Thứ Bảy, Ngày 20 Tháng 4 Năm 2024

Đạo đức không cần đo bằng điểm số

Thứ Bảy, 12/04/2014 12:00
“Thưa lãnh đạo, tại sao môn Đạo đức nhằm giáo dục đạo đức con người phải đo bằng điểm số? Tại sao sách giáo khoa lịch sử thiếu nhiều sự kiện quan trọng như chiến tranh biên giới Tây Nam, Tây Bắc, hải chiến Trường Sa, Gạc Ma….

Nhiều câu hỏi được học sinh chất vấn tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo Sở GD-ĐT với học sinh TP.HCM trong chương trình “Tiếng nói của học sinh TP.HCM” lần thứ 6.

Học sinh Phạm Thái Tiểu Mi, Trường THPT Bình Khánh, Cần Giờ nêu câu hỏi: “Thưa lãnh đạo Sở, mong các thầy giải đáp giúp em, tại sao môn học Đạo đức (Giáo dục công dân) nhằm giáo dục đạo đức con người phải quy ra điểm số. Có nhất thiết đạo đức được đo bằng điểm số không?

Học sinh Phạm Thái Tiểu Mi: Tại sao môn học Đạo đức phải quy ra điểm số

Tiểu Mi giải thích thêm: “em thắc mắc bởi cái gì quy ra điểm số, chỉ tiêu (nhất là các môn xã hội) thì chất lượng thực sự sẽ đi về đâu.? Nếu quy điểm số học sinh chúng em chỉ học thuộc, học vẹt, học lấy điểm mà không cần chú trọng đến đạo đức con người thực sự như thế nào? Không chỉ đạo đức mà ngay cả các môn xã hội, nhiều giáo viên dạy các môn xã hội cũng nói các em đừng than, than không làm được gì vì cái gì cũng quy ra điểm số”.

Về chương trình sách giáo khoa Lịch sử, một học sinh đến từ Trường THPT An Đông, Quận 5 đưa câu hỏi: “tại sao sách giáo khoa Lịch sử thiếu rất nhiều sự kiện quan trọng như chiến tranh biên giới Tây Nam, Tây Bắc, hải chiến Trường Sa, Gạc Ma...?

Cùng vấn đề này, học sinh Cao Thanh Liên, Trường THPT Thiếu Sinh Quân cũng nêu thắc mắc: “đọc qua những bài báo viết về lịch sử trên mạng em rất thích thú, dễ hiểu vì có hình ảnh, âm thanh sinh động.Sở GD- ĐT có cách gì để cải tiến sách giáo khoa lịch sử được xem là “toàn chữ là chữ” như hiện nay?

Cùng với đó một nguyện vọng về trách nhiệm thanh niên trong việc bảo vệ đất đất nước cũng được nhiều học sinh đề cập.

Học sinh Mai Lan, THPT Trần Khai Nguyên thắc mắc: “bảo vệ tổ quốc và trách nhiệm của mỗi công dân. Qua internet và thực tế em thấy nhiều bạn trẻ lên mạng chia sẻ cách làm sao để trốn đi nghĩa vụ quận sự. Sở Giáo dục- đào tạo có hoạt động hoặc môn học nào để định hướng bạn trẻ tự nguyện thực hiện nghĩa vụ quân sự?”

Ngoài ra nhiều vấn đề thi tốt nghiệp, chương trình học nặng lý thuyết, ít thực hành, việc học tiếng Anh, tin học cũng được nhiều học sinh chất vấn.

Ông Nguyễn Hoài Chương, phó GĐ Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, ngân sách TP.HCM dành cho GD luôn lớn nhất nước. Tuy nhiên trong giáo dục còn nhiều bất cập. Về việc môn học Đạo đức hàng chục năm nay đều như vậy, nếu có thay đổi cần sự thay đổi từ đầu nguồn.

Ông Nguyễn Hoài Chương, PGĐ Sở GD-ĐT TP.HCM

Ông Chương cho hay, hiện Bộ GD-ĐT đang tiến hành đổi mới chương trình sách giáo khoa. Chắc chắn trong tương lai sách giáo khoa cũng sẽ sinh động, đầy đủ bài học thực hành.

Về vấn đề đổi mới thi tốt nghiệp, thi đại học, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM thừa nhận đổi mới thi tốt nghiệp và đại học diễn ra giữa năm học gây cho học sinh sự lúng túng. Nhưng việc thi tốt nghiệp 4 môn rất thuận lợi cho học sinh, tuy nhiên không vì thế mà năm sau, học sinh chỉ chăm chăm vào học 4 môn, khi ra trường sẽ rất thiếu hụt về kiến thức.

Theo Vietnamnet

Thêm bình luận

Họ tên
Email
Nữ doanh nhân