Chủ Nhật, Ngày 22 Tháng 12 Năm 2024

9X tần tảo mưu sinh gánh ước mơ đến trường

Thứ Hai, 14/07/2014 12:00
Thiếu vắng mẹ cha, 18 tuổi phải bươn chải đủ thứ nghề mưu sinh nhưng hai cô học trò đều có chung một ước mơ mãnh liệt: được đến trường.

 

Những lúc không phải đi học, Nguyễn Thị Dung (trái) lại miệt mài với công việc đan mành giúp chú.
 
Đó là bạn Nguyễn Thị Dung, lớp 10A7 Trường THPT Hoài Đức B, An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội và bạn Lã Diệu Linh, lớp 10A0 Trường THPT Thanh Oai A, Thanh Oai, Hà Nội.
 

Nhà thiết kế tương lai và 100 triệu đồng nợ 

 
8 tuổi, cô bé Nguyễn Thị Dung đã phải theo mẹ đi khắp xã An Khánh đan mành thuê kiếm tiền đong gạo ăn hằng ngày. Nhà Dung ở đầu làng Vân Lũng, nằm lọt thỏm xung quanh những ngôi nhà ba bốn tầng là hai gian mái ngói lụp xụp, ẩm thấp. Bố mất từ khi Dung còn quá nhỏ đến nỗi Dung chẳng thể nhớ khuôn mặt bố. Không một mảnh ruộng, hai mẹ con Dung sống qua ngày bằng đủ thứ nghề. Người trong làng thuê gì làm nấy, từ đan lát làm mành đến hốt rác đổ thuê...
 
Trăm công ngàn việc đè lên vai khiến mẹ Dung đau ốm triền miên. Năm 2012, mẹ Dung đổ bệnh ung thư giai đoạn cuối, cô học sinh lớp 8 trở thành trụ cột chính và duy nhất của gia đình. Tháng 11-2013 mẹ Dung mất. Nỗi đau đớn mất cả cha lẫn mẹ khiến cô bé như rơi vào vực sâu thăm thẳm không lối thoát. Nước mắt ngân ngấn, Dung nghẹn ngào nói: “Mẹ ra đi để lại em một mình với số tiền nợ gần 100 triệu đồng. Em quyết tâm sống tiếp với mong ước được đi học, sau này ra trường đi làm có tiền trả nợ cho linh hồn mẹ được thảnh thơi ở cõi bên kia”.
 
Giờ đây Dung phải nai lưng làm thuê kiếm tiền trả nợ. Những ngày hè, trong khi bạn bè tất bật đi học thêm, Dung đi đan mành cho nhà cậu. Buổi tối Dung tranh thủ đạp xe sang thôn La Phù đóng gói tăm thuê với tiền công 200 đồng/10 gói.
 
“Mỗi tối làm cật lực em đóng được 500 gói tăm tính ra được 10.000 đồng. Tích cóp một tháng làm mành nữa cũng được 1 triệu đồng để trả tiền lãi hằng tháng, còn ăn uống thì cậu mợ cho gì em ăn nấy. Mọi người thương em nên cũng không đòi tiền ngay, sau này học ra trường đi làm có tiền em sẽ trả nợ dần dần”, Dung bảo.
 
Chia sẻ về ước mơ của mình Dung tâm sự: “Trước đây mẹ còn sống, em vẫn hay tâm sự với mẹ về ước mơ sau này trở thành nhà thiết kế thời trang. Em tin bên kia thế giới mẹ sẽ hiểu và phù hộ cho em biến ước mơ thành hiện thực” .
 
Tranh thủ nghỉ hè, Lã Diệu Linh cùng bố đi cấy thuê kiếm thêm thu nhập.
 

Gieo ước mơ từ cây lúa

 
Nhận hồ sơ học bổng “Chung một ước mơ” trên tay, chúng tôi tìm về nhà em Lã Diệu Linh ở xóm Trại, xã Thanh Mai (Thanh Oai, Hà Nội). Vừa đúng lúc Linh đi cấy thuê về. Thả chiếc rổ giữa sân, tay lấm lem bùn lau mồ hôi nhễ nhại trên trán, cô bé nở nụ cười rạng rỡ: “Từ đầu vụ đến hôm nay tính tổng số tiền em đi cấy cũng được hơn 500.000 đồng. Em tích cóp để đến đầu năm đóng học phí và mua sách vở là vừa tiền, khỏi phải xin bố nữa”.
 
Mẹ Linh từng là bác sĩ đa khoa Bệnh viện huyện Thanh Oai. Bố ở nhà làm vườn. Năm 2011 mẹ Linh mất do cảm đột ngột ở bệnh viện, khi ấy Linh vừa lên lớp 7. Từ đó bố em, chú Lã Thanh Loan, sống cảnh gà trống nuôi con. Gia đình bốn miệng ăn trông vào hai sào ruộng cấy lúa. Hết ngày mùa, chú Loan tranh thủ ra Hà Nội làm thuê kiếm thêm tiền mua sách vở cho con.
 
Nhìn Linh tần tảo, đôi mắt luôn ẩn sâu lo toan, ít ai nghĩ rằng cô bé từng là một búp bê tiểu thư, được cha mẹ yêu thương và chiều chuộng hết mức. Thế nhưng chỉ vài ngày sau khi mẹ mất, cô tiểu thư ấy lội chân trần theo bố xuống đồng học cấy. “Lúc mẹ mất mọi gánh nặng đè lên vai bố. Thấy bố vất vả nên em muốn đi làm thêm phụ bố lấy tiền đóng học phí. Em đã ước sau này lớn lên được trở thành bác sĩ như mẹ, sẽ làm thay phần việc của mẹ còn dang dở”, Linh tâm sự.
 
Khó khăn, vất vả là thế nhưng suốt những năm đi học Linh đều là học sinh giỏi, học sinh xuất sắc của trường. Linh còn đạt danh hiệu học sinh giỏi môn hóa cấp trường, cấp huyện.
Nguồn Tuổi Trẻ

Thêm bình luận

Họ tên
Email
Nữ doanh nhân