Khảo sát của Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam cho thấy: cứ 4 doanh nghiệp thì có một doanh nghiệp do nữ làm chủ. Các nữ doanh nhân đang đóng góp khoảng 30% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tạo việc làm cho khoảng 30% người lao động, thực hiện trách nhiệm xã hội cũng như góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và tiến bộ xã hội. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế: trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, doanh nhân nữ trụ vững, vượt khó, đưa doanh nghiệp phát triển ổn định và tăng trưởng tốt hơn so với doanh nhân nam giới.
Khi dấn thân vào thương trường, so với nam giới, những doanh nhân nữ gặp không ít khó khăn. Các chị không chỉ chuyên tâm vào công việc làm ăn, kinh doanh mà còn phải chăm lo cho tổ ấm của mình với những công việc thường ngày như tề gia nội trợ, chăm sóc con cái… Tuy nhiên, do biết sắp xếp quỹ thời gian khoa học, hợp lý, nhiều doanh nhân nữ vẫn làm tròn trách nhiệm của mình.
Điển hình như nữ doanh nhân Hồ Thị Đức Lý, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần chè Tân Cương Hoàng Bình, tỉnh Thái Nguyên. Tận dụng thế mạnh có vùng trồng chè nổi tiếng cả nước, những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng chè cũng như cho ra đời nhiều thành phẩm đạt chất lượng như: Hồng trà túi lọc, Lan đình trà, Ngân long trà, Tri âm trà… luôn nhận được phản hồi tốt từ phía người tiêu dùng. Vì vậy, nhiều dòng sản phẩm trà của doanh nghiệp được lựa chọn để tiêu dùng và làm quà biếu…
Doanh nhân Hồ Thị Đức Lý cho biết: những năm gần đây, tình hình kinh tế gặp khó khăn, song với đức tính kiên trì, bền bỉ, doanh nghiệp luôn có những chiến lược cụ thể cho từng bước đi của mình từ lúc xây dựng dòng sản phẩm mới cũng như giữ vững, ổn định thị trường tiềm năng và mở rộng thêm thị trường mới. Do vậy, doanh nghiệp luôn ổn định tăng trưởng, năm sau hơn năm trước. Hiện ngoài phát triển thị trường nội địa, doanh nghiệp đang có thị trường xuất khẩu ổn định tại Mỹ, Anh, Nga…
Chị Hồ Thị Đức Lý chia sẻ: “Mỗi một doanh nghiệp phải tự tìm hướng đi của riêng mình. Con đường đi của doanh nghiệp chúng tôi là không đương đầu với các hãng sản xuất trà nổi tiếng ở nước ngoài đã có hàng trăm năm tên tuổi mà tìm những thị trường ngách. Với mục tiêu đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng ổn định thì trước tiên vấn đề chất lượng sản phẩm phải được đặt lên hàng đầu, chất lượng phải luôn tốt và ổn định. Đây là điều để khách hàng đánh giá được chính sản phẩm và thương hiệu của doanh nghiệp, yếu tố quyết định công ty có tồn tại được hay không”.
Doanh nhân Đinh Thị Liên, Tổng Giám đốc Trung tâm thương mại Trưng Vương, tỉnh Vĩnh Phúc luôn quan niệm: một trong những yếu tố giúp doanh nghiệp đi đến thành công chính là người lao động - đây là tài sản quý. Vì thế, ngay từ khi bắt đầu thành lập đến nay tròn 20 năm, đơn vị luôn coi trọng, đảm bảo thực hiện đầy đủ những chế độ về lương bổng, phúc lợi, đời sống tinh thần cho người lao động…
Rất nhiều người đã gắn bó lâu dài doanh nghiệp. Hiện doanh nghiệp đang tạo việc làm ổn định cho 100 cán bộ, công nhân viên lao động với tỷ lệ lao động nữ chiếm đa số, mức lương bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, doanh nhân Đinh Thị Liên còn được biết đến là một tấm gương điển hình trong các hoạt động từ thiện, nhân đạo vì cộng đồng.
“Đội ngũ cán bộ nhân viên chúng tôi được đào tạo bài bản, hàng năm có lớp nâng cao kiến thức nghiệp vụ cho anh chị em phát triển, nhất là anh chị em cán bộ trẻ. Tôi quan niệm đồng tiền là sự luân chuyển, nhưng đồng tiền không thể nào làm cho tâm con người làm trái. Trong kinh doanh phải hướng tới lợi nhuận, sau đó phải biết san sẻ với cộng đồng, giúp người nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Người doanh nhân cần có trách nhiệm để làm xã hội cùng phát triển”, bà Liên bày tỏ.
Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, đương đầu với khó khăn và với sự năng động, sáng tạo, các nữ doanh nhân đã vươn lên khẳng định vị thế của người phụ nữ Việt Nam. Thậm chí, trong giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế, nhiều doanh nhân nữ không chỉ trụ vững mà còn biến thách thức thành cơ hội vươn lên bứt phá, mở rộng sản xuất kinh doanh, gia tăng lợi nhuận, đưa ra thị trường những sản phẩm dịch vụ và thương hiệu mới.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng: “Phụ nữ Việt Nam hoàn toàn đáp ứng những tiêu chuẩn của việc kinh doanh hiện đại, có sự quyết liệt mạnh mẽ, năng động, biết chớp thời cơ và khỏanh khắc rất tốt. Thêm vào đó, phụ nữ Việt Nam rất tinh tế, sâu sắc, quyết liệt, vì vậy các chị có khả năng kết nối nhiều hoạt động rất hiệu quả”.
Tuy nhiên, ngoài thế mạnh của mình, doanh nhân nữ cũng đang phải đối mặt với những thách thức về trình độ học vấn, năng lực, kiến thức. Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam cho rằng: để hội nhập thành công đòi hỏi doanh nghiệp phải nắm bắt yêu cầu mới tái cấu trúc, quy trình sản xuất và các tiêu chuẩn về lao động, hàng hóa… Còn đối với doanh nhân nữ - những người phải làm tròn “nhiều vai”, rất cần sự hậu thuẫn từ gia đình và xã hội.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh cho rằng: “Các doanh nhân nữ bị áp lực rất nhiều bởi sự mong đợi của xã hội đối với doanh nhân nữ. Do vậy cơ quan, ban ngành, nhà hoạch định chính sách hãy đưa ra những bộ luật để nam giới phải chia sẻ công việc gia đình đối với phụ nữ và hiện nay Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội đã sửa đổi vấn đề này trong Bộ Luật Lao động sửa đổi. Đây là điểm rất mới và tốt đối với phụ nữ nói chung. Ngoài ra trong gia đình, con cái cũng phải gánh những trách nhiệm chia sẻ công việc với cha mẹ”.
Ở Việt Nam, hiện phụ nữ chiếm hơn một nửa dân số và chiếm 48,7% lực lượng lao động. Trong đó, phụ nữ làm chủ doanh nghiệp chiếm 20% và khoảng 1/3 số hộ kinh doanh cá thể trên toàn quốc. Phụ nữ đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế xã hội của đất nước.