Thứ Năm, Ngày 18 Tháng 4 Năm 2024

Làm Moringa nghiêm túc để nâng tầm sản phẩm Việt

Thứ Sáu, 07/03/2014 12:00
Chưa hết tháng Giêng nhưng lịch làm việc của bà luôn dày đặc với hàng khối công việc: vừa điều hành Công ty Thủy sản Tài Nguyên Seafood và Công ty TMTM, vừa quản lý showroom trưng bày sản phẩm Moringa, huấn luyện nhân viên phục vụ nhà hàng - cà phê, làm việc với đối tác, tổ chức xúc tiến thương mại và các hoạt động cho Câu lạc bộ Doanh Nhân Sài Gòn… Gặp bà khi Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 cận kề và bà vừa nhận Giải thưởng Nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu - Cúp Bông hồng vàng, câu chuyện của chúng tôi

 

Bà Phan Thị Tuyết Mai - CEO Công ty Thủy sản Tài Nguyên Seafood và Công ty TMTM
Tính đến thời điểm này, có đến 30% trong số hơn 400.000 doanh nghiệp Việt Nam đang có CEO là nữ, điều đó chứng tỏ phụ nữ hiện tham gia vào hoạt động kinh doanh rất nhiều. Cũng nhờ đức tính kiên nhẫn, dịu dàng, cẩn thận nên các CEO nữ lãnh đạo công ty khá tốt.

Không tính những công ty thuộc hàng top, nhìn chung, đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam có giám đốc nữ điều hành đều thành công. Song, điều đáng nói là dù một lúc phải đảm đương rất nhiều công việc khác nhau, lại phải học hành để nâng cao chuyên môn, nhưng các CEO nữ đều cân bằng được và đều có một gia đình đề huề, hạnh phúc. 

* Là một nữ doanh nhân, bà có tâm tư gì chia sẻ nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 không?

Nhiều người hay hỏi tôi, phụ nữ làm CEO có khác đàn ông không, tôi nói: "Không khác gì cả”. Vì khi là người đứng đầu thì ai cũng bấy nhiêu công việc, nhưng rào cản lớn nhất khi phụ nữ làm CEO là bình đẳng giới. Ví dụ, khi một công ty chọn đối tác thầu một dự án thì họ thường ngại giao cho công ty có CEO là nữ.

Hiện nay, những nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ là sáng kiến chung của Liên Hiệp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) và Cơ quan Hiệp ước toàn cầu của Liên Hiệp Quốc (United Nations Global Compact). Những nguyên tắc này gồm 7 bước hướng dẫn các doanh nghiệp cách thức trao quyền cho phụ nữ tại nơi làm việc, thị trường và cộng đồng.

Với những hướng dẫn đó, các doanh nghiệp có thể nâng cao quyền cho phụ nữ, hỗ trợ họ tham gia đầy đủ các hoạt động kinh tế trong mọi khu vực và ở mọi cấp độ. Tương lai kinh tế thế giới nghiêng về khối doanh nghiệp tư nhân và trao "tay hòm chìa khóa" cho phụ nữ chính là giúp kinh tế phát triển bền vững. 

* Từng tham dự nhiều hội nghị, diễn đàn kinh tế trong và ngoài nước, bà đánh giá thế nào về sự tham gia và đóng góp ý kiến của các doanh nhân nữ tại các diễn đàn này, thưa bà?

Tuy số lượng phụ nữ tham gia các diễn đàn không quá 1/4 so với nam giới, nhưng sự có mặt của các doanh nhân nữ luôn tạo được ấn tượng, đa số đều tự tin và có nhiều ý kiến, dự án đóng góp tại diễn đàn được đánh giá cao. Ấn tượng nhất là lần tôi tham dự Hội nghị Global Forum lần 5 về ý tưởng kinh doanh sáng tạo và công nghệ tại Nam Phi, do Infodev - WorldBank tổ chức.

Hội nghị có 600 doanh nhân, trong đó có khoảng 500 nam và 100 nữ. Tôi đã tham gia cuộc thi Ý tưởng sáng tạo do Tổ chức IMC (Tổ chức Tư vấn các thị trường mới nổi), Bộ Ngoại giao Phần Lan và WorldBank tổ chức tại khu vực Mê Kông vào cuối năm 2012 và đoạt giải đặc biệt "Nữ doanh nhân Mê Kông", được mời làm đại biểu tham dự hội nghị.

Khi biết có một doanh nhân Việt Nam khác tham dự cuộc thi, tôi cũng hồi hộp giống như lần mình lên thuyết trình vậy. Và hạnh phúc vỡ òa khi Thúy, nữ doanh nhân mới 21 tuổi, sống ở San Francisco, có công ty tại Việt Nam, giành được giải nhất trong nhóm 20 công ty về công nghệ thông tin có ý tưởng sáng tạo được chọn tham gia cuộc thi thuyết trình.

