Công bố kết quả điều tra của Vietnam Report về triển vọng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2014, có tới hơn 83,6% các lãnh đạo doanh nghiệp tỏ ra lạc quan với dự báo về doanh thu của doanh nghiệp trong năm 2014 sẽ cao hơn so với năm 2013, 11,5% cho rằng tình hình kinh doanh sẽ không có nhiều thay đổi, và chỉ chưa tới 5% dự đoán tình hình kinh doanh năm tới sẽ xấu đi.
Nhận định khả quan này được đưa ra trong bối cảnh kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp lớn trong năm 2013 có phần tốt hơn so với năm 2012. Hơn 62,3% lãnh đạo doanh nghiệp lớn Việt Nam cho biết doanh thu năm 2013 của doanh nghiệp đã cao hơn năm 2012, chỉ có 16,4% cho rằng kinh doanh vẫn “dậm chân tại chỗ” khi không có nhiều thay đổi về doanh số bán hàng và 21,3% phàn nàn về doanh thu năm 2013 đã giảm sút, kết quả kinh doanh không đạt được như kế hoạch đã đề ra, thậm chí thụt lùi so với năm trước.
Dự báo trên cũng phù hợp với kết quả khảo sát gần đây của PwC về độ tự tin của các lãnh đạo doanh nghiệp khu vực châu Á – Thái Bình Dương khi đánh giá triển vọng doanh thu của doanh nghiệp trong năm 2014. Theo đó, hơn 80% lãnh đạo doanh nghiệp đại diện của khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã bày tỏ tự tin về khả năng tăng trưởng doanh thu trong năm 2014, trong khi chỉ một phần nhỏ (2%) thiếu tự tin và e ngại rằng doanh thu năm 2014 sẽ không tăng mà thậm chí sẽ giảm đáng kể.
Trên một bình diện rộng hơn, các khảo sát vừa được tiến hành của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng cho thấy một cái nhìn lạc quan của cộng đồng doanh nghiệp về triển vọng kinh doanh năm 2014. Có tới 50,7% các doanh nghiệp cho biết họ có kế hoạch giữ nguyên quy mô kinh doanh trong năm 2014. Đáng chú ý hơn cả là tỷ lệ 42,5% doanh nghiệp được khảo sát chia sẻ họ sẽ mở rộng quy mô kinh doanh, chỉ có 6,7% doanh nghiệp có thể giảm quy mô kinh doanh và 0,1% doanh nghiệp có thể sẽ phải tạm dừng hoạt động.
Tất nhiên các đối tượng tham gia điều tra là các doanh nghiệp đang hoạt động, do vậy không thể suy rộng cho toàn bộ khu vực doanh nghiệp vốn bao gồm cả những doanh nghiệp đang tạm ngừng hoạt động, doanh nghiệp mới đăng ký nhưng chưa hoạt động. Tuy vậy, tín hiệu này có vẻ sẽ làm “sáng” hơn bức tranh chung của doanh nghiệp Việt Nam năm 2014 so với năm 2013.
Bởi bức tranh chung của doanh nghiệp Việt suốt trong năm 2013 đã được vẽ với nhiều gam màu sắc khi mà số doanh nghiệp thành lập mới, giải thể, dừng hoạt động đều tăng. Tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong năm 2013 là 76.955 doanh nghiệp, tuy tăng 10,1% về số lượng doanh nghiệp thành lập mới so với năm 2012 nhưng tổng vốn đăng ký chỉ đạt 398,7 nghìn tỷ đồng, giảm 14,7%.
Số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc ngừng hoạt động lên tới 60.737 doanh nghiệp, tăng 11,9% so với năm trước, trong đó số doanh nghiệp đã giải thể là 9.818 doanh nghiệp, tăng 4,9%; số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động là 10.803 doanh nghiệp, tăng 35,7%; số doanh nghiệp ngừng hoạt động nhưng không đăng ký là 40.116 doanh nghiệp, tăng 8,6%.
Khi so sánh về tình hình doanh nghiệp đăng ký mới giữa các khu vực, vùng kinh tế, đã có những sự chuyển dịch khác nhau.
Trong khi một số tỉnh có số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng đồng thời giảm số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động so với cùng kỳ năm trước như Thái Nguyên, Lạng Sơn, Lào Cai, Điện Biên, Tuyên Quang, thì quá trình đào thải, sàng lọc doanh nghiệp lại đang diễn ra rất mạnh mẽ tại một số tỉnh thuộc vùng duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, vùng Đồng bằng Sông Cửu Long…
Tại đây, số doanh nghiệp gia nhập cũng như rút lui khỏi thị trường đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy tình hình kinh tế vẫn khó khăn, các doanh nghiệp vẫn chịu sức ép lớn.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp đã cố trụ lại, nhưng do khó khăn quá lâu, thị trường chưa thực sự khởi sắc, nên đã buộc phải dừng hoạt động. Điều này sẽ gây sức ép không nhỏ đến tình hình kinh tế – xã hội cũng như thu ngân sách năm 2014. Điểm sáng duy nhất trong bức tranh doanh nghiệp Việt năm 2013 là số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động đã quay trở lại hoạt động trong 11 tháng của năm 2013 là 12.709 doanh nghiệp, riêng trong tháng 11/2013, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đã là hơn 900 doanh nghiệp.
Chia sẻ vì sao các doanh nghiệp quyết định mở rộng sản xuất kinh doanh trong năm 2014, có một nguyên nhân khách quan và một nguyên nhân chủ quan được nhiều doanh nghiệp lựa chọn nhất là do triển vọng kinh tế thuận lợi và doanh nghiệp đang sẵn có lao động có tay nghề với chi phí cạnh tranh cao.
Tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn hai nguyên nhân này lần lượt là 42,9% và 40,1%. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đang kỳ vọng rất lớn vào những chuyển biến tại thị trường lao động vì năm 2014 được nhận định là thời điểm dễ dàng nhất để doanh nghiệp tuyển dụng được nhân lực đáp ứng ngay yêu cầu của công việc mà không cần đào tạo, thậm chí đối với cả những vị trí chủ chốt trong công ty. Đứng thứ hai là nhóm nguyên nhân mở cửa thị trường, chính sách ưu đãi thuế, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và khả năng huy động vốn được cải thiện.
Trong nhóm nguyên nhân thứ hai này, việc hỗ trợ về chính sách thuế là một trong những biện pháp truyền thống để hỗ trợ doanh nghiệp và luôn được các doanh nghiệp đánh giá là rất cao vì doanh nghiệp nhìn ngay được cái lợi trước mắt. Các giải pháp khác như hoàn thuế bảo vệ môi trường và giảm 50% tiền thuế đất tiếp tục được áp dụng trong năm 2014 đối với các doanh nghiệp cũng sẽ tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Các giải pháp về vốn tín dụng cùng với việc hoàn thiện cơ chế bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, áp dụng mức thuế suất 5% đối với việc bán, cho thuê và mua nhà ở xã hội, cũng như việc áp thuế thu nhập doanh nghiệp 20% đối với các doanh nghiệp có tổng doanh thu không quá 20 tỷ đồng/năm đã tăng thêm niền tin vào triển vọng phục hồi sản xuất kinh doanh của rất nhiều doanh nghiệp trong năm 2014.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, hiện nay mặt bằng lãi suất tiếp tục ổn định. Điều đó mở ra cơ hội cho một bộ phận doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, hoặc không vướng vào trở ngại về nợ xấu cao, xử lý được nợ xấu, có thể vượt qua đình trệ sản xuất, phục hồi, phát triển kinh doanh.
Nhưng cơ hội phục hồi kinh doanh, chứ chưa nói đến phát triển, dường như vẫn chưa mở ra với những doanh nghiệp có tình hình tài chính yếu kém, vướng vào nợ xấu cao, chưa xử lý được nợ xấu. Các doanh nghiệp này vẫn phải đối diện với nghịch lý là có nhu cầu vay vốn nhưng do có nợ xấu nên không đáp ứng điều kiện của ngân hàng để tiếp cận được vốn.
Tất nhiên, khả năng phục hồi của doanh nghiệp còn phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thị trường. Thực tế cho thấy gần đây thị trường thế giới bắt đầu có tín hiệu phục hồi, đặc biệt tại những nước Việt Nam có lượng xuất khẩu lớn như EU, Nhật Bản, Mỹ. Dự báo, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của các nước này cũng sẽ tăng lên trong năm 2014, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu trở lại.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đang đàm phán, ký kết và sắp được thực thi nhiều FTA, nhất là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) trong giai đoạn 2014 – 2015. Điều này sẽ mở ra nhiều cơ hội đầu tư kinh doanh mới, hoặc mang đến cho doanh nghiệp nhiều cơ hội thị trường hơn. Trong hội nhập, các doanh nghiệp đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm hơn so với thời điểm 6 năm trước khi gia nhập WTO nên ít nhiều các doanh nghiệp đã có thể đánh giá được thị trường và chuẩn bị trước để đón đầu cơ hội.
Áp lực cạnh tranh vẫn còn rất lớn, có thể đẩy doanh nghiệp vào tình thế phải rời khỏi thị trường trong năm 2014 nếu như doanh nghiệp không có chiến lược và bước đi phù hợp. Theo ông Lê Hoàng Hà, Phó Chủ tịch hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Quốc tế Sơn Hà, trong khó khăn, nhu cầu của khách hàng ngày càng khắt khe hơn, yêu cầu sản phẩm chất lượng hơn nhưng giá cả phải phù hợp.
Để tồn tại và phát triển, doanh nghiệp phải đổi mới tư duy quản lý trong hội nhập, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, tích cực ứng dụng những vật liệu mới. Nếu doanh nghiệp không nghĩ vươn ra thị trường thế giới sẽ không bao giờ phát triển tốt tại thị trường Việt Nam!
Nhất thiết phải nghĩ đến sự phát triển bền vững là yêu cầu tất yếu đối với mỗi doanh nghiệp. Bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch hội đồng quản trị, Công ty Cổ phần Traphaco nhấn mạnh, kiên trì chiến lược phát triển theo hướng công nghiệp xanh, phát triển bền vững, Traphaco đã tạo hàng ngàn việc làm cho người lao động và cho hàng vạn người nông dân vùng sâu, vùng xa và được chính quyền nhiều địa phương rất ủng hộ.
Các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, thế giới hiện nay là thế giới của sự dịch chuyển, nên xu hướng của doanh nghiệp là phải rất mềm mại, linh hoạt điều đó được thể hiện qua việc doanh nghiệp biết quản trị rủi ro, hiểu rằng trong quản trị tài chính dòng tiền và thanh khoản quan trọng hơn rất nhiều giá trị số tiền, số tài sản mà doanh nghiệp.
Để vượt qua những thách thức của năm 2014, doanh nghiệp phải biết nắm bắt xu thế của thế giới, biết quản trị rủi ro, có tốc độ kết nối vào chuỗi giá trị nhanh và hướng tới sản xuất xanh, bền vững. Đây cũng chính là 4 yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp thành công trong tương lai!