|
Vàng, USD hết hấp dẫn
Nhìn nhận bức tranh chung của nền kinh tế, TS Nguyễn Đức Thành (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách - VERP, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng trong năm 2014, kinh tế vĩ mô sẽ tiếp tục ổn định với chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng. Đồng USD sẽ mạnh lên bởi việc cắt giảm gói hỗ trợ QE3 của Mỹ. Tuy nhiên, do thâm hụt cán cân thương mại của Việt Nam nhiều khả năng sẽ rất thấp, trong khi cán cân thanh toán tổng thể thặng dư, tỷ giá chắc chắn sẽ không biến động nhiều. Ông Thành dự đoán mức điều chỉnh tỷ giá có thể chỉ tối đa là 3% trong cả năm. Trước đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã khẳng định: Năm nay, định hướng điều hành tỷ giá linh hoạt, thận trọng, cả năm biên độ dao động chỉ trong khoảng 1-2%.
Đối với thị trường vàng, sau 12 năm liên tục tăng giá, giá vàng đã giảm sâu (khoảng 25%) trong năm 2013, với mức “bốc hơi” 12 triệu đồng/lượng. Năm 2014, giá vàng trong nước và thế giới được dự báo tiếp tục xu hướng giảm. Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji, dự đoán năm nay sẽ là một năm khó khăn, thách thức đối với thị trường vàng. Doanh thu của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này sẽ sụt giảm, lợi nhuận không còn được như các năm trước đó. Đặc biệt, việc nhà nước siết chặt quản lý, tách vàng miếng ra khỏi hệ thống ngân hàng, khiến thị trường không còn hấp dẫn các nhà đầu tư. Cùng chung quan điểm này, TS Nguyễn Đức Thành cũng khẳng định, thị trường vàng đang ngày càng ổn định hơn. Nhu cầu đầu tư, đầu cơ không còn khi nhà nước quản lý ngày càng chặt chẽ.
Trước sức ép của nợ xấu, cũng như tồn kho tại phân khúc hàng cao cấp, thị trường bất động sản năm nay tiếp tục cho thấy một bức tranh không mấy tích cực.
Trông chờ tiết kiệm
Với nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định thông qua các chính sách tiền tệ điều hành thận trọng, chặt chẽ, lạm phát trong năm qua được kiểm soát khá tốt ở mức 6,04%. Trong năm 2014, mục tiêu của Chính phủ tiếp tục giữ ở mức khoảng 6%. Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết khi tỷ giá được điều hành tăng không quá 1-2%, chắc chắn lạm phát mục tiêu có thể đạt được ở mức 6%. So sánh với mức lãi suất huy động tiền gửi VND hiện tại dao động từ 6,5% đến 8,5%/năm, người gửi tiết kiệm hoàn toàn có thể tin tưởng đồng vốn sẽ được bảo toàn và sinh lời.
Chuyên gia kinh tế TS Ngô Trí Long khẳng định: “Trong số các kênh đầu tư như bất động sản, gửi tiết kiệm, ngoại tệ và vàng, trước mắt có thể nhìn thấy rõ việc gửi tiền tiết kiệm vẫn là lựa chọn an toàn và hiệu quả nhất. Gửi tiết kiệm sẽ tránh được rủi ro, đồng thời đảm bảo được lãi suất dương cho người có tiền”.
Thêm một yếu tố để các chuyên gia khẳng định gửi tiền đồng có lãi là với mức lạm phát mục tiêu khoảng 6-7% trong năm nay, lãi suất gửi và cho vay chắc chắn sẽ khó hạ thấp hơn mức này. Nếu hạ quá thấp lãi suất, trái phiếu chính phủ chắc chắn sẽ bị “ế” khi các nhà đầu tư không thể chấp nhận mức lãi suất trái phiếu thấp hơn lạm phát để chấp nhận chịu lỗ.
Kỳ vọng ở chứng khoán
Mặc dù nền kinh tế được nhận định sẽ khó có thể phục hồi nhanh và mạnh trong năm nay, nhưng với mức cam kết tăng trưởng GDP khoảng 5,8%, cũng như thông điệp mạnh mẽ của Chính phủ về việc cổ phần hóa một loạt tập đoàn, tổng công ty nhà nước, thị trường chứng khoán (TTCK) được các chuyên gia tiên liệu sẽ có sự phục hồi và trở thành kênh đầu tư hấp dẫn của năm 2014.
TS Quách Mạnh Hào, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng (ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội), cho rằng kênh gửi tiết kiệm là tương đối an toàn trong bối cảnh TTCK và bất động sản chưa nhìn rõ xu hướng tăng trưởng. Tuy nhiên, trong năm 2014, khi mà các nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ được triển khai, kênh chứng khoán trước mắt có thể được hưởng lợi về mặt tâm lý, tài sản trên thị trường này có cơ hội tăng giá nhờ yếu tố tâm lý của nhà đầu tư trở nên tốt hơn.
Theo đánh giá của Trung tâm nghiên cứu - Ngân hàng Đầu tư và phát triển VN (BIDV), đà khởi sắc của TTCK trong nước vẫn tiếp tục được kỳ vọng. Đó là nhờ vào sự phục hồi sản xuất, chuyển biến sức cầu, tăng chỉ số sản xuất trong bối cảnh ổn định lạm phát, tỷ giá, lãi suất, rủi ro giảm... góp phần tăng niềm tin của nhà đầu tư. Thứ hai là những tiến triển tích cực của đàm phán TPP (Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương) và việc xem xét tăng tỷ lệ sở hữu cho khối ngoại trong các ngân hàng, tiến độ xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng được thúc đẩy, kết quả kinh doanh quý 4/2013 được cải thiện là động lực kích thích thanh khoản tăng dần. Đặc biệt, chỉ số P/E (hệ số giá/thu nhập một cổ phiếu) hấp dẫn so với khu vực đã góp phần giữ chân dòng vốn ngoại trên TTCK cũng như khích lệ dòng vốn nội. BIDV nhận định trong năm 2014, VN-Index có thể đạt 510-530 điểm.