Tốt nghiệp ĐH Ngoại Thương Hà Nội, chị Lan đầu quân cho công ty của Nhật và làm về mảng xuất khẩu đồ thủ công, thời trang. Sau một thời gian làm việc, chị nhận ra tiềm năng phát triển của nghề này ở Việt Nam vì chưa có nhiều người biết đến và khai thác. Vì vậy, năm 2003, với số vốn ít ỏi nhưng với đam mê lớn, chị Lan đã lập ra công ty Lan Việt, chuyên sản xuất, kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ từ lụa, mây tre, gốm sứ xuất khẩu sang thị trường châu Âu và Nhật Bản.
Học được tính chăm chỉ, cần cù, không bao giờ ngại khó của người Nhật, khi mới mở công ty Lan Việt, hầu như tất cả mọi công việc có thể làm thì chị Lan đều làm và trên hết là có thể tiết kiệm chi phí nhân sự.
|
Bà chủ trẻ xinh đẹp của hai thương hiệu Lan Việt và Nấm. |
Hiểu rõ mình là một công ty nhỏ nên khi có bất kỳ đơn hàng nào chị cũng nhận và nếu đã làm thì chị sẽ làm cho đến khi khách hàng thật sự hài lòng thì thôi. Trong những ngày đầu của công ty Lan Việt, đã từng có một vị khách nước ngoài bị từ chối bởi các công ty thời trang khác vì mẫu hàng người đó đưa ra khá cầu kì và khó thiết kế, nhưng chị Lan vẫn nhận lời giúp. Về sau, chị Lan mới biết, vị khách đó đến từ một công ty khá có tiếng tại Anh, họ cử người sang Việt Nam để khảo sát thị trường, tìm mẫu mã, sản phẩm... cho công ty họ.
Chính nhờ việc tận dụng mọi cơ hội đến với mình như vậy, công ty của chị Lan đã kí được một hợp đồng lớn với công ty thời trang ở bên Anh và được hỗ trợ phát triển xưởng sản xuất ngay tại Việt Nam.
Từ kinh doanh thời trang đến kinh doanh Nấm
Mấy năm trở lại đây, chị Lan nhận được rất nhiều đơn hàng của khách hàng muốn được nhuộm vải hữu cơ vì vải nhuộm hữu cơ an toàn cho da và không bị ngứa như các loại vải khác. Từ khái niệm “nhuộm vải hữu cơ”, chị biết được khái niệm “thực phẩm hữu cơ”.
Trên thế giới, nhất là ở những nước phát triển và đã phát triển như Mỹ, Anh..., thực phẩm hữu cơ không quá xa lạ với những người quan tâm đến sức khỏe của bản thân và gia đình. Cùng lúc đó, chị biết được bạn của chồng có một trang trại sản xuất Nấm sạch và chưa có đầu ra để tiêu thụ, trong khi Nấm bên Trung Quốc được bày bán tràn lan ở Việt Nam và không được đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì thế, chị Lan quyết định sẽ trở thành nhà phân phối cho trang trại đó. Dần dần, vì muốn mọi người hiểu rõ hơn về sản phẩm và cách chế biến, chị đã mở ra quán Nấm Việt tại số 76 Lò Đúc với nhiệm vụ bà chủ, kiêm nhân viên của quán.
Những ngày đầu mở quán, chị phải làm hết tất cả mọi việc, từ trang trí quán, thiết kế logo, quét dọn, lau bàn ghế, rửa bát... đến cả việc đưa hàng đến tận từng khách hàng một. Chị chia sẻ, phải tự mình làm tất cả mọi thứ để hiểu được khó khăn, những vấn đề sẽ gặp phải khi bán, khi đi đưa hàng cho khách... từ đó, sẽ biết cách tháo gỡ và giải quyết vấn đề. Bản thân mình khi hiểu và từng trải qua công việc thì mới có thể truyền lại cho nhân viên để nhân viên lắng nghe và làm theo.
Luôn đặt chất lượng và giá trị gia tăng lên hàng đầu
Khi mở quán Nấm, chị Lan quan niệm rằng, kinh doanh không chỉ kiếm ra lợi nhuận, chị mong muốn có thể đem đến một trào lưu, phong cách ăn uống cho mọi người. Đến quán Nấm không chỉ để ăn mà còn đến để có một trải nghiệm khác biệt. Vì thế, từ việc chọn bàn ghế chị cũng chọn cách bàn ghế được làm từ đổ thủ công tre nứa, bát đũa được sử dụng thì làm từ đá vân sứ Bát Tràng... Tất cả đều giản dị, mộc mạc nhưng ẩn sâu trong đó là uớc muốn “người Việt dùng hàng Việt” của chị.
Công việc kinh doanh rất phát đạt ngoài tầm kiểm soát, có những lúc quán của chị hết hàng vì do lượng Nấm chị chuẩn bị chỉ đủ trong hôm đó. Tuy nhiên, chị quyết không vì lợi nhuận mà mua Nấm ở nơi khác về chế biến hoặc chuẩn bị Nấm từ mấy hôm trước. Chị chia sẻ, thành công của quán Nấm là do Nấm luôn giữ được độ tươi ngon và đảm bảo chất lượng cũng như mức độ tin cậy của quán đối với khách hàng.
Làm việc trong ngành công nghiệp sáng tạo, chị Lan cho rằng, không chỉ cần sáng tạo trong ngành thiết kế, thời trang, mỹ thuật... , sáng tạo còn đến từ những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống hoặc công việc kinh doanh khác nhau. Chính vì vậy, chị phải luôn suy nghĩ hàng ngày cách làm thế nào để món ăn trở nên ngon hơn, đẹp hơn và làm sao để có thể tạo ra giá trị nhất cho khách hàng.
Cụ thể, với mỗi đơn hàng lớn, chị sẽ có những quà tặng đặc biệt, độc đáo dành cho họ như cốc sứ, dây buộc tóc... hoặc vào những ngày đặc biệt như Valentine, chị cũng tạo ra những hình trái tim và đặt trong bát ăn của khách... Tất cả những quà tặng đó tốn khá nhiều nhân lực và chi phí, nhưng chị Lan vẫn làm. Với chị, chính giá trị gia tăng mà chị tạo cho khách hàng là điểm khác biệt giúp Nấm Việt được biết đến nhiều như vậy.
Sắp tới, với việc phát triển mạnh mẽ của quán Nấm, chị Lan sẽ mở thêm quán thứ 3, cùng với đó, công việc kinh doanh thời trang của chị sẽ được tiếp tục với việc phát triển những sản phẩm nhuộm hữu cơ an toàn cho người sử dụng.