Tại hội nghị, tôi và Thúy đều mặc áo dài trắng, ngồi gần nhau nên lúc đó tất cả mọi người ào đến chúng tôi, không cần biết ai đoạt giải, chỉ cần thấy mặc áo dài là họ xốc lên chụp hình.

Nhưng tự hào, hãnh diện nhất là 600 người tham dự hội nghị không tung hô tên người đoạt giải mà hô to: "Việt Nam! Việt Nam!". Tôi xúc động đến chảy nước mắt, vui vì ít ra cũng có 600 người tại hội nghị biết đến Việt Nam, đặc biệt là phụ nữ Việt Nam đang làm thay đổi cái nhìn của thế giới về Việt Nam. 

* Đạt nhiều giải thưởng của UBND TP.HCM và các tổ chức lớn trong và ngoài nước như: Cúp Vàng về chất lượng sản phẩm tại Paris, Doanh nhân Sài Gòn tiêu biểu, Nữ doanh nhân Mê Kông..., lại vừa nhận Giải thưởng Bông hồng vàng, bà có thể chia sẻ một chút cảm nghĩ về lần nhận giải này?

 Đây là lần thứ 4 tôi đạt Giải thưởng Bông hồng vàng. Muốn đạt giải thưởng này, doanh nghiệp và cá nhân mình cũng phải phấn đấu rất nhiều, là sự nhìn nhận nỗ lực của nữ doanh nhân đóng góp vào nền kinh tế chung của đất nước.

 * Giữ vai trò Phó chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ Doanh Nhân Sài Gòn, bà có hài lòng về hoạt động của Câu lạc bộ?

Trong 9 năm tham gia Câu lạc bộ, tôi đã tìm thấy ở đó một mái nhà chung. Do tập hợp nhiều doanh nhân thuộc nhiều ngành nghề khác nhau nên Câu lạc bộ trở thành cầu nối để các anh chị em xích lại gần nhau, học hỏi, hiểu biết năng lực của nhau và hỗ trợ nhau rất nhiều.

Phải nói thật, khi tham gia Câu lạc bộ này, tôi thấy mình "lời" ghê lắm và cái lời lớn nhất là tôi có rất nhiều bạn, mỗi khi cần cái gì, tôi chỉ cần ới một tiếng là các bạn nhiệt tình giúp ngay lập tức, các anh chị em khác cũng vậy.

Như lần tôi làm showroom Mori, giới thiệu sản phẩm của Moringa tại Saigon Pearl, chỉ trong vòng 20 ngày đã hoàn thành. Cần camera, tôi ới Minh Quân - Công ty Nano một tiếng là có ngay; rồi khi làm hệ thống lạnh, có ngay Phi Phụng - Công ty Minh Phương hỗ trợ... Cùng với đó là những chuyến đi làm từ thiện đã giúp anh chị em càng hiểu nhau và thân thiết hơn.

Mấy năm qua, với mục đích khơi dậy tinh thần kinh doanh trung thực, hiếu nghĩa, tạo sân chơi bổ ích cho các bạn trẻ, Ban thường trực Câu lạc bộ cùng với Báo Doanh Nhân Sài Gòn đã tổ chức Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can. Chưa biết hiệu ứng về sau ra sao nhưng trước mắt, cuộc thi này cũng là sân chơi bổ ích cho các thành viên Câu lạc bộ. 

Nhưng để được mọi người yêu quý, tin tưởng như vậy, bà phải có quan niệm sống rất riêng, phải không?

Trong cuộc sống, ai cũng có người yêu và người ghét. Quan điểm sống của tôi là mình sống chân thật, nhiệt tình, thật sự yêu thương, mở lòng trước thì mọi người sẽ đến với mình. Còn với những người ghét mình thì cứ nghĩ rằng họ chưa hiểu về mình. Cứ sống đúng với lương tâm, với con người thật của mình thì một ngày nào đó mọi người sẽ hiểu. 

* Dự kiến năm nay, Câu lạc bộ sẽ có những hoạt động nào cụ thể cho các thành viên, thưa bà?

Năm nay, hoạt động của Câu lạc bộ sẽ tập trung cho xúc tiến thương mại, chúng tôi sẽ phải tìm hiểu, nắm được nhu cầu thật sự của đối tác ở các tỉnh, các doanh nghiệp ở nước bạn và Việt Nam để ráp nối lại nhằm tìm sự hợp tác.

Tháng 3 này, tôi dẫn một đoàn doanh nghiệp Việt Nam đi Đài Loan thăm một loạt nhà máy để nâng cao năng lực nghiệp vụ, kết nối với một số doanh nghiệp ở Đài Bắc. Đến tháng 6, có 11 tỷ phú Nga sang Việt Nam thì Câu lạc bộ là nơi 11 tỷ phú dừng chân chia sẻ. Tháng 9 sẽ tổ chức một đoàn đi xúc tiến thương mại ở Nhật Bản và tại ba tỉnh Đồng Tháp, Đồng Nai, cùng TP. Đà Nẵng... 

