1/ Không nhất thiết phải tiếp xúc với các sếp báo
Khi làm việc với báo giới, nhiều doanh nghiệp nghĩ rằng họ đang sở hữu những tin tức mới và giá trị nhất cho công việc PR và tìm cách gặp bằng được thư ký tòa soạn hay tổng biên tập của các báo. Họ không biết những người ấy đang rất bận rộn với nhiều trách nhiệm được giao nên không có thời gian để nghe và trực tiếp hỗ trợ đề nghị của doanh nghiệp được.
Thay vào đó, hãy xây dựng mối quan hệ với những nhà báo trẻ, năng động vì họ luôn săn lùng tin tức và sẵn sàng đón nhận những thông tin có thể không hấp dẫn cho lắm. Chính các phóng viên, chứ không phải những người phụ trách tòa soạn có trách nhiệm viết bài.
2/ Tìm ra người sẽ viết bài về vấn đề của mình
Những cây bút dù xuất sắc thì thường cũng chỉ tập trung viết về một vài chủ đề nhất định. Vì vậy, nên dành thời gian tìm hiểu để biết những nhà báo có tên tuổi mà bạn muốn nhờ viết bài có thường viết về những vấn đề tương tự như vấn đề mà bạn đang muốn giới thiệu hay không. Tìm được đúng cây bút chuyên viết về những vấn đề trong lĩnh vực mà doanh nghiệp của bạn đang quan tâm mới là quan trọng.
3/ Xây dựng mối quan hệ chân tình
Mối quan hệ của bạn với những người trong ngành truyền thông càng mật thiết thì giá trị mà họ sẽ mang lại cho doanh nghiệp của bạn càng cao.Ngoài các cơ hội gặp gỡ trực tiếp, bạn có thể giữ liên lạc với họ thông qua thư điện tử và các trang web xã hội như Facebook, Twitter, Google +, LinkedIn.
Nếu bạn lập được quan hệ với nhà báo nào đó và người ấy làm việc với bạn rất kỹ lưỡng để chuẩn bị cho bài viết thì hãy tin tưởng rằng đó là con người có trách nhiệm và cần sớm nói lời cảm ơn. Sau khi bài viết của nhà báo đó được đăng, bạn nên tìm gặp để cảm ơn lần nữa và chủ động giới thiệu thêm những thông tin khác mà nhà báo ấy quan tâm.
4/ Tạo ra những cơ hội độc đáo và riêng biệt
Bằng cố gắng tạo lập mối quan hệ thân tình với các nhà báo, bạn có thể thu hút được sự chú ý của nhiều phương tiện truyền thông. Ngoài việc mời họ tham dự các sự kiện của doanh nghiệp, thỉnh thoảng bạn nên chủ động gặp gỡ họ tại quán cà phê hay quán ăn để chuyện trò, kể cho nhau nghe những câu chuyện hay và lạ, cùng bàn luận về những vấn đề thời cuộc nóng hổi để hai bên hiểu nhau hơn.
5/ Chuẩn bị dạo màn trước khi gửi thông cáo báo chí
Vì nhận được rất nhiều thông cáo báo chí do vô số doanh nghiệp gửi đến, giới phóng viên không thể quan tâm đến tất cả, phần lớn thông tin không gây được ấn tượng mạnh đều dễ bị họ lãng quên.
Hãy tiết kiệm thời gian và chi phí của bạn bằng cách chỉ gửi đi một email đến các phóng viên với nội dung cô đọng về vấn đề bạn muốn truyền để thăm dò ý kiến của họ trước, nếu họ gửi lại phản hồi tích cực thì mới đi vào những điểm cụ thể của vấn đề.
Bên cạnh đó, bạn nên viết một bài đăng tải trên blog về câu chuyện muốn chia sẻ với báo giới và cho vài phóng viên thân thiết đường truyền riêng truy cập vào đó trước khi nó được phát hành.
6/ Hãy chắt lọc thông tin
Thông thường, các công ty có khuynh hướng gửi đến báo giới tất cả những thông tin họ có, mà phần lớn trong số đó chẳng đáng được các phóng viên quan tâm. Do đó, hãy chắt lọc thông tin trước, loại bỏ những tin tức rườm rà, không gắn bó với vấn đề cần đăng tải.
Đối với nhiều nhà báo, thông tin về chức năng mới của một sản phẩm hay dịch vụ mới chưa hẳn đã là điều đáng quan tâm, nhưng tính độc đáo, ưu việt của sản phẩm hoặc dịch vụ lại có sức lôi cuốn họ.
7/ Sử dụng các kênh truyền tin hiện đại khác
Nên nhớ rằng truyền thông báo chí chỉ là một trong số nhiều kênh phân phát thông tin đến cộng đồng. Đã có rất nhiều sự thay đổi xảy ra trong năm năm qua kể từ khi blog và mạng xã hội thịnh hành. Bạn có thể thu hút nhiều người quan tâm đến vấn đề của bạn bằng cách tận dụng tối đa những kênh khác để truyền tải thông tin đi nhanh hơn, xa hơn.