Thứ Sáu, Ngày 19 Tháng 4 Năm 2024

Nam Phương: Người xây những cây cầu

Thứ Tư, 26/02/2014 12:00
Ngày 8/1 vừa qua, Quỹ Nam Phương chính thức ra mắt với dự án “Build-a-Bridge” - xây dựng những cây cầu để người dân không phải vượt sông hay dùng đò đi lại - mà thành quả đầu tiên là cây cầu tại Tiền Giang. Điều đặc biệt là Quỹ được sáng lập, điều hành và chung tay bởi những người trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường.

- Xin hỏi, ý tưởng lập ra Quỹ Nam Phương tới từ đâu, ai là người quyết định đưa những suy nghĩ nhất thời thành hành động thực tế?

- Một lần đọc báo về vụ lật đò chở học sinh, em và em trai Bá Khang - đồng sáng lập và giám đốc tác nghiệp của Quỹ - đã suy nghĩ rất nhiều. Ở Việt Nam mình, lâu lâu lại nghe một câu chuyện đau lòng như vậy, và chúng em thực sự muốn giúp đỡ họ. Nghe chuyện, ba mẹ khuyến khích: đã giúp thì nên giúp tới cùng, nên tụi em cùng thống nhất sẽ thành lập Quỹ và lên kế hoạch hoạt động cụ thể. 
 
- Quỹ phần lớn do học sinh, sinh viên (HS-SV) điều hành. Điều đó có khó khăn cũng như thuận lợi gì?


- Tất cả các bạn khi tham gia đều có tấm lòng thật sự đối với dự án này, vì các bạn không được trả lương mà chỉ tham gia vì họ muốn. Từ khi chính thức ra mắt dự án, có hai người bạn cũ đã ngỏ ý chụp ảnh miễn phí cho tất cả các hoạt động của Quỹ, hai bạn khác thì lên kế hoạch bán một món hàng đặc biệt để gây quỹ, và còn nhiều bạn đã liên lạc với các lời đề nghị khác. Khó khăn là nhiều việc không giải quyết được chỉ bằng lòng nhiệt tình. Nhưng do là quỹ của HS-SV nên đã nhận được nhiều sự đồng thuận giúp đỡ từ các tổ chức trong và ngoài nước, như hiện tại được quản lý bởi VinaCapital Foundation, và bảo trợ luật pháp bởi hãng luật VCI Legal; ngoài ra còn các công ty thiết kế, công ty thép... đã ngỏ ý muốn hợp tác với Quỹ về lâu dài.

 

- Ngoài hoạt động gây quỹ, những việc phía sau như quản lý quỹ, chọn địa điểm tài trợ, chọn nhà thầu thi công, quản lý chất lượng... đều khá phức tạp. Xin hỏi, những công việc đó được thực hiện ra sao, có quá sức với các bạn không?

- Có nhiều chuyện tụi em nhiệt tình nhưng không có chuyên môn. Hai chuyện lớn nhất là luật pháp và quản lý đã được bảo trợ, còn việc địa điểm là kết hợp với địa phương để lựa chọn, quản lý chất lượng thì theo yêu cầu phải được thực hiện bởi một bên thứ ba khác, và phần này được bao gồm trong phần quản lý quỹ… Nói chung tất cả những công việc tụi em không tự làm được thì đều có sự giúp đỡ từ những bên có chuyên môn. 

- Nam Phương có thể đánh giá về những đóng góp của em trai mình, người mới là học sinh phổ thông nhưng đã được trao vị trí quan trọng trong Quỹ?

- Tuy còn nhỏ tuổi nhưng Bá Khang có tầm nhìn lớn và kinh nghiệm đối với mảng mình phụ trách – từ bé cậu đã tham gia tổ chức sự kiện, và vì thế gần đây đã được bầu vào ban cán sự trường của trường Quốc tế Tp.HCM, chuyên tổ chức các sự kiện lớn nhỏ và gây quỹ từ thiện trong trường. Buổi lễ ra mắt vừa qua phần lớn là do Khang lên kế hoạch và thực hiện, và cả tiêu chí 1+1 mà Quỹ đang theo đuổi cũng do Khang đặt ra.   

- Quỹ Nam Phương có một ban cố vấn với toàn những tên tuổi lớn, điều đó làm tôi băn khoăn, sự can thiệp của họ vào hoạt động của Quỹ ở mức độ nào?

- Ban cố vấn của Quỹ chính xác như là tên gọi – để cố vấn cho những thắc mắc hoặc những điều tụi em không rõ vì tuổi còn nhỏ, hoặc xem xét kế hoạch của tụi em xem có khả thi không hay có những điều bất lợi nào. Nhưng các bác luôn sẵn sàng giúp đỡ còn nhiều hơn nhiệm vụ của mình, như trong buổi ra mắt vừa rồi đã giúp kêu gọi và tự mình đóng góp hiện vật đấu giá, tự mình giới thiệu và giúp kết nối chúng em với mạng lưới quan hệ rộng lớn của mình… 

- Tên tuổi của bố bạn (Ông Đinh Bá Thành, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tổ hợp truyền thông Đất Việt VAC) rõ ràng là một sự hỗ trợ rất lớn. Nhưng đó có phải áp lực với bạn không, chẳng hạn phải chứng minh rằng mình thực sự "làm nên chuyện"? Bạn có bao giờ từ chối sự giúp đỡ hoặc các mối quan hệ của bố?