* 27 năm vẫn được các tập đoàn lớn chọn làm đối tác cùng đi đường dài, bà có thể chia sẻ kinh nghiệm chọn và giữ đối tác khi làm ăn với nước ngoài?

 Để giữ được đối tác đi đường dài với mình thì phải giữ được chữ tín, phải cam kết được chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, thực hiện quy trình khép kín nghiêm túc từ trang trại đến bàn ăn và có thể cung cấp cho họ nguồn hàng ổn định, lâu dài.

Giá cả đôi lúc có thể thay đổi nhưng trừ khi mình làm dở thì khách hàng mới bỏ mình, còn nếu hàng chất lượng cao, dịch vụ tốt là họ hợp tác rất lâu.

Có một kinh nghiệm khá quan trọng, đó là kỹ năng đàm phán. Thật ra, không phải một ngày, một bữa mà có được kỹ năng đàm phán với đối tác nước ngoài. Nó được hình thành qua thực tế công việc và nhất là sự nhạy bén, linh hoạt của mình. Tôi có một ví dụ về việc này:

Năm 2007, tôi có 17 container hàng đi Ba Lan. Đối tác có ý muốn hồi lại trong khi hàng đã rời cảng đi rồi, họ lấy lý do rào cản kỹ thuật, nhưng tôi biết họ đang gặp khó khăn về tài chính. Tôi lập tức bay đi Ba Lan, tính nhanh bài toán giảm giá để có thể đẩy hàng đi, chứ nếu 17 container này bị trả về thì nội tiền vận chuyển, đóng thuế, phí tạm nhập tái xuất, phí lưu kho tại cảng... sẽ lỗ nhiều hơn. Khi gặp đối tác, vốn là dân kỹ thuật nên tôi có thể phân tích và khẳng định ngay rằng không phải lý do kỹ thuật, và nói với họ: "Ông có bao nhiêu tiền để trả cho lô hàng của tôi, khách hàng của ông có thể trả cho ông bao nhiêu tiền, tôi sẽ giải quyết cho ông". Và vấn đề đã nhanh chóng được giải quyết. 

* Nhiều người cho rằng lĩnh vực thủy sản những năm qua rất khó khăn, lợi nhuận không nhiều nên bà đã chuyển sang thành lập Công ty TMTM kinh doanh thực phẩm xanh, có đúng vậy không, thưa bà?

 Công ty Thủy sản Tài Nguyên chính là nền tảng cho TMTM. Trong suốt 27 năm làm thủy sản, cũng nhiều doanh nghiệp khó khăn nhưng nhờ tôi chọn đối tác rất kỹ nên chúng tôi đã có một chỗ đứng vững trên thị trường.

Trong năm vừa qua, doanh thu của Tài Nguyên Seafood tăng 49%, lợi nhuận tăng trưởng tuy không như mong muốn nhưng trong bối cảnh chung khó khăn, như thế là tốt rồi.

Trong lúc cung cấp thủy sản cho các tập đoàn nước ngoài, nhận ra xu hướng thực phẩm xanh đang phát triển, các công ty mua thủy hải sản lại hay hỏi mua thêm nông sản để phân phối kèm nên tôi lên kế hoạch tìm nguồn hàng cung ứng. Đó là một trong những lý do ra đời của dự án Moringa. 

* Bà có thể chia sẻ nhiều hơn về dự án này?

 Như đã nói, xuất phát từ việc nắm được xu hướng tiêu dùng thực phẩm xanh và đề nghị của các đối tác, và qua nghiên cứu được biết một loại cây có giá trị dinh dưỡng cao là Moringa (trong dân gian gọi là chùm ngây), tôi bắt tay vào lập nông trại trồng Moringa ở Đồng Nai, lấy nguyên liệu để sản xuất trà. Trà Moringa được sản xuất từ tháng 4/2011. 

Theo Từ điển Cây thuốc Việt Nam, trong Moringa có rất nhiều vitamin A, C, E..., canxi, có hơn 17 loại axit amin cần thiết cho cơ thể. Đây cũng là loại cây không khó trồng. Nhưng bà con nông dân hầu như chưa biết đến tác dụng của Moringa, trong khi thực tế đất nông nghiệp lại bị bỏ hoang quá nhiều. Thật đáng tiếc! Do vậy, từ trang trại của mình tôi đã tạo hạt giống Moringa, đem tặng bà con nông dân, nhất là ở các vùng xa xôi, nghèo khổ, đất khô cằn.

