Nhà nữ khoa học có dáng người nhỏ bé, tóc búi, quần ta đen, thuần Việt đến độ anh nhân viên khách sạn đùa “nhìn quê quê”. Bà quả thực không giống lắm với hình dung của tôi về người phụ nữ Việt có hơn nửa thế kỷ sinh sống, làm việc ở Pháp.
GS Lê Kiêm Ngọc thăm Làng trẻ em SOS Đồng Hới, tháng 9/2012. Ảnh: Hàm Châu |
Ông – bà Giáo sư
Tháng bảy vừa qua, giới khoa học Việt Nam sửng sốt khi sự kiện Gặp gỡ Việt Nam lần thứ chín, do Hội Gặp gỡ Việt Nam của GS Trần Thanh Vân tổ chức, kéo dài tới 20 ngày (28/7-17/8) với sự tham gia của hơn 200 nhà khoa học đến từ 30 quốc gia trên thế giới.
Trong đó có nhiều nhà vật lý nổi tiếng của thế giới như GS Jack Steinberger, GS David Gross, GS Georges Smoot, GS Sheldon Glashow, GS Klaus von Klitzing – những nhà bác học đoạt giải Nobel vật lý.
Ngoài ra, có GS Rolf Heuer, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu (CERN), nơi khám phá ra hạt boson Higg gây chấn động giới khoa học năm 2012. GS Michael Turner, Chủ tịch hội Vật lý Mỹ cũng có mặt. Một sự kiện khoa học Việt Nam hiếm hoi, nếu không muốn nói là chưa từng có, quy tụ nhiều nhà khoa học lừng danh đến thế.
Quy mô chưa từng có của Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 9 có thể thấy rõ qua chuỗi hoạt động dày đặc trong suốt hai mươi ngày ở phố biển Quy Nhơn (Bình Định) . Bốn hội nghị quốc tế chuyên sâu, hai lớp học chuyên đề. Một hội thảo, một lớp học tập huấn và nhiều cuộc gặp bên lề.
Đáng chú ý nhất có lẽ là lễ khánh thành Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành, có Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, khi ấy, đương nhiệm Phó Thủ tướng tham dự. Tổ hợp kiến trúc rộng tới 20 ha này có khu hội trường, khu khách sạn, nhà chiếu hình vũ trụ, có dòng sông, lối mòn dạo bộ. Tất cả đều do Hội Gặp gỡ Việt Nam và vợ chồng GS Trần Thanh Vân sáng lập.
Gặp gỡ Việt Nam hoành tráng là thế, nhưng ít ai biết, để tổ chức sự kiện này, ngoài cô thư ký làm việc bán thời gian, còn lại, đều do bàn tay của vợ chồng giáo sư Trần Thanh Vân - Lê Kiêm Ngọc đảm nhiệm. “Hai vợ chồng tôi mất hai năm chuẩn bị sự kiện này. Đêm nào chúng tôi cũng thức khuya”, GS Trần Thanh Vân kể lại.
Trong suốt thời gian diễn ra gặp gỡ Việt Nam lần thứ 9, nhiều nhà khoa học đã quen với hình ảnh người phụ nữ Việt nhỏ bé, tóc bạc, giản dị, nhanh nhẹn, lúc xuất hiện ở hội trường bắt tay, trò chuyện với các nhà khoa học Tây, ta, khi ở khu vực nhà bếp, đôn đáo phục vụ chuyện ăn uống. Bà cũng thay GS Trần Thanh Vân cầm điện thoại, để mỗi lần cánh phóng viên gọi đến, nghe thấy giọng hiền từ của một phụ nữ đứng tuổi: “Chào em, chú Vân đang bận, cô có thể giúp gì cho em không?”.
Vợ chồng GS Trần Thanh Vân - Lê Kiêm Ngọc. Ảnh: Le Monde |
Đồng hành với chồng trong tất cả các hoạt động khoa học, từ thiện mà GS Trần Thanh Vân miệt mài thực hiện hơn nửa thế kỷ nay (năm 2012, ông là người châu Á thứ 3 nhận huy chương Tate của Viện Vật lý Mỹ dành cho những người có công lao to lớn trong việc tổ chức và lãnh đạo các hoạt động vật lý trên quy mô quốc tế), GS Lê Kiêm Ngọc được những người bạn trong giới khoa học ngợi ca.
GS Sheldon Lee Glashow (Nobel vật lý 1979) nói: “Đó là người phụ nữ châu Á tuyệt vời nhất mà tôi từng gặp”. Từ lâu giới khoa học trong nước và quốc tế cũng quen gọi ông – bà GS Vân khi nhắc đến những hoạt động do GS Trần Thanh Vân tổ chức.