- Ba em không gây áp lực cho tụi em, trước đến giờ trong chuyện học hành cũng vậy. Trái lại, sự giúp đỡ và ủng hộ của ba mẹ là nguồn động lực đầu tiên giúp chúng em “làm nên chuyện”. Thành lập và điều hành một Quỹ từ thiện là một việc khó khăn và đòi hỏi nhiều công sức, thời gian, mà Quỹ của tụi em thì muốn vận hành làm sao giảm thiểu chi phí tối đa, để dành nhiều tiền nhất có thể vào việc xây cầu. Cho đến nay, để làm được điều đó, quỹ chưa từng từ chối bất kỳ nhã ý hỗ trợ nào, dù người đó có phải là do ba em giới thiệu hay không. Nhưng thiết nghĩ hiện nay có rất nhiều tổ chức và hoạt động từ thiện khắp nơi được thành lập hoặc bảo trợ bởi những người có vai vế, nên tụi em tự tin là những tổ chức muốn hợp tác với tụi em đều ít nhiều thực sự ủng hộ sứ mệnh và mục đích của Quỹ - mối quan hệ chỉ là bước đầu tiên, còn để thuyết phục được người khác, gột được thành hồ thì phải dựa vào khả năng trình bày và ý tưởng của tụi em. Hơn nữa, em tin đây là một dự án không cần thuyết phục nhiều vì mục tiêu của Quỹ rất rõ ràng, thiết thực, và là mối quan tâm của khá nhiều người trong cộng đồng. 
 
- Những chuyến đi khảo sát thực tế mang tới cho bạn suy nghĩ gì?

- Động lực, là động lực rất lớn lao cho em và em tin là cho tất cả mọi người muốn tham gia đóng góp vào dự án Build-a-Bridge, vì những chuyến đi này sẽ tạo nên sự nỗ lực và giúp mọi người tin tưởng, tự hào hơn vào việc mình đang làm.

- Điều lớn nhất mà bạn muốn đạt được với Quỹ Nam Phương là gì?

- Nói chung, Quỹ Nam Phương mong muốn sẽ là một quỹ hướng đến mọi người – với số tiền nhỏ nhưng ý nghĩa lớn, mọi người đều có thể cùng tham gia. Đặc biệt hướng đến HS-SV là những người trẻ tuổi nhiệt huyết, không chỉ đóng góp tiền bạc mà còn có thể tình nguyện thời gian, trở thành một đại sứ giúp truyền bá thông điệp của quỹ đến gia đình, bạn bè của mình, để 1+1 có thể thành hàng trăm, hàng nghìn người cùng một mục đích. Tụi em mong muốn sẽ có đại diện tại tất cả các trường học trên khắp cả nước, thành một tiếng nói chung của các bạn trẻ.

Ngoài ra, rất nhiều đại sứ hoặc là người Việt sinh sống ở nước ngoài, hoặc là du học sinh Việt Nam, và cả bạn bè khắp thế giới có duyên với Việt Nam. Như đạo diễn Phillip Noyce có bộ phim rất nổi tiếng về Việt Nam nên khi được mời thì hoan hỉ tham gia ngay, không chỉ với tư cách đại sứ mà còn là cố vấn. 

Về lâu dài, khi Quỹ đã phát triển vững mạnh, có đủ tầm vóc, sức lực, thì chúng em muốn chia sẻ sự tốt bụng nổi tiếng của chúng ta đến với thế giới bằng việc mở rộng hoạt động đến các quốc gia khác với những điều kiện tương tự, cần những cây cầu như chúng ta vậy.

- Phương thường làm gì vào thời gian rảnh? 


- Em thích tham gia vào các hoạt động ngoại khóa như làm phóng viên cho tờ Cherwell tại trường Oxford, Ban Điều hành Hội tranh luận Oxford Union và các ủy ban, nhóm từ thiện... Ngoài ra, em thích nhất là đọc sách và truyện tranh. 

- Quan hệ của bố mẹ với bạn và em trai được định nghĩa như thế nào? Những người bạn hay người dẫn đường?

- Cả hai – ba mẹ tôn trọng và ủng hộ em và Khang như những người bạn, nhưng luôn sẵn sàng chỉ dẫn giúp tụi em trở nên tốt hơn. 

Tên thật: Đinh Thị Nam Phương
Hiện là sinh viên trường Đại học Oxford, Corpus Christi College
Quỹ Nam Phương (namphuongfoundation.org)
• Xây một cây cầu tại Cái Bè, Tiền Giang năm 2011
• Gây được hơn 3,6 tỷ đồng trong đêm ra mắt của quỹ
• Đại sứ thiện nguyện: đạo diễn Phillip Noyce, ca sỹ Lê Hiếu, ca sỹ Phương Vy, ca sỹ Văn Mai Hương, ca sỹ Hồ Trung Dũng, hoa hậu Trúc Diễm, ảo thuật gia Petey Majik và rất nhiều HS-SV Việt Nam và quốc tế

Theo Đẹp Online

Thêm bình luận

Họ tên
Email
Nữ doanh nhân