|
Bà Penny Pritzker tại Hà Nội. Ảnh: Việt Anh |
"Tình hình hiện nay ở Biển Đông có một số tác động đến hoạt động kinh doanh, nhưng tôi không thấy có tác động tới mối quan tâm của doanh nghiệp Mỹ đang hiện diện ở Việt Nam cũng như trong khu vực ASEAN. Họ muốn cam kết lớn hơn ở đây", bà Pritzker nói trong buổi gặp gỡ với một nhóm phóng viên sáng nay.
Bà Pritzker miêu tả đây là "thời điểm tuyệt vời" để các doanh nghiệp Mỹ tìm kiếm thêm cơ hội đầu tư và kinh doanh ở Việt Nam.
Trao đổi với VnExpress về tác động của căng thẳng hiện nay đến dòng chảy thương mại ở Biển Đông, bà Pritzker nói các doanh nghiệp Mỹ cam kết hiện diện lâu dài ở Việt Nam cũng như khu vực. Họ nhận thấy các cơ hội trong dài hạn, với 600 triệu dân của ASEAN, nhu cầu lớn về công nghệ, năng lượng, du lịch, dịch vụ tài chính... cho swj phát triển kinh tế và đáp ứng nhu cầu của tầng lớp trung lưu.
Đề cập tới tình hình ở Hoàng Sa, bà Pritzker nhắc lại quan điểm của Mỹ, rằng Trung Quốc đưa giàn khoan cùng các loại tàu đến Biển Đông là hành động khiêu khích và gây căng thẳng trong khu vực. "Chúng tôi rất lo ngại về hành động nguy hiểm và đe dọa của tàu Trung Quốc", bà nói.
Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực, Mỹ đề cao luật pháp quốc tế và không cản trở thương mại, gồm tự do hàng hải ở Biển Đông và kêu gọi sử dụng các nỗ lực ngoại giao và phương cách hòa bình để giải quyết tranh chấp, bà Pritzker nhấn mạnh.
Nói về tiến triển của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), bà Pritzker cho hay không có việc động lực đàm phán bị suy giảm trong 12 nước tham gia. Việc đàm phán đang ở giai đoạn cuối cùng và thường là căng thẳng nhất nhưng diễn ra tốt đẹp. Vòng đàm phán tiếp theo sẽ được thực hiện trong tháng 7 tới.
Bà Pritzker cho biết bà nhận thấy cam kết mạnh mẽ về TPP từ các lãnh đạo Việt Nam. Dù Mỹ đưa ra các yêu cầu cao hơn về doanh nghiệp nhà nước, lao động, tiếp cận thị trường ...trong đàm phán TPP, Việt Nam là nước hưởng lợi ích to lớn từ việc hoàn thành đàm phán hiệp định này, theo bộ trưởng thương mại Mỹ.
Việt Nam là đối tác then chốt của Mỹ trong ASEAN. Kim ngạch thương mại hai chiều trong 20 năm qua đã tăng 15 lần, từ mức 223 triệu USD năm 1994 lên 30 tỷ USD hiện nay. Năm ngoái Mỹ xuất sang Việt Nam 5 tỷ USD, tăng 8% so với 2012, ngược lại Việt Nam xuất sang Mỹ hơn 24 tỷ USD, tăng gần 22% trong cùng thời gian.
Bà Pritzker có chuyến công du một ngày tới Việt Nam và gặp các nhà lãnh đạo nước chủ nhà nhằm đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác thương mại. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp lớn của Mỹ tháp tùng bà Pritzker trong chuyến đi này.