Nữ nhà khoa học Việt được Pháp vinh danh
Năm 1953, Lê Kiêm Ngọc, quê Vĩnh Long, sang Pháp học tại Đại học Sorbonne (Paris). Ba năm sau, bà tốt nghiệp hạng ưu ngành khoa học tự nhiên rồi làm nghiên cứu sinh tại Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học (CNRS) của Pháp, bắt đầu nghiệp nghiên cứu.
Lee Glashow (Nobel vật lý 1979) nói: “Đó là người phụ nữ châu Á tuyệt vời nhất mà tôi từng gặp”. |
Giữa thập niên 70 của thế kỷ trước, bà xuất hiện trên nhiều tờ báo, tạp chí ở Pháp với tư cách nữ nhà khoa học Việt làm việc ở CNRS. Xuất hiện với hình ảnh áo dài, tóc đen, mang đậm chất Việt, nữ nhà khoa học công bố công trình nghiên cứu khám phá quy luật của quá trình nở hoa.
Các báo, tạp chí Pháp ngày ấy dành nhiều mỹ từ nhắc đến công trình của bà như “Cuộc cách mạng trong thực vật học”, “khi rễ cây nở hoa”. Năm 1973, bà được mời nói chuyện với công chúng Pháp yêu khoa học tại Lâu đài Phát minh (Palais de la Découverte) ở Paris với nội dung: Làm thế nào buộc các loài thực vật vốn không nở hoa phải nở hoa?
Một công trình nghiên cứu khác của bà gây chấn động trong giới khoa học, được coi là sự mở đường cho công nghệ sinh học thực vật, đó là khái niệm “Lát mỏng tế bào” (TCL) ở thập niên 70. Mới đây, cuốn Lát mỏng tế bào được xuất bản bằng tiếng Anh ở nước ngoài.
GS Gamborg, Đại học Calgary (Canada), viết lời giới thiệu: “Lát mỏng tế bào hay TCL là thuật ngữ đã rất quen thuộc đối với chúng tôi trong suốt ba thập niên vừa qua, cũng đồng nghĩa với tên tuổi nữ giáo sư K. Trần Thanh Vân ( tức GS Lê Kiêm Ngọc – PV), với nhiều công trình nghiên cứu sáng chói, kể từ khi bà công bố bài báo khoa học đầu tiên mang ý nghĩa mở đường, đã tạo nên một cuộc cách mạng trong lĩnh vực công nghệ sinh học thực vật”.
Không chỉ là nhà khoa học thành danh trên đất Pháp, GS Lê Kiêm Ngọc được biết với hoạt động từ thiện suốt gần nửa thế kỷ qua. Thập niên 70, chiến tranh Việt Nam diễn ra ác liệt. Thường xuyên theo dõi thông tin về quê hương, bà biết, nhiều trẻ em cần giúp đỡ. Nữ nhà khoa học nảy ra ý định bán thiệp giáng sinh quyên góp từ thiện. Những tấm thiệp giáng sinh in hình một số bức tranh lụa của các hoạ sĩ Việt kiều như Lê Phổ, Lê Thị Lưụ, Mai Trung Thứ được bà cùng các bạn đồng nghiệp và sinh viên bán lấy tiền làm từ thiện.
Ba năm ròng rã bán thiệp mỗi mùa giáng sinh, Làng Trẻ em SOS Đà Lạt được xây dựng và khánh thành vào năm 1974, năm tới vừa đúng 40 tuổi.
Giờ đây, ngoài 70 tuổi, gần nửa thế kỷ làm từ thiện, nhiều công trình gắn bó với tên tuổi của vợ chồng GS Vân như Trung tâm Bảo trợ trẻ em Thủy Xuân (Huế), Trường Dạy nghề “Bánh mì Pháp” (tại Thủy Xuân), làng Trẻ em SOS Đồng Hới (Quảng Bình) đi vào hoạt động.
Năm 2013 vừa qua, bà cùng chồng và GS người Pháp Odon Vallet trao 2.250 suất học bổng cho học sinh, sinh viên Việt Nam với tổng trị giá 850.000 euro. 16 suất học bổng trị giá 110.000 euro cho sinh viên Việt Nam có thành tích học tập tốt ở Pháp. Đây là sự tiếp nối các học bổng do vợ chồng GS Trần Thanh Vân – Lê Kiêm Ngọc khởi xướng và thực hiện suốt từ năm 1994.
Cũng hơn nửa thế kỷ sinh sống ở Pháp, nữ GS Lê Kiêm Ngọc vẫn giữ được nhiều nét thuần Việt. Không chỉ là ở mái tóc luôn búi phía sau, quần đen mà còn ở cách nhường chồng tế nhị “Em phỏng vấn chú trước, cô ngồi đây nghe là được rồi” khi tôi phỏng vấn ông - bà.