Chủ Nhật, Ngày 22 Tháng 12 Năm 2024

Mở đường cho doanh nghiệp... “chết”

Thứ Bảy, 24/05/2014 12:00
Tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp hoạt động, giải thể, phá sản phải đi chung với cơ chế kiểm soát chặt chẽ, chế tài đủ mạnh để xử lý đơn vị cố tình vi phạm.

Theo số liệu của Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh- Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), trong 4 tháng đầu năm 2014, cả nước có 21.500 doanh nghiệp (DN) ngưng hoạt động, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, TP HCM có 7.617 DN ngưng hoạt động. Còn theo Sở KH-ĐT TP HCM, từ năm 2005 đến nay, toàn thành phố có 16.804 DN đăng ký giải thể. Cục Thuế TP HCM thì thống kê được 45.000 DN ngưng hoạt động, 10% - 15% trong đó thuộc diện “mất tích”, bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh.
 

Xếp hàng xin… “chết”

Thực trạng DN “chết” nhưng không được “chôn” đã diễn ra từ nhiều năm nay do thủ tục giải thể khá nhiêu khê, trong đó có quy định DN phải hoàn tất nghĩa vụ thuế với nhà nước. Nhiều DN lên xuống chi cục thuế hàng tháng trời vẫn không được xác nhận… hết nợ.

Thậm chí, nhiều DN chấp nhận chi tiền nhờ các công ty dịch vụ tư vấn giải thể để sớm được “chết”. Một số DN sau thời gian dài chờ đợi cơ quan thuế cấp “giấy báo tử” không thành đã bỏ mặc, không thèm làm thủ tục giải thể nữa.

 

 

Người dân, doanh nghiệp đến làm thủ tục tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM Ảnh: Hồng Thúy 

Theo Luật DN, chủ DN buộc phải hoàn tất các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác nếu muốn dừng hoạt động hợp pháp. Cụ thể, DN phải thông báo bằng văn bản đến cơ quan thuế và Sở KH-ĐT, kèm theo thông báo là các khoản nợ DN chưa giải quyết được. Tuy nhiên, phần lớn DN giải thể, phá sản khi đã nợ nần chồng chất, không có khả năng trả nợ nên thay vì phải thực hiện các thủ tục rườm rà, phức tạp, DN âm thầm rút khỏi thị trường mà không cần thông báo với cơ quan chức năng.

Theo ông Trần Ngọc Tâm, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP HCM, hầu hết DN ngưng hoạt động là nhỏ và vừa. Trung bình mỗi năm, TP HCM có 15.000 - 17.000 DN ngưng hoạt động. Để giải thể, các DN này phải thực hiện quyết toán thuế và được cơ quan thuế cấp giấy xác nhận đã hoàn tất thủ tục khóa mã số thuế, sau đó cầm giấy xác nhận này sang Sở KH-ĐT làm thủ tục trả giấy phép, con dấu.

Với mỗi hồ sơ quyết toán thuế, cần ít nhất 2 cán bộ thuế làm việc trong vòng 5 ngày. Trong khi đó, lực lượng hiện có của Cục Thuế TP HCM là 4.300 người. Mỗi năm, Cục Thuế chỉ kiểm tra không tới 10% trong tổng số 145.000 DN trên địa bàn để chống thất thu, tăng nguồn thu. Hồ sơ DN xin quyết toán thuế để giải thể chất đống nhưng không có cách nào khắc phục được.

Gỡ nút thắt quyết toán thuế

Theo quy trình hiện nay, sau khi được cơ quan thuế xác nhận đã hoàn tất nghĩa vụ thuế, DN phải nộp hồ sơ đến Sở KH-ĐT, Công an TP HCM để làm thủ tục trả giấy phép, trả con dấu. Thế nhưng, với nhiều DN, hoàn tất nghĩa vụ thuế là xong, không cần mất thời gian làm thủ tục trả giấy phép, trả con dấu. Như vậy, DN đã “chết” nhưng trên lý thuyết vẫn còn “sống” do chưa giải thể, trả con dấu.

Trước thực trạng này, Cục Thuế và Sở KH-ĐT TP HCM đã thống nhất xin ý kiến UBND TP giao cơ quan thuế có trách nhiệm thu hồi giấy phép, con dấu của những DN đã được xác nhận khóa mã số thuế để rút ngắn thời gian, thủ tục. Ngoài ra, để tháo gỡ vướng mắc liên quan đến quyết toán thuế, tạo điều kiện cho DN được “chết”, Cục Thuế TP HCM kiến nghị nên có cơ chế tự chịu trách nhiệm cho DN thông qua bộ phận kiểm soát xã hội hóa là các tổ chức kiểm toán giúp DN thực hiện kiểm toán và chịu trách nhiệm về báo cáo kiểm toán này. Chẳng hạn, nhà nước giao quyền cho cơ quan kiểm toán được kiểm tra quyết toán của DN và phải chịu trách nhiệm về kết quả kiểm toán này trước pháp luật. Cơ quan chức năng căn cứ theo kết quả kiểm toán này để giải quyết cho DN được giải thể.

Bà Trần Thị Bình Minh, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT TP HCM, cho rằng thủ tục giải thể DN cần thông thoáng hơn nhưng phải quy trách nhiệm cá nhân đến tận cùng. Tại Sở KH-ĐT, rất nhiều trường hợp đã ra được quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh - nghĩa là pháp nhân DN đó đã mất- nhưng cá nhân chủ DN tiếp tục đăng ký xin thành lập DN mới. Theo quy định, cá nhân chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn trên vốn đăng ký, không có quy định cấm cá nhân chưa thực hiện xong nghĩa vụ với nhà nước thì không được thành lập DN mới. Vì lẽ này mà Sở KH-ĐT dù biết nhưng không làm gì được.

Chế tài phải đủ mạnh

Ông Trần Ngọc Tâm cho rằng để tạo thông thoáng cho DN hoạt động và được “chết”, trước tiên phải xác lập trách nhiệm DN và có cơ chế xử lý vi phạm. Nếu cơ chế thông thoáng mà không có chế tài, xử lý thì rất khó quản lý. Cơ chế thông thoáng nhưng thiếu kiểm soát hiện nay đã tạo kẽ hở cho DN không chịu trách nhiệm về hoạt động của mình: hàng ngàn DN bỏ trốn, mất tích, từ chối nghĩa vụ đối với nhà nước thì không xử lý được. Thậm chí, DN sau khi đăng ký thành lập, phát hành hóa đơn, “thả” hóa đơn khắp nơi rồi bỏ trốn, làm ảnh hưởng đến hàng loạt DN khác.

Nguồn Người Lao Động

Thêm bình luận

Họ tên
Email
Nữ doanh nhân