Thành công từ đam mê
Một trong những đề tài tâm đắc nhất của Thanh Vinh là “Nghiên cứu khả năng mang thuốc trị ung thư (paclitaxel) của một số chủng lactobacillus”, do Thanh Vinh thực hiện cùng với giảng viên hướng dẫn – TS Nguyễn Hoàng Khuê Tú (giảng viên Khoa Công nghệ sinh học Trường ĐH Quốc tế), vừa thực hiện thành công, mang tính ứng dụng cao. Thanh Vinh cho biết đây là nghiên cứu với mục đích tạo nguồn vận chuyển phân phối thuốc và đóng gói với các loại thuốc trị ung thư có nguồn gốc sinh học, không độc hại, không ảnh hưởng đến môi trường. Từ đó, xây dựng nên một hệ thống phân phối thuốc mạnh mẽ và linh hoạt. Đề tài này hứa hẹn có nhiều khả năng ứng dụng đối với sản phẩm trong y dược và thực phẩm chức năng.
Đoàn Thị Thanh Vinh đang làm việc trong phòng thí nghiệm công nghệ sinh học Trường ĐH Quốc tế
Thanh Vinh cho biết một sản phẩm có khả năng mang thuốc giúp giảm liều lượng thuốc cho bệnh nhân, giảm tác dụng phụ sẽ hỗ trợ rất nhiều trong quá trình điều trị bệnh ung thư. Do đó, Vinh đã lao vào nghiên cứu đề tài. Trong quá trình thực hiện đề tài, Thanh Vinh đã công bố 5 nghiên cứu liên quan đến đề tài trên các tạp chí quốc tế, trong đó có 5 công bố ISI, 1 công bố SCOPUS. Đây là thành tích đáng nể của bất cứ sinh viên (SV) nào.
Nhờ phòng thí nghiệm công nghệ sinh học của trường có đầy đủ trang thiết bị cần thiết, với sự hỗ trợ tài chính của trường và sự giúp sức của giảng viên hướng dẫn, Thanh Vinh có thêm động lực để bám trụ trong phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, việc nghiên cứu của Vinh gặp không ít thách thức. Thanh Vinh chia sẻ: “Nhiều đêm thức trắng trong phòng thí nghiệm làm đi làm lại vẫn không thành công, tôi nghĩ nếu vì thất bại mà dừng lại thì quá uổng công và phụ lòng thầy nên lại mò mẫm làm lại từ đầu. Cứ như thế, tôi ngày càng đam mê NCKH”.
Thích học vì được nghiên cứu
Đến Trường ĐH Quốc tế, chúng tôi nhận thấy SV rất hào hứng với việc NCKH. Trong một lớp học của ngành kỹ thuật hệ thống công nghiệp (năm thứ 2), 5 nhóm SV chia ra để thực hiện các đề tài NCKH. Trong đó có nhiều đề tài mang tính ứng dụng như đề tài liên quan đến vấn đề quản lý tồn kho trong sản xuất kho vận, điều độ trong hệ thống, hoạt động trong kho hàng… Theo quan sát của chúng tôi, những mô hình nghiên cứu của SV đều có thể chạy thử và hoạt động khá tốt. SV Đoàn Kim Thảo Chi cho biết: “Khi bắt tay vào làm các đề tài, tôi mới thực sự ứng dụng các kiến thức lý thuyết đã học. Mới học năm thứ hai nhưng được thực hiện đề tài NCKH, tôi cảm thấy rất hào hứng”.
ThS Trương Bá Huy, giảng viên Bộ môn Kỹ thuật hệ thống công nghiệp, cho biết trường luôn khuyến khích SV bằng việc định hướng đề tài, hỗ trợ tài chính để thực hiện đề tài… Việc NCKH cũng là cách để SV làm quen và đam mê ngành nghề. TS Phạm Huỳnh Trâm, Phó trưởng Bộ môn Kỹ thuật hệ thống công nghiệp, cũng cho rằng lúc đầu SV không tự tin nghiên cứu nhưng dần dần họ chủ động gặp giảng viên để tìm hiểu, học hỏi. Đây cũng là cách rèn luyện sự tự tin, chủ động cho SV.