1. Chăm sóc
Con cái cần cảm nhận được sự quan tâm, chăm sóc của người mẹ. Ngày nay, việc nuôi dạy con trở nên khó khăn hơn vì cuộc sống của chúng ta thường rất bận rộn. Bạn nên cố gắng dành nhiều thời gian hơn với con và để con hiểu rằng bé là một phần quan trọng của cuộc sống chúng ta. Hãy đưa con đến công viên vào cuối tuần, nấu một bữa ăn sáng ngon, đọc một câu chuyện cổ tích trước khi đi ngủ. Bạn sẽ thấy rằng tất cả nỗ lực của bạn sẽ được đền đáp.
|
Ảnh: goodenoughmother. |
2. Vui đùa với con
Nếu bạn muốn gần gũi con hơn, đừng quên vui đùa với con. Trẻ em thường rất thích được vui đùa. Hãy tận hưởng thời gian với con bạn. Cha mẹ tốt luôn luôn biết những sở thích, sở trường của con cái.
3. Học cách lắng nghe trẻ
Đôi khi người lớn nghĩ rằng con cái không cần giao tiếp nhiều với họ. Điều đó dẫn đến họ không hiểu mong muốn được nói chuyện nhiều hơn với cha mẹ của các con. Giao tiếp với cha mẹ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển nhân cách của trẻ. Một người mẹ tốt là người có thể nói chuyện và cho con cái những lời khuyên. Cố gắng lắng nghe nhu cầu và mong muốn của con bạn. Trong trường hợp này bạn sẽ trở thành một phần của cuộc sống của chúng.
4. Tình cảm
Chắc chắn cách tốt nhất để trở thành một người mẹ tuyệt vời là xây dựng mối liên kết bền vững với con. Điều quan trọng là bạn phải hiểu con mình. Hãy yêu hết lòng, quan tâm và thể hiện tình cảm với con. Nếu nhận thấy trẻ có hành vi không ngoan, hãy chú ý nhiều hơn tới bé. Đó có thể chỉ là bé muốn được bạn quan tâm hơn.
5. Gương mẫu
Chắc chắn con cái luôn cố gắng làm theo những hành vi và lối sống của cha mẹ, từ sở thích đến quần áo và kiểu tóc. Đó là lý do tại sao chúng ta nên cẩn thận về những hành vi của mình và hãy nhớ rằng mình là hình mẫu của con trẻ. Trẻ em bắt chước tất cả hành vi và việc làm của chúng ta một cách dễ dàng ngay cả khi chúng ta làm sai. Chúng ta truyền cảm hứng cho con cái trong suốt cuộc đời. Con cái cần sự hỗ trợ của chúng ta để trở nên mạnh mẽ và hạnh phúc.
6. Đừng quá bao bọc
Điều này có thể xảy ra khi người mẹ dành quá nhiều tình yêu và sự quan tâm đến con. Hãy cố gắng tránh điều này và giữ một khoảng cách với bé. Ví dụ, có những bà mẹ luôn theo sát con. Họ đến trường mỗi ngày chỉ để mang bữa cơm trưa cho trẻ. Đó là sai lầm. Hãy nhớ rằng trẻ em cần chút riêng tư. Nếu bạn làm mất sự riêng tư của chúng, trẻ sẽ cảm thấy khó chịu. Trẻ em không thể trưởng thành và phát triển nhân cách nếu chúng thiếu tính độc lập.
7. Biết cách chấp nhận
Đôi khi bạn cố gắng nói chuyện và chia sẻ quan điểm với con chỉ tạo nên sự bất đồng. Các khuyến nghị tốt nhất cho bà mẹ trong những tình huống này là chấp nhận. Ngay cả khi bạn thấy rằng con làm sai cũng đừng làm con cảm thấy có lỗi. Điều bạn phải hiểu là có một khoảng cách thế hệ giữa cha mẹ và con trẻ. Đó có thể là một trong những lý do cho sự hiểu lầm của bạn. Cố gắng hiểu rằng trẻ nhìn nhận cuộc sống khác với bạn. Nếu bạn liên tục rầy la con về những lỗi lầm và hành vi sai trái của chúng, bạn sẽ khiến chúng nổi loạn và mất kiểm soát hơn.
8. Tương tác với con
Khả năng lắng nghe một đứa trẻ và cho con một lời khuyên hữu ích sẽ giúp ích rất nhiều. Nhưng bạn nên nhớ rằng khi đưa ra lời khuyên cho con, hãy cố gắng xem xét qua sở thích và sở trường của con. Đừng ép trẻ làm điều mà bạn thích. Hãy nhìn nhận vấn đề qua đôi mắt của con trẻ.
9. Có quy tắc
Thiết lập những quy tắc với con là rất quan trọng. Cần có sự phân biệt rõ ràng giữa bạn bè và cha mẹ. Điều đó không có nghĩa rằng bạn không thể là một người bạn của con, nhưng chắc chắn chúng phải tôn trọng và lắng nghe các quy tắc và mong muốn của bạn. Hãy chú ý để thiết lập và duy trì một số quy tắc.