Tôi kỳ vọng, đến năm 2016 rất nhiều nông dân sẽ biết đến lợi ích của loại cây này để trồng thì sẽ có sự thay đổi lớn trong nông nghiệp, vì vừa có rau ăn lại bổ sung dinh dưỡng.

Trong một lần làm công tác xã hội, tôi đã mời 60 vị sư về khám bệnh miễn phí tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn, tôi nấu một nồi canh súp Moringa và lấy bánh, trà mời các sư. Hòa thượng Thích Giác Toàn gợi ý: "Nếu lấy Moringa làm trà sẽ có người không uống trà vì tưởng đây là cây trà, vì vậy, con nên đưa cây này vào làm mì gói sẽ được nhiều người dùng hơn".

Thú thật, như có thêm sức mạnh, niềm tin, chỉ sau một thời gian ngắn, tôi đã nghiên cứu và đưa ra công thức sản xuất thành công nhiều sản phẩm khác từ Moringa, mì gói, mỹ phẩm, bánh các loại...

Với sản phẩm bánh và mình gói, tôi hợp tác với các thương hiệu Kinh Đô, Colusa - Miliket. Với mỹ phẩm, tôi lấy hạt Moringa đưa sang Đài Loan ly trích, cộng thêm lô hội và đặt gia công. Đối tác Đài Loan rất thích và đánh giá cao sản phẩm.

Sở dĩ tôi chọn gia công ở Đài Loan vì mục đích của tôi là xây dựng nền tảng cho mỹ phẩm này để phát triển thương hiệu về lâu dài, hơn nữa, sản phẩm thiên nhiên nên đòi hỏi kỹ thuật cao, nhà máy phải có tiêu chuẩn GMP và chuyên gia công cho các nhãn hàng mỹ phẩm nổi tiếng trên thế giới. Sắp tới, tôi tiếp tục cho ra viên uống bổ sung Moringa để tăng cường sức khỏe và phòng ngừa một số bệnh khác. 

* Trong một thời gian ngắn mà cho ra thị trường rất nhiều sản phẩm. Bà có bí quyết gì không?

Đam mê và làm hết mình bằng cả tâm huyết thì sẽ thành công. Phải nói rằng, cây Moringa đã dẫn tôi đi, cho tôi tình cảm, sự tin tưởng và động lực để bước vào lĩnh vực kinh doanh mới nên tôi quyết tâm theo đuổi và phải bám trụ lĩnh vực này.

Đây là một loại cây tốt, có thể xóa đói giảm nghèo cho hộ nghèo, tôi đang muốn làm nghiêm túc để nâng tầm sản phẩm Việt Nam, nên từ chất lượng dinh dưỡng cho đến thiết kế bao bì, tôi phải đầu tư, nghiên cứu rất cẩn trọng, tỉ mỉ để sản phẩm Moringa phải mang tầm quốc tế và đưa thương hiệu sản phẩm Việt Nam ra nước ngoài cạnh tranh. Tôi xác định đó là nhiệm vụ của mình.

Đã có một doanh nghiệp ở Bắc Mỹ đề nghị tôi đóng gói trà với thương hiệu của họ, nhưng tôi đang thuyết phục họ lấy thương hiệu của Việt Nam vì mục tiêu của tôi không phải lợi nhuận trước mắt mà là xây dựng thương hiệu cho Mori đủ sức cạnh tranh ở nước ngoài.

Hiện nay mì Moringa đã bán ở siêu thị châu Âu với chính thương hiệu Mori, đây là một thành công khẳng định thương hiệu sản phẩm Việt Nam trên thị trường thế giới.

Với tâm huyết ấy, suốt ba năm qua, tôi kiên trì tặng hạt giống, hướng dẫn kỹ thuật để bà con trồng. Hôm Báo Doanh Nhân Sài Gòn ra thăm Trường Sa, tôi đem một thùng hạt giống gửi tặng cho bộ đội trồng để phủ xanh trên đảo, giúp các anh có rau xanh ăn vì cây phù hợp với đất khô cằn.

Cuối cùng, mong muốn lớn nhất của tôi là dự án đủ sức lan tỏa để mọi người hiểu được giá trị, công dụng của Moringa để có thể làm theo cách riêng của mình, đưa ra nhiều sản phẩm khác nữa từ cây Moringa đóng góp cho cộng đồng. 

* Niềm hạnh phúc nhất của bà hiện nay là gì?

Tôi là người rất giàu bạn bè, và có một gia đình nhỏ cùng chồng và hai con trai ngoan ngoãn, chăm lo học hành. Ngoài giờ làm việc, hạnh phúc của tôi là được làm bếp, nấu ăn cho cả nhà và bạn bè. 

* Xin cảm ơn bà và chúc bà thành công với dự án nhiều tâm huyết và có ý nghĩa này.

Theo DoanhnhanSaigon

Thêm bình luận

Họ tên
Email
Nữ doanh nhân