu quả công việc, họ sẽ quan tâm một người làm ra được năng suất bao nhiêu. Đó là điểm khác biệt”.

Theo Trí Thức Trẻ/Anphabe

Thêm bình luận

Họ tên
Email
Nữ doanh